Hoàn thiện pháp luật về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự

NDO - Việc xây dựng Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự là cần thiết nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về quốc phòng, tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, góp phần giải quyết kịp thời các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang trình bày Tờ trình về dự án Luật trong phiên họp chiều 26/5. (Ảnh: DUY LINH)
Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang trình bày Tờ trình về dự án Luật trong phiên họp chiều 26/5. (Ảnh: DUY LINH)

Trên đây là nội dung được Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh khi thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự trong phiên họp của Quốc hội chiều 26/5.

Còn hiện tượng lấn chiếm, xâm canh trái phép vào phạm vi được giao quản lý, bảo vệ

Bộ trưởng Phan Văn Giang cho biết, ngày 19/5/1994, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Quá trình triển khai thực hiện Pháp lệnh, công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự đã đạt được những kết quả quan trọng, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, góp phần tích cực vào củng cố, xây dựng thế trận khu vực phòng thủ, tăng cường tiềm lực quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, sau 28 năm thực hiện, Pháp lệnh đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập, như: việc xác định phạm vi, ranh giới bảo vệ của công trình quốc phòng và khu quân sự chưa được quy định cụ thể, rõ ràng; còn xảy ra hiện tượng lấn chiếm, xâm canh trái phép vào phạm vi được giao quản lý, bảo vệ.

Công tác phối hợp giữa các địa phương với Bộ Quốc phòng và các đơn vị Quân đội trong xác định phạm vi, ranh giới để tổ chức quản lý, bảo vệ chưa được triển khai đồng bộ; việc xây dựng các quy hoạch, cấp phép hoạt động ở một số dự án phát triển kinh tế-xã hội và công tác quản lý người nước ngoài cư trú ở một số địa phương, khu vực có liên quan đến công trình quốc phòng và khu quân sự chưa chặt chẽ...

“Những bất cập nêu trên đặt ra yêu cầu phải xây dựng Luật để tạo cơ sở pháp lý cao hơn và giải quyết kịp thời các vướng mắc, bất cập thực tế phát sinh”, Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh.

Dự thảo Luật gồm 6 chương, 34 điều, quy định cụ thể về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; quyền, nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và chế độ chính sách, kinh phí bảo đảm trong hoạt động quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; quản lý nhà nước trong quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự...

Về nguyên tắc quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự, trên cơ sở nghiên cứu quy định tại Điều 5 Pháp lệnh, dự thảo Luật phát triển, bổ sung quy định các nguyên tắc: tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Đồng thời, bảo đảm bí mật, an toàn và duy trì tuổi thọ, công năng sử dụng cho từng công trình theo yêu cầu thiết kế; quản lý chặt chẽ đất quốc phòng, các thiết bị, vật tư chuyên dùng của công trình quốc phòng và khu quân sự theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và pháp luật có liên quan.

Hoàn thiện pháp luật về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự ảnh 1

Các đại biểu dự phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Cũng theo Bộ trưởng Quốc phòng, dự thảo Luật quy định tiêu chí về phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự; phân loại cụ thể thành 4 loại (A, B, C, D) theo chức năng nhiệm vụ, mục đích sử dụng; phân nhóm thành thành 4 nhóm (Nhóm đặc biệt, I, II, III) theo tính chất quan trọng, yêu cầu quản lý, bảo vệ; từng loại được phân thành các nhóm cụ thể.

“Việc phân loại, phân nhóm trên làm cơ sở để xác định phạm vi bảo vệ và các nội dung, chế độ quản lý, bảo vệ đối với từng loại, nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự”, Bộ trưởng nêu rõ.

Làm rõ các căn cứ xác định phạm vi khu vực cấm, phạm vi khu vực bảo vệ

Báo cáo thẩm tra tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Luật như lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, và cho rằng, công trình quốc phòng và khu quân sự có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, phòng thủ bảo vệ Tổ quốc cả thời bình và thời chiến.

