Kinh nghiệm chống bão ở huyện nghèo Tây Giang

Tây Giang mùa bão vài năm trở lại đây không còn thấy những cái chết tang thương do sạt lở hay người bị nước lũ cuốn trôi. Làm được điều này là bởi chính quyền địa phương đã chủ động quy hoạch điểm dân cư, di dời bà con ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đến với Tây Giang mùa này, ta còn cảm nhận tinh thần lạc quan của con người vùng cao cùng sự đoàn kết vượt qua khó khăn của cán bộ, bà con dân bản…

Chính quyền xã Tr’hy luôn có mặt tại các điểm sạt lở, cùng ăn ở, cùng chung tay cùng người dân xây cầu tạm nối qua thôn A Baanh 2 với trung tâm xã.
Chính quyền xã Tr’hy luôn có mặt tại các điểm sạt lở, cùng ăn ở, cùng chung tay cùng người dân xây cầu tạm nối qua thôn A Baanh 2 với trung tâm xã.

Sắp xếp khu vực tái định cư an toàn

Những ngày tháng 10, hàng triệu người dân khắp các tỉnh miền trung lâm vào cảnh khốn khó bởi những cơn mưa như trút liên tục đổ xuống. Lũ, bão và mưa thay nhau hoành hành, cùng phá vỡ các con số kỷ lục trước đó về thiệt hại. Dọc khắp các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, chỉ trong một đêm, hàng nghìn ha hoa màu, hàng vạn ngôi nhà chìm sâu trong biển nước. Mưa bão không chỉ gây ngập lụt nhiều nơi mà còn làm sạt lở đường sá, cắt đứt nhiều tuyến đường huyết mạch nối các tỉnh miền trung đi Tây Nguyên.

Giữa vô vàn thông tin bão lũ và thiệt hại ấy lại xuất hiện tín hiệu đáng chú ý tại một địa phương miền núi thuộc tỉnh Quảng Nam. Ở huyện nghèo Tây Giang, tuy liên tiếp lũ ống, lũ quét gây sạt lở vùi lấp đường sá, nhà cửa, thế nhưng may mắn chưa ghi nhận thiệt hại về người.

Để làm được như thế, từ đầu những năm 2010 đến nay, chính quyền huyện Tây Giang đã có chủ trương sắp xếp lại 95 bản làng, cụm dân cư nhằm hạn chế những rủi ro do thiên tai gây ra. Sau gần 10 năm triển khai, ông Bhling Mia, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang khẳng định, đây chính là chủ trương ngay từ đầu đã tạo được sự đồng thuận từ phía người dân và đạt được những kết quả tích cực trong thực tiễn.

Cụ thể, để tránh thiệt hại về người đáng tiếc có thể xảy ra, chính quyền huyện Tây Giang đề nghị người dân sống di dời ra khu vực có nguy cơ sạt lở thấp. Chính quyền lựa chọn những khu vực cao ráo, xây dựng những khu tái định cư, đưa ra những giải pháp quy hoạch về dài hạn để tập trung đầu tư trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và cả cơ sở hạ tầng đồng bộ... Xa hơn nữa, dân làng sinh sống tập trung còn giúp lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống bản địa. 

Thực tế nhìn sang các huyện Bắc Trà My, Phước Sơn hay xa hơn ở tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, xảy ra sạt lở vùi lấp hàng chục người trong mưa bão mới càng thấy hết giá trị của cuộc sống đôi khi chỉ đơn giản là sự an toàn của người dân như ở Tây Giang giữa thiên tai, dịch bệnh. 

Sống cùng dân

Những chủ trương, kế hoạch được chính quyền Tây Giang ban hành chắc chắn sẽ không mang lại hiệu quả cao nếu không nhận được đồng thuận từ người dân. Mà để đồng bào Cơ Tu tin và nghe theo, không cách nào khác ngoài việc lãnh đạo cùng sống, cùng chia sẻ khó khăn, vất vả của bà con. 

Thực tế, lãnh đạo Tây Giang biết cách biến lời nói thành hành động. Trong mưa bão vừa qua, bên cạnh công tác chỉ đạo về phòng, chống thiên tai, chẳng mấy khi người ta thấy ông Bhling Mia ở cơ quan làm việc trọn một ngày. Ngoài thời gian họp, ông Bhling Mia lại cùng đoàn công tác đến hiện trường chỉ đạo thông đường sạt lở, cũng có khi băng rừng vào thăm bà con thôn, bản đang bị cô lập. 

Và còn thấy rõ việc gần dân qua câu chuyện lãnh đạo xã Tr’hy trích nóng 20 triệu đồng ngân sách rồi từ lãnh đạo cho đến cán bộ văn phòng tự mình xắn quần lội bùn, chung tay cùng bà con xây cầu tạm giữa dòng nước lũ. Hình ảnh ông Cờ Lâu Rinh, Chủ tịch UBND xã, ông Cơ Lâu Bằng, Phó Chủ tịch UBND xã Tr’hy xông xáo cùng lực lượng dân quân, quân đội xã bám trụ nhiều ngày tại bờ sông Kool để xây cầu tạm, ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của người dân địa phương trong công tác phòng, chống lụt bão.   

Khi được hỏi, ông Cơ Lâu Bằng cho biết, việc giao thương giữa hai thôn A Baanh 2 và thôn A Riêu nối khu vực trung tâm xã Tr’hy phải đi qua một cây cầu tạm. Cứ đến mùa mưa bão, lũ trên con sông Kool dâng cao cuốn phăng các cây cầu tạm này. Cầu bị cuốn trôi ảnh hưởng lớn đến đời sống của hàng trăm hộ dân bên trong thôn A Baanh 2 và thôn A Riêu. Hàng trăm hộ dân bị cô lập, thiếu lương thực, thực phẩm thiết yếu. Để ứng cứu người dân, chính quyền xã Tr’hy trích ngân sách cùng nhân dân mua vật liệu, chặt tre rừng làm cầu tạm nối khu vực trung tâm xã với các thôn bị cô lập. Chỉ trong gần hai ngày cuối tuần vừa rồi, cán bộ xã cùng người dân cùng đã dựng nên cây cầu tạm ngay tại nền của cây cầu cũ giúp cho việc đi lại của bà con và các lực lượng, bộ phận tham gia khắc phục hậu quả bão lũ được thuận lợi.