Xu hướng tích cực trên thị trường năng lượng

Báo cáo Đầu tư Năng lượng thế giới hằng năm của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho thấy, đầu tư toàn cầu vào công nghệ và cơ sở hạ tầng năng lượng sạch dự kiến đạt 2.000 tỷ USD trong năm nay, gấp đôi mức dành cho nhiên liệu hóa thạch. Sự gia tăng chi tiêu cho năng lượng sạch là nhờ kinh tế phát triển mạnh mẽ, cũng như chính sách mới về an ninh năng lượng. Tuy nhiên, để đáp ứng các mục tiêu toàn cầu trung hạn nhằm giảm lượng khí thải các-bon đòi hỏi đến năm 2030 thế giới phải tăng gấp đôi đầu tư vào năng lượng tái tạo.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà máy điện gió Ninh Thuận, Việt Nam. (Ảnh: LY VŨ)
Nhà máy điện gió Ninh Thuận, Việt Nam. (Ảnh: LY VŨ)

Tổng đầu tư năng lượng toàn cầu năm nay dự kiến sẽ lần đầu tiên vượt 3.000 tỷ USD, trong đó khoảng 2.000 tỷ USD sẽ được dành cho các công nghệ sạch. Trước đó, năm 2023, đầu tư vào năng lượng tái tạo và lưới điện lần đầu tiên đã vượt số tiền chi cho nhiên liệu hóa thạch. Đầu tư vào năng lượng sạch năm nay của Trung Quốc dự tính đạt 675 tỷ USD, trong khi con số này của châu Âu là 370 tỷ USD và Mỹ là 315 tỷ USD. Điện mặt trời (quang điện) thu hút nhiều khoản đầu tư hơn bất kỳ công nghệ sản xuất điện nào khác, dự kiến tăng lên 500 tỷ USD trong năm 2024. Dự báo, đầu tư vào năng lượng tái tạo và hạt nhân để sản xuất điện sẽ gấp 10 lần lượng đầu tư vào năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch.

Mục tiêu đầy tham vọng

IEA từng kêu gọi thế giới tăng mức đầu tư vào năng lượng tái tạo lên gấp 3 lần vào cuối thập niên này, để ứng phó có hiệu quả với tình trạng biến đổi khí hậu và giữ thị trường năng lượng đầy biến động trong tầm kiểm soát. Đây là mục tiêu đầy tham vọng, nhưng có thể đạt được nếu các chính phủ nhanh chóng biến cam kết thành hành động. Việc cải thiện chuỗi cung ứng và giảm chi phí đang thúc đẩy đầu tư vào các dạng năng lượng sạch, như năng lượng tái tạo, xe điện, năng lượng hạt nhân, lưới điện, kho lưu trữ, nhiên liệu phát thải thấp, cải thiện hiệu suất và bơm nhiệt.

Kể từ khi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được ký năm 2015, tổng công suất nguồn năng lượng tái tạo lắp đặt trên toàn cầu tăng trung bình 11%/năm trong khi giá giảm mạnh. IEA cho biết, riêng năm 2023, công suất tăng thêm gần 510 GW, tức tăng 50% so với mức năm 2022 và là mức tăng nhanh nhất trong 20 năm qua. Theo đánh giá của IEA, nhiều quốc gia đang chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, như điện mặt trời và điện gió, nhờ chi phí giảm mạnh trong thập niên vừa qua và những nỗ lực đổi mới của các chính phủ nhằm xây dựng các hệ thống năng lượng có khả năng phục hồi với lượng khí thải thấp hơn.

Công suất năng lượng tái tạo được bổ sung trên toàn cầu mỗi năm đã tăng ba lần kể từ khi Thỏa thuận Paris được ký kết. Mức công suất bổ sung đạt gần 560 GW vào năm 2023, tăng 64% so với mức năm 2022, trong đó Trung Quốc là nước đóng góp lớn nhất. Chính phủ Trung Quốc kêu gọi xây dựng các tổ hợp năng lượng tái tạo quy mô lớn và phát triển năng lượng gió ngoài khơi để các nguồn năng lượng không hóa thạch chiếm khoảng 39% tổng sản lượng điện vào năm 2025, tăng từ mức 33,9% của năm 2020. Mục tiêu là tăng dần tỷ lệ tiêu thụ năng lượng không hóa thạch, đạt khoảng 18,9% vào năm 2024 và 20% vào năm 2025. Tính trong cả 2 năm 2024 và 2025, quá trình chuyển đổi trong các biện pháp tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu phát thải các-bon trong các lĩnh vực và ngành công nghiệp then chốt dự kiến sẽ giúp Trung Quốc giảm sử dụng khoảng 50 triệu tấn than tiêu chuẩn và giảm khoảng 130 triệu tấn khí thải CO2.

Công suất năng lượng tái tạo được bổ sung trên toàn cầu mỗi năm đã tăng ba lần kể từ khi Thỏa thuận Paris được ký kết. Mức công suất bổ sung đạt gần 560 GW vào năm 2023, tăng 64% so với mức năm 2022, trong đó Trung Quốc là nước đóng góp lớn nhất.

Trong khi đó, sản lượng điện gió và điện mặt trời tại Liên minh châu Âu (EU) trong năm vừa qua đã tăng 46% so với năm 2019, đồng thời thay thế 20% nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch của khối này. Theo báo cáo của tổ chức nghiên cứu Ember (Anh), công suất điện gió và điện mặt trời ở EU đã tăng 65% kể từ năm 2019. Công suất điện gió tăng 31%, lên 219 GW vào năm 2023, trong khi công suất năng lượng mặt trời tăng hơn hai lần, lên 257 GW, tương đương hơn 230.000 tấm pin năng lượng mặt trời được lắp đặt mỗi ngày trong suốt 4 năm.

Theo Giám đốc Chương trình châu Âu của Ember, bà Sarah Brown, công suất điện gió và điện mặt trời ở EU tăng mạnh chưa từng có, đưa công suất điện từ than đá và khí đốt giảm xuống mức thấp kỷ lục. EU đang trong quá trình chuyển đổi lâu dài từ việc phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất điện. Công suất điện gió và điện mặt trời bổ sung đã làm tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong các nguồn điện ở EU năm 2023 lên 44%. Trong khi đó, công suất điện từ các nguồn than đá và khí đốt giảm giúp kéo tỷ trọng các nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch từ 39% xuống 32,5%. Ủy ban châu Âu (EC) đặt mục tiêu năng lượng tái tạo chiếm 45% tổng các nguồn năng lượng của EU vào năm 2030.

Tại khu vực Trung Đông-Bắc Phi (MENA), báo cáo mới nhất của IEA cho biết, khu vực này ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong lĩnh vực năng lượng tái tạo nhờ các mục tiêu đầy tham vọng đến năm 2030. Theo IEA, khu vực MENA chiếm chưa đến 8% tổng lượng khí thải toàn cầu từ hoạt động sản xuất điện. Mục tiêu của khu vực là hiện thực hóa tiềm năng to lớn về năng lượng tái tạo chưa được khai thác, bằng cách tăng công suất từ dưới 50 GW năm 2022 lên 200 GW vào năm 2030. Trong đó, hai phần ba mục tiêu này tập trung ở Saudi Arabia, Ai Cập, Algeria và Israel.

Saudi Arabia lên kế hoạch tăng công suất năng lượng tái tạo lên 59 GW vào năm 2030, từ mức dưới 1 GW năm 2022. Algeria đặt mục tiêu đạt công suất lắp đặt ít nhất 14 GW điện mặt trời và 5 GW điện gió vào năm 2030. Ai Cập cũng có kế hoạch tăng sản lượng điện tái tạo lên 37 GW vào cuối thập niên này. IEA cho rằng nếu tất cả các mục tiêu tham vọng của MENA thành hiện thực, công suất năng lượng tái tạo của khu vực này sẽ tăng từ 16,5 GW năm 2022 lên hơn 90 GW vào năm 2030.

Vẫn còn những thách thức

Bức tranh năng lượng toàn cầu đã thay đổi mạnh mẽ với mảng năng lượng xanh ngày càng được mở rộng hơn. Tuy nhiên, IEA cảnh báo sự mất cân bằng và thiếu hụt lớn trong đầu tư năng lượng ở nhiều nơi trên thế giới. Đầu tư vào dầu khí toàn cầu dự kiến tăng 7% trong năm 2024, lên 570 tỷ USD, chủ yếu ở Trung Đông và châu Á. Các nền kinh tế mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển vẫn còn ít đầu tư cho lĩnh vực năng lượng tái tạo với chỉ khoảng 300 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức cần thiết để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng ở những quốc gia này. IEA nhận định, nhiều quốc gia còn cách xa mục tiêu tăng gấp 3 công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030.

Bằng cách thực hiện các mục tiêu đã thống nhất tại COP28, bao gồm tăng gấp ba lần năng lượng tái tạo và tăng gấp đôi mức cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng vào năm 2030, các quốc gia trên thế giới có cơ hội lớn để đẩy nhanh tiến độ hướng tới một hệ thống năng lượng an toàn và bền vững hơn.

Kết quả phân tích của IEA về chính sách, kế hoạch và ước tính của gần 150 quốc gia trên thế giới cho thấy, công suất năng lượng tái tạo toàn cầu có thể đạt 8.000 GW trong 6 năm. Con số này thấp hơn nhiều so với mức 11.000 GW đã cam kết tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) vào cuối năm ngoái, nhằm đạt mục tiêu kiềm chế đà tăng nhiệt của Trái đất ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. IEA đánh giá, kế hoạch triển khai của các nước chưa phù hợp với mục tiêu then chốt đã đặt ra tại COP28. Tuy nhiên, chính phủ các nước có nhiều công cụ để tăng tốc trong những tháng tới, thông qua Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), vốn là những mục tiêu do mỗi nước đặt ra nhằm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Bằng cách thực hiện các mục tiêu đã thống nhất tại COP28, bao gồm tăng gấp ba lần năng lượng tái tạo và tăng gấp đôi mức cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng vào năm 2030, các quốc gia trên thế giới có cơ hội lớn để đẩy nhanh tiến độ hướng tới một hệ thống năng lượng an toàn và bền vững hơn.

Dù vậy, IEA cũng lưu ý rằng, tiến trình chuyển đổi năng lượng đang đối mặt với những thách thức đặc biệt. Trong đó, nổi bật là thời gian chờ đợi cấp phép dự án kéo dài, đầu tư không đầy đủ vào cơ sở hạ tầng lưới điện và chi phí tài chính cao, nhất là ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.