Việc quản lý, bảo vệ có hiệu quả công trình quốc phòng và khu quân sự góp phần xây dựng tiềm lực quốc phòng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân và xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Về xác định phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí như dự thảo Luật và cho rằng, phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự liên quan đến việc xác định trách nhiệm bảo vệ của các chủ thể và xác định các hành vi vi phạm trong quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, nhất là các hành vi xâm phạm khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn công trình quốc phòng và khu quân sự, vành đai an toàn kho đạn dược...

Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ thêm về các quy định này, các căn cứ xác định phạm vi khu vực cấm, phạm vi khu vực bảo vệ, phạm vi vành đai an toàn, phạm vi vành đai an toàn kho đạn dược…; những nguyên tắc, tiêu chí, yêu cầu cụ thể về phạm vi, ranh giới của khu vực cấm, khu vực bảo vệ và vành đai an toàn công trình quốc phòng và khu quân sự.

Đồng thời, quy định về chiều cao không gian, chiều sâu dưới mặt đất, trên mặt nước, dưới mặt nước các công trình dân dụng liền kề phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Hoàn thiện pháp luật về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự ảnh 2

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật. (Ảnh: DUY LINH)

Có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật đã xác định cụ thể phạm vi khu vực cấm, phạm vi khu vực bảo vệ, phạm vi vành đai an toàn,…như: khoảng cách từ ranh giới của khu vực cấm trở ra xung quanh của công trình quốc phòng và khu quân sự Nhóm đặc biệt không quá 600m, Nhóm I không quá 300m, Nhóm II và Nhóm III không quá 200 mét...

Tuy nhiên, đề nghị làm rõ cách xác định này có phù hợp với công trình quốc phòng và khu quân sự trên biển, dưới lòng biển, trên không, dưới lòng đất không. Theo Ủy ban Quốc phòng và An ninh, quy định trên có thể dẫn đến sự chồng lấn với đất, mặt nước, khoảng không đang thuộc quyền quản lý, sử dụng của các tổ chức, cá nhân khác, dẫn đến làm hạn chế quyền quản lý, khai thác, sử dụng của tổ chức, cá nhân.

Về phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đánh giá, việc phân loại, phân nhóm có ý nghĩa quan trọng, làm căn cứ để quy định các nội dung, hình thức quản lý, bảo vệ cho phù hợp với tính chất, mục đích của từng loại công trình quốc phòng và khu quân sự.

Theo dự thảo Nghị quyết, công trình quốc phòng và khu quân sự được phân loại theo chức năng nhiệm vụ, mục đích sử dụng. Cụ thể, Loại A: phục vụ nhiệm vụ tác chiến phòng thủ bảo vệ Tổ quốc; Loại B: phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập của lực lượng quân đội và dân quân tự vệ; Loại C: phục vụ nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất, cất trữ, sửa chữa, tiêu hủy vũ khí, trang bị của quân đội và các sản phẩm quốc phòng; Loại D: phục vụ sinh hoạt, học tập, làm việc thường xuyên của quân đội.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng cách phân loại này chưa bao quát các công trình phòng thủ và khu quân sự theo khái niệm tại dự thảo Luật, nhất là các công trình lưỡng dụng, các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, công trình kết cấu hạ tầng xã hội và vùng đất, vùng nước, vùng biển gắn với công trình phòng thủ và khu quân sự, các cơ sở nghiên cứu của Bộ Quốc phòng.

Có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định rõ ràng hơn để dễ phân biệt được loại, nhóm công trình phòng thủ và khu quân sự, đồng thời nghiên cứu cách phân loại tài sản công theo quy định tại Điều 64 (Tài sản công tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân) Luật Quản lý, sử dụng tài sản công với 3 nhóm tài sản: Tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng và tài sản phục vụ công tác quản lý là tài sản sử dụng trong công tác, huấn luyện, nghiệp vụ, học tập của đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân cho thống nhất.