Niềm vui mùa ốc gạo

NDO -

Giữa trưa, những chiếc ghe máy cào ốc gạo cập bờ. Dưới cái nắng chang chang, vùng biển bãi ngang xã Đức Minh, huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) rôm rả tiếng nói cười. Những bao ốc nặng trĩu nhanh chóng được thương lái thu mua. Trên khuôn mặt của ngư dân đen sạm nắng gió ánh lên niềm vui mùa ốc gạo.

Ốc gạo bé tí, màu sắc sặc sỡ là sản vật mà biển khơi ban tặng.
Ốc gạo bé tí, màu sắc sặc sỡ là sản vật mà biển khơi ban tặng.

Ở tuổi 66, hơn 40 năm bám biển mưu sinh và có “thâm niên” trong nghề khai thác ốc gạo, lão ngư Nguyễn Đô, ở thôn Minh Tân Nam (xã Đức Minh) cho biết, khai thác ốc gạo (còn gọi là ốc ruốc, ốc lể) là nghề quen thuộc, gắn bó với ngư dân xã Đức Minh từ lâu. Đây cũng là nghề giúp nhiều gia đình có thêm thu nhập, nâng cao đời sống. Vì vậy, ngư dân nơi đây xem ốc gạo là sản vật của biển khơi ban tặng.

Oc_2-1616402863257.JPG
 Dụng cụ cào ốc của ngư dân Đức Minh là ghe máy nhỏ, cùng cây vợt sắt dài, nặng khoảng 30kg.

Theo lão ngư Nguyễn Đô, nếu như ngày trước, ngư dân phải ngâm mình, lặn ngụp nhiều giờ trong nước biển lạnh ngắt để cào ốc gạo thì những năm gần đây phương tiện khai thác đã thay đổi. Ngư dân sắm ghe máy chạy ra cách bờ biển chừng vài chục mét để khai thác ốc gạo với dụng cụ giản đơn, chỉ là cây sắt dài khoảng 8m, nặng 30 kg, một đầu gắn lưỡi cào có bọc lưới. Mỗi ghe máy thường có hai ngư dân, có nhiệm vụ phiên nhau lái ghe và cào ốc.

“Lặn cào ốc gạo hay dùng ghe máy cào ốc gạo đều vất vả, cực nhọc. Song, việc dùng ghe máy cào ốc khai thác được nhiều sản lượng hơn nên thu nhập cũng khá hơn”, lão ngư Nguyễn Đô chia sẻ.

Oc_3-1616402863206.JPG
 Giữa trưa, ghe cào ốc cập bờ cũng là lúc vùng biển bãi ngang Đức Minh rôm rả tiếng nói cười.

Mùa ốc gạo bắt đầu từ sau Tết Nguyên đán đến tháng 3 âm lịch, làng chài Minh Tân Nam thức giấc sớm hơn thường lệ. Tờ mờ sáng, anh em bạn chài đã í ới đưa ghe ra biển, cào đến 11-12 giờ trưa mới vào bờ. Suốt hơn sáu giờ đồng hồ trên biển, trung bình, mỗi ghe cào được khoảng 2 tạ ốc. Với giá bán hiện tại, mỗi ngư dân có thu nhập khoảng hai triệu đồng. Cá biệt, có hôm ngư dân trúng đậm với thu nhập 3 đến 4 triệu đồng.

Vừa đưa ghe lên bờ, lấy tay quệt mồ hôi lăn dài trên trán và đưa mắt nhìn vào bao ốc gạo trĩu nặng đang được hai người khiêng, ngư dân Nguyễn Văn Sang hồ hởi nói: Công việc cào ốc gạo rất nặng nhọc. Nhiều lúc đến trưa bụng đói rát, cầm dụng cụ cào nặng trong nhiều giờ nên mỏi rũ cả tay. Cực nhọc là thế nhưng bù lại ngư dân có thu nhập cao nên ai cũng ham làm.

Oc_5-1616402862890.JPG
Niềm vui mùa ốc gạo giúp ngư dân Đức Minh có thu nhập cao. 

Sau khi bán ốc được hơn hai triệu đồng cầm trên tay, bà Lê Thị Tuyết, vợ của một ngư dân ở Đức Minh cho biết mùa ốc gạo năm nay, tuy lượng ốc khai thác được ít hơn mọi năm nhưng bù lại kích thước ốc to hơn nên bán được giá. Điều đặc biệt, việc mua bán ốc gạo ở Đức Minh không tính giá trị theo cân mà tính theo bao. Mỗi bao khoảng chừng 100 kg và giá tùy thuộc vào kích cỡ ốc lớn, nhỏ.

“Ốc gạo được ngư dân ở nhiều vùng ven biển miền trung khai thác. Tuy nhiên, ốc gạo ở Đức Minh được người tiêu dùng nhiều vùng ưa chuộng vì sau khi qua chế biến, ốc không có mùi tanh, thịt thơm và ngọt nên ngư dân khai thác được bao nhiêu thương lái đều mua hết”, bà Lê Thị Tuyết nói.

Oc_4-1616402863138.JPG
Những bao ốc gạo nặng trĩu được vợ các ngư dân khiêng ghe vào bờ bán cho thương lái.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đức Minh Nguyễn Minh Hòa, toàn xã có khoảng 40-50 ghe máy hành nghề cào ốc gạo. Thời điểm này là cao điểm nên vùng biển bãi ngang Đức Minh đang rộn ràng mùa ốc gạo. Cuộc sống nhiều ngư dân vùng biển bãi ngang xã Đức Minh còn khó khăn. Tàu thuyền công suất nhỏ chỉ đánh bắt gần bờ. Do vậy, vào mùa ốc gạo, ngư dân lại tranh thủ ra biển khai thác. Đối với họ, ốc gạo là lộc biển, đem lại nguồn thu lớn cho mỗi gia đình với mỗi năm từ 70 đến 80 triệu đồng.

Những con ốc gạo có kích thước như cúc áo với sắc màu sặc sỡ, phần thịt bên trong bé tí tẹo, có vị thơm đặc trưng, là món ẩm thực dân dã được nhiều người ưa thích. Hơn thế, ốc gạo là sản vật mà biển khơi ban tặng, giúp ngư dân các làng chài nghèo có thêm thu nhập, cải thiện đời sống, vơi bớt đi nỗi nhọc nhằn sau những giờ mưu sinh cật lực trên biển.