Chuyển đổi cây trