Trung tá Ating Chơn trao đổi với già làng Bríu Pố về công tác giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương
Trung tá Ating Chơn trao đổi với già làng Bríu Pố về công tác giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương

Chuyện già làng làm giàu và giữ văn hóa ở Tây Giang

Bà con thôn Arớh, xã Lăng, huyện Tây Giang, Quảng Nam rất tự hào về già Bríu Pố của mình. Già là người học rộng hiểu nhiều, già biết kể chuyện rất hay. Hơn thế nữa, già còn là người giúp cho bà con trong vùng biết cách xóa được cái đói, đuổi được cái nghèo, già dạy bà con biết yêu quý, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

“Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”

Sinh năm 1949 tại Tây Giang, một huyện miền núi xa xôi, hẻo lánh của tỉnh Quảng Nam, chàng thanh niên Bríu Pố không cam chịu bó hẹp con mắt nhìn của mình ở dưới những tán rừng quanh năm mây phủ. Chính vì vậy, Bríu Pố đã chăm chỉ học “con chữ của Bác Hồ”.

Năm 1977, sau khi tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm Thái Nguyên, trở thành người Cơ Tu đầu tiên có bằng cử nhân, Bríu Pố đã khăn gói trở về quê nhà với khát vọng được đóng góp công sức của mình để xây dựng quê hương.

Với kiến thức và vốn sống phong phú, bầu nhiệt huyết căng tràn, Bríu Pố thử sức mình ở nhiều công việc như Phòng Giáo dục huyện Hiên (cũ), hiệu trưởng một trường phổ thông của huyện, rồi cán bộ phòng văn hóa… Được bà con tín nhiệm và sự động viên, ủng hộ của chính quyền, từ năm 1989 Bríu Pố được bầu làm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã.

Phải làm thế nào để giúp bà con xóa được cái đói, đuổi được cái nghèo, nỗi niềm trăn trở ấy luôn thường trực trong tâm trí ông. Năm 2005, mới 56 tuổi, Bríu Pố quyết định xin thôi chức Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, nghỉ hưu sớm để nghỉ ở nhà, chuyên tâm nghĩ cách giúp bà con.

Phải làm thế nào để giúp bà con xóa được cái đói, đuổi được cái nghèo, nỗi niềm trăn trở ấy luôn thường trực trong tâm trí ông. Năm 2005, mới 56 tuổi, Bríu Pố quyết định xin thôi chức Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, nghỉ hưu sớm để nghỉ ở nhà, chuyên tâm nghĩ cách giúp bà con.

Nhưng thấy mình là một đảng viên làm lãnh đạo mà đời sống bà con vẫn nghèo khó, cơ cực, Bríu Pố day dứt vô cùng.

“Tôi luôn tâm niệm lời Bác Hồ dạy rằng đói nghèo là giặc, vậy nên bà con ta cần phải quyết tâm đánh thắng giặc đói nghèo. Mà nói miết bà con khó hình dung nên phải làm bằng thực tế thì bà con mới tin và nghe theo”.

Năm 2006, trong một chuyến đi rừng già Bríu Pố đã phát hiện thấy cây ba kích tím mọc rất nhiều nên mạnh dạn đem về trồng thử tại vườn nhà.

Chuyện già làng làm giàu và giữ văn hóa ở Tây Giang ảnh 1

Vợ chồng già làng Bríu Pố

“Lúc đó tôi nghĩ đơn giản là cây đã sống được ở vùng rừng của làng xã mình thì chẳng lẽ không sống được trong vườn nhà mình?”, Bríu Pố nhớ lại.

Thế nhưng việc làm của Bríu Pố khi ấy khiến nhiều người nghi ngại, thậm chí có người bảo ông “bị điên”, vì cho rằng cây mà ông mang từ rừng về là “cây của trời”, người làm sao trồng được. Cây của người chỉ là lúa, ngô, khoai, sắn mà thôi. Bríu Pố băn khoăn: nếu không thử thì làm sao mà biết chắc là cây ba kích từ rừng về có trồng được hay không? Vậy nên, già đã cùng gia đình làm đất, cắt dây ba kích thành các đoạn ngắn, đánh dấu phần gốc và phần ngọn rồi giâm xuống đất. Thời điểm ấy già mạnh dạn trồng thử nghiệm hơn 100 gốc.

Chỉ sau một thời gian, cây không phụ công người chăm bón đã đâm chồi nảy lộc, ra củ ra quả. Già Bríu Pố mừng rơi nước mắt. “Thừa thắng xông lên”, già tiếp tục mở rộng diện tích trồng ba kích lên cả nghìn gốc. “Tiếng lành đồn xa”, nhiều người bắt đầu tìm đến ông để học hỏi. Phóng viên các cơ quan báo chí cũng tìm đến viết bài, ưu ái đặt cho ông biệt danh “vua ba kích”, “người bảo tồn được giống ba kích bản địa”.

Không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn một giống cây dược liệu quý của địa phương, cây ba kích tím mà già Bríu Pố trồng mang lại giá trị kinh tế cao. Có thời điểm giá bán một cân ba kích tím lên tới 500 nghìn đồng, hơn hẳn giá trị các cây truyền thống mà bà con đang trồng. Do đó, già Bríu Pố tin rằng nếu bà con chịu khó đầu tư trồng ba kích thì đây sẽ là cây giúp xóa đói, giảm nghèo hiệu quả.

Không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn một giống cây dược liệu quý của địa phương, cây ba kích tím mà già Bríu Pố trồng mang lại giá trị kinh tế cao. Có thời điểm giá bán một cân ba kích tím lên tới 500 nghìn đồng, hơn hẳn giá trị các cây truyền thống mà bà con đang trồng.

Già Bríu Pố cho biết, việc trồng ba kích không khó, vì đây là “cây lười”, ai cũng trồng được.

Hiện gia đình già Bríu Pố có khoảng 1,3 ha trồng ba kích. Ba kích thu hoạch đến đâu, già lại trồng cây mới đến đó.

Việc khai thác luân phiên giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định. Trung bình mỗi năm thu nhập từ ba kích đã mang lại cho gia đình già khoảng 100 triệu đồng.

Trong các buổi sinh hoạt thôn, xã, già Bríu Pố thường xuyên nói chuyện thuyết phục bà con mạnh dạn trồng cây ba kích. Còn đói nghèo là còn khổ cho gia đình mình nên bà con phải học cách làm ăn, cải thiện đời sống. Vừa nghe già nói, vừa tận mắt chứng kiến cách làm ăn hiệu của già Bríu Pố, bà con trong vùng bắt đầu học theo. Giúp bà con tự tin, vững tâm hơn, già Bríu Pố chủ động đến từng nhà hướng dẫn cách trồng và chăm sóc cây.

Đến nay thì không chỉ ở thôn Arớh, xã Lăng, mà khắp huyện Tây Giang, nhiều bà con đã biết cách làm giàu từ giống cây bản địa. Không chỉ trồng manh mún, nhỏ lẻ, chính quyền huyện với sự giúp sức nhiệt tình của già Bríu Pố đã triển khai trồng ba kích trên quy mô lớn, theo đó chính quyền hỗ trợ mua cây giống cấp cho các gia đình, hướng dẫn kỹ thuật và nhận bao tiêu sản phẩm. Người trồng ba kích còn được nhận tiền công lao động nên bà con rất phấn khởi, đời sống của nhân dân trong vùng từng bước được cải thiện. Đến nay, mỗi khi kể về cây ba kích, bà con đều hào hứng kể về công lao ban đầu của già Bríu Pố.

Hiện tại trên bàn thờ gia đình, già Bríu Pố vẫn đặt trang trọng tác phẩm “Mẹ rừng” đã vinh dự đoạt giải tại một cuộc thi điêu khắc của Trung ương. Tác phẩm ấn tượng với những nét chạm khắc tinh tế nhưng cũng vô cùng khoáng đạt, thể hiện nỗi niềm của cánh rừng mang hình hài của một bà mẹ.

Chuyện già làng làm giàu và giữ văn hóa ở Tây Giang ảnh 2

Khung cảnh thanh bình ở thôn Arớh

Giữ hồn cốt văn hóa tổ tiên

Không chỉ giỏi làm ăn kinh tế, già Bríu Pố còn là một “bách khoa thư” và nghệ nhân có uy tín của Tây Giang nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung. Năm 2019 già được vinh dự nhận danh hiệu nghệ nhân ưu tú do có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Cơ Tu.

Một trong những nét văn hóa đặc sắc của người Cơ Tu đó chính là điêu khắc gỗ. Già Bríu Pố tâm sự, ngay từ bé ông đã ngắm nhìn say mê các bản điêu khắc hiện diện tại các gươl (loại nhà truyền thống của một số dân tộc ở Tây Nguyên và miền trung Việt Nam. Gươl của người Cơ Tu gần giống nhà sàn của người Cơ Tu nhưng được chạm khắc công phu hơn).

Cũng vì mê điêu khắc, cậu bé Bríu Pố ngày ấy đã lang thang rong ruổi theo chân ông nội và bố đi khắp dải đất Tây Nguyên để làm điêu khắc cho nhiều công trình, từ nhà ở, nhà văn hóa đến các gươl. Và rồi, Bríu Pố cũng đã mạnh dạn thử những nét chạm khắc đầu tiên của mình trên gỗ. Càng làm càng say mê, hào hứng. Đến nay, già Bríu Pố không nhớ xuể mình đã có bao nhiêu tác phẩm điêu khắc ghi dấu tại các gươl cũng như tham dự giải thưởng từ trung ương đến địa phương.

Chuyện già làng làm giàu và giữ văn hóa ở Tây Giang ảnh 3

Đội văn nghệ thôn Arớh biểu diễn một điệu múa truyền thống

Không chỉ tạo dựng sự nghiệp riêng cho mình với tư cách là một nghệ nhân điêu khắc, già Bríu Pố còn dành nhiều tâm huyết cho việc truyền dạy các thế hệ con cháu tiếp tục nối nghề, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của người Cơ Tu.

Già Bríu Pố cho biết, hiện thôn Arớh có hơn 10 thanh niên đang theo nghề điêu khắc, trong đó có cháu của già là Bhríu, sinh năm 1983. Có sự tiếp nối của thế hệ trẻ khiến già vô cùng hạnh phúc bởi mạch nguồn văn hóa của dân tộc sẽ tiếp tục được khơi dòng và phát triển.

Luôn âu lo về việc giữ gìn bản sắc văn hóa của người Cơ Tu, nhất là trong đời sống hiện đại, sự xâm nhập văn hóa ngoại lai diễn ra mạnh mẽ, có thể khiến các giá trị văn hóa bản địa bị phai nhạt, thậm chí biến mất, chính vì vậy từ năm 2000, già Bríu Pố đã âm thầm bắt tay và thực hiện cuốn sách tâm huyết của cuộc đời mình.

Luôn âu lo về việc giữ gìn bản sắc văn hóa của người Cơ Tu, nhất là trong đời sống hiện đại, sự xâm nhập văn hóa ngoại lai diễn ra mạnh mẽ, có thể khiến các giá trị văn hóa bản địa bị phai nhạt, thậm chí biến mất, chính vì vậy từ năm 2000, già Bríu Pố đã âm thầm bắt tay và thực hiện cuốn sách tâm huyết của cuộc đời mình.

Nội dung cuốn sách là ghi chép lại lịch sử, ngôn ngữ, phong tục, tập quán, kiến trúc, văn hóa,… cho đến những câu chuyện kể từ các già làng về đời sống của đồng bào Cơ Tu.

Suốt 23 năm qua, dù bận rộn nhiều công việc nhưng già Bríu Pố vẫn dành thời gian cho cuốn sách đặc biệt ấy. Hiện cuốn sách đã dày hàng trăm trang, gửi gắm nhiều tâm huyết.

Già Bríu Pố mong muốn, năm 2024, cuốn sách có thể xuất bản, như một tài liệu hữu ích giúp các thế hệ sau có thêm sự hiểu biết và tự hào hơn về giá trị văn hóa của dân tộc mình để từ đó có ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy hiệu quả các giá trị ấy trong đời sống hôm nay.

back to top