Chuyên gia đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong đấu thầu thuốc

NDO - Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế trải dài tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh khiến người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế cũng phải bỏ tiền túi để tự mua thuốc điều trị. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh, làm giảm tính công bằng trong thụ hưởng bảo hiểm y tế. 
0:00 / 0:00
0:00
Người dân chịu nhiều thiệt thòi vì thiếu thuốc BHYT.
Người dân chịu nhiều thiệt thòi vì thiếu thuốc BHYT.

Những "điểm nghẽn" trong đấu thầu thuốc

Theo báo cáo của Bộ Y tế, có 28 Sở Y tế và 12 bệnh viện Trung ương xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Tình trạng thiếu thuốc ở tỉnh, bệnh viện (trừ các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế) là 75%, thiếu 73% vật tư tiêu hao và thiếu hơn 40% trang thiết bị y tế.

Đây là con số đáng báo động, đặc biệt ảnh hưởng lớn đến người bệnh nghèo tham gia BHYT.

Theo TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, khi bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị, có những loại thuốc nằm trong danh mục thuốc BHYT. Tuy nhiên, khi những loại thuốc đã hết do chưa được đấu thầu mua sắm, bác sĩ phải kê đơn, tư vấn cho người bệnh mua thuốc ở ngoài.

"Như vậy, đáng lẽ người bệnh được hưởng thuốc BHYT thì phải bỏ tiền túi trực tiếp đi mua thuốc điều trị cho mình. Điều này tạo ra sự không công bằng cho người bệnh", ông Quang cho hay.

Theo chuyên gia này, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Sau đại dịch, người dân đến cơ sở y tế khám, chữa bệnh nhiều hơn. Ghi nhận tại Bệnh viện Bạch Mai, lượng bệnh nhân có nhu cầu đến khám tăng lên nhanh chóng tới 3-4 lần.

Theo PGS, TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, các chuyên khoa như tim mạch, tiết niệu tăng tới 5-7 lần. Số lượng khám ngoại trú của quý 1/2022 là 200.849 lượt, quý II/2022 tăng lên 415.717 lượt. Số lượng nội trú của quý I/2022 là 26.965 lượt, quý II/2022 tăng lên 43.184 lượt.

Nhiều khoa, bệnh nhân nội trú đã vượt công suất. Vì vậy khối lượng vật tư y tế tiêu hao, hóa chất xét nghiệm sử dụng hàng ngày để khám, chữa bệnh cho bệnh nhân tăng đột biến.

Bên cạnh đó, trong những năm qua, các bệnh viện chủ yếu mua sắm thuốc, vật tư, sinh phẩm, thiết bị phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 nên các hợp đồng mua thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị phục vụ cho khám chữa bệnh thông thường rất ít.

Sau khi hết dịch, nhiều hợp đồng trúng thầu nhưng không cung cấp được thuốc. Những thuốc sản xuất ở Việt Nam cũng bị gián đoạn do bị đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu.

Hiện nay, rất nhiều vật tư tiêu hao, sinh phẩm y tế đã trúng thầu tại Bệnh viện Bạch Mai nhưng các đơn vị phân phối không cung cấp được dẫn tới thiếu. Giá của các mặt hàng tăng hơn nhiều so với lúc chào thầu cách đây 12 tháng, nên nhiều công ty có báo cáo không chào thầu nữa vì bị lỗ.

Về thiếu trang thiết bị y tế, theo ông Cơ, Bệnh viện Bạch Mai cũng đang gặp khó khăn với nguyên nhân chung là do cách thực hiện liên doanh liên kết lâu nay.

Nhiều văn bản quy phạm pháp luật ở lĩnh vực này chưa chặt chẽ, chưa rõ ràng, làm cho các cơ sở y tế thực hiện chưa đúng hoặc khó thực hiện.

Về tổ chức thực hiện đấu thầu, nhiều người làm trong công tác đấu thầu sợ trách nhiệm, sợ bị thanh kiểm tra nên né tránh.

Chuyên gia đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong đấu thầu thuốc ảnh 1

Tình trạng thiếu thuốc BHYT diễn ra tại nhiều cơ sở y tế.

Giải pháp nào tháo gỡ cho công tác đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế

Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Huy Quang nhấn mạnh cần phải giải quyết 2 điểm nghẽn cơ bản của việc đấu thầu thuốc. Một là, cần phải rà soát lại các quy định của pháp luật về đấu thầu thuốc, xem vướng mắc ở khâu nào để tháo gỡ ngay.

Điểm nghẽn thứ 2 chính là vướng mắc ở khả năng tổ chức thực hiện đấu thầu, năng lực, kinh nghiệm, trách nhiệm của người làm công tác đấu thầu, kể cả đấu thầu tập trung quốc gia và đấu thầu ở cấp tỉnh hay tại các cơ sở khám chữa bệnh.

"Khắc phục được 2 điểm nghẽn sẽ mở toang được cánh cửa để chúng ta thực hiện tốt hơn công tác đấu thầu thuốc", ông Quang nói.

Ông Quang cho rằng, phải có sự gắn kết giữa Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia với các tỉnh, các cơ sở y tế thì mới biết ở tuyến tỉnh khó khăn gì, và tại sao người ta không dám đấu thầu?

"Đến lúc chúng ta phải xem xét chất lượng khám chữa bệnh với vấn đề đấu thầu thuốc giá rẻ là một sự mâu thuẫn và phải hóa giải mâu thuẫn đó, tìm sự công bằng cho người bệnh", ông Quang nói.

Đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, ông Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, đối với các biệt dược chính hãng và vật tư, thiết bị y tế của các hãng độc quyền, Bộ Y tế nên đàm phán giá tập trung.

Các cơ sở y tế sẽ dựa vào đàm phán giá tập trung để tránh được các thủ tục rườm rà như làm bài thầu. Điều này cũng giúp tránh tình trạng mỗi bệnh viện mua một giá.

Đối với hoá chất và nhiều loại vật tư, khi làm bài thầu, thường mỗi máy chỉ chạy 1 loại hóa chất (hay còn gọi là máy đóng), khi trúng thầu hóa chất rồi thì công ty bán hóa chất sẽ đặt máy.

Vì thế, ông Cơ cho rằng, nên đàm phán giá hóa chất, sinh phẩm liên quan đến các máy xét nghiệm đã được trúng thầu, để các cơ sở y tế dựa vào đó mua, tránh tình trạng thổi giá và cũng tránh để các cơ sở y tế rơi vào tình trạng “bẫy” chỉ định thầu, nên lúng túng mua sắm.

"Các Thông tư, Nghị định cần phải thay đổi sao cho các thông tin về giá thuốc, vật tư y tế được công khai hơn thông qua các kênh hải quan, để các cơ sở y tế an tâm khi mua sắm", ông Cơ bày tỏ.

Theo TS Nguyễn Thị Ngọc Bảo, Phó Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia, việc tổ chức đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị tại các cơ sở y tế còn vướng víu nhiều mặt do các cấp tổ chức đấu thầu hoạt động khác nhau. 90% văn bản pháp lý không theo kịp được thực tế là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến việc thiếu thuốc, vật tư y tế.

Bộ Y tế đã có quyết định thành lập 4 đoàn kiểm tra thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế tại tất cả các các cơ sở y tế… Sau khi kiểm tra, cần phải có thống kê, số liệu rõ ràng về tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, trên cơ sở đó mới có các giải pháp cụ thể để giải quyết.