Chuyển mục đích sử dụng đất quốc phòng cần bảo đảm đồng bộ với các quy định liên quan

NDO - Nêu rõ còn vướng mắc và bất cập trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất quốc phòng, quân sự, các đại biểu Quốc hội kiến nghị cần cân nhắc nghiên cứu quy định nội dung này trong dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự bảo đảm đồng bộ với các quy định liên quan.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường Diên Hồng, chiều 24/10. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường Diên Hồng, chiều 24/10. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Chiều 24/10, tại Nhà Quốc hội, thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật bảo đảm cụ thể, rõ ràng, dễ thực hiện

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự sau khi được tiếp thu, chỉnh lý có 6 chương với 34 điều.

Liên quan đến nội dung về phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng cách phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự để quy định cụ thể, rõ ràng, khoa học, dễ hiểu, dễ thực hiện.

Chuyển mục đích sử dụng đất quốc phòng cần bảo đảm đồng bộ với các quy định liên quan ảnh 1

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Theo đó, việc phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự được quy định tại 2 điều: Điều 5 quy định công trình quốc phòng và khu quân sự được phân loại theo chức năng nhiệm vụ, mục đích sử dụng; Điều 6 quy định công trình quốc phòng và khu quân sự được phân nhóm theo tính chất quan trọng, yêu cầu quản lý, bảo vệ như dự thảo luật trình Quốc hội.

Đối với quy định về công trình lưỡng dụng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội cho biết, công trình lưỡng dụng quy định trong dự thảo luật là công trình kết hợp quốc phòng với kinh tế-xã hội và kinh tế-xã hội với quốc phòng quy định tại Điều 15 Luật Quốc phòng; sân bay mang tính lưỡng dụng là một loại của công trình lưỡng dụng và việc quản lý, bảo vệ công trình lưỡng dụng được thực hiện theo các quy định tại khoản 6 điều này; việc quy định 1 điều về công trình lưỡng dụng trong dự thảo luật là phù hợp, làm cơ sở pháp lý cho việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị, tính năng của loại hình công trình này.

Trong trường hợp phá dỡ công trình quốc phòng được thực hiện khi công trình quốc phòng đó không phù hợp để sử dụng cho dự án phát triển kinh tế-xã hội, chủ đầu tư dự án không có nhu cầu sử dụng hoặc công trình quốc phòng buộc phải phá dỡ để bảo đảm bí mật quân sự.

Thẩm quyền phá dỡ công trình quốc phòng do Bộ trưởng Quốc phòng quyết định nhưng việc chuyển mục đích sử dụng diện tích đất quốc phòng nơi có công trình quốc phòng bị phá dỡ sang mục đích khác vẫn do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho giữ như dự thảo luật…

Đồng thời, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chỉnh lý theo hướng quy định cụ thể về quản lý hoạt động, đi lại, cư trú của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự phù hợp với quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo vệ và tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội.

Chuyển mục đích sử dụng đất quốc phòng cần bảo đảm đồng bộ với các quy định liên quan ảnh 2

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) phát biểu thảo luận. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Thảo luận ở hội trường về một số nội dung của dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) tán thành và đánh giá cao báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đã bám sát ý kiến đại biểu Quốc hội. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu đề nghị nghiên cứu thêm về xác định phạm vi bảo vệ của công trình quốc phòng và khu quân sự.

Về công trình lưỡng dụng, đại biểu đề nghị nghiên cứu để xem xét trong tình trạng chiến tranh có thể chuyển công trình dân sự thành công trình quân sự; đề nghị bổ sung hành vi bị cấm đối với hành vi trục lợi khi chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự, nhất là khi chuyển mục đích sử dụng đất.

Cũng liên quan nội dung này, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đăk Nông) đề nghị cơ quan trình nghiên cứu Điều 12 dự thảo luật quy định về các trường hợp chuyển mục đích sử dụng công trình quốc phòng, khu quân sự có liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội, trong khi đó dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được lấy ý kiến thông qua, vì vậy cần nghiên cứu quy định nội dung này bảo đảm đồng bộ với các quy định liên quan.

Chuyển mục đích sử dụng đất quốc phòng cần bảo đảm đồng bộ với các quy định liên quan ảnh 3

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đăk Nông) phát biểu. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Theo đại biểu Trần Thị Thu Hằng, cơ quan trình dự án luật cũng cần rà soát, đối chiếu với các dự án khác để tránh chồng chéo khi luật có hiệu lực thi hành, qua đó bảo đảm tuổi thọ của luật.

Về chính sách của Nhà nước trong bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự tại Điều 4, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) cho rằng, chính sách này phù hợp tuy nhiên để triển khai thuận lợi, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc luật hóa bằng quy định hoặc có cơ chế riêng theo việc đầu tư xây dựng các dự án quốc phòng và khu quân sự, trong đó có việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đặc biệt là đất rừng. Đây là vấn đề còn vướng mắc và bất cập trong thực tiễn.

Liên quan đến phân loại công trình quốc phòng và khu quân sự tại Điều 5 điểm a khoản 2, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung vào phần giải thích từ ngữ tại Điều 2 các cụm từ “pháo đài cổ, thành cổ” để khi luật được ban hành sẽ dễ dàng áp dụng trong thực tiễn.

Phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng, khu quân sự có ý nghĩa rất quan trọng

Chuyển mục đích sử dụng đất quốc phòng cần bảo đảm đồng bộ với các quy định liên quan ảnh 4

Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Giải trình, làm rõ thêm vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận liên quan phân loại công trình quốc phòng và khu quân sự, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết, việc phân loại, phân nhóm trong dự thảo luật được nghiên cứu kế thừa quy định tại Nghị định số 04 của Chính phủ ngày 16/1/1995 ban hành quy chế bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng loại, nhóm công trình quốc phòng, khu quân sự, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác quản lý, bảo vệ theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tài sản công, tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng, tài sản phục vụ công tác quản lý thống nhất với phạm vi điều chỉnh của luật này.

Bộ trưởng cho biết, công trình quốc phòng, khu quân sự được phân loại theo chức năng, nhiệm vụ, mục đích sử dụng của mỗi loại: Loại A phục vụ nhiệm vụ tác chiến phòng thủ bảo vệ Tổ quốc; loại B phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập của lực lượng quân đội và dân quân tự vệ; loại C phục vụ cất trữ, sửa chữa, tiêu hủy đạn dược, vũ khí, trang bị, nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất các sản phẩm quốc phòng; loại D phục vụ sinh hoạt, học tập, làm việc thường xuyên của quân đội.

Bộ trưởng Phan Văn Giang nhấn mạnh, việc phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng, khu quân sự có ý nghĩa rất quan trọng, làm cơ sở xác định phạm vi, yêu cầu, nội dung quản lý, bảo vệ và chế độ, biện pháp quản lý bảo vệ phù hợp đối với từng loại nhóm, là cơ sở để xây dựng chế độ, chính sách cho các đối tượng liên quan.

Do tính chất đa dạng của công trình quốc phòng, khu quân sự cũng như yêu cầu của việc quản lý, bảo vệ, việc phân loại trong dự thảo luật là phù hợp, thống nhất với phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, thống nhất với các quy định của pháp luật.

Bày tỏ cảm ơn những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Quốc phòng cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tổng hợp đầy đủ, tiếp thu, giải trình kỹ lưỡng ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo luật đạt chất lượng cao, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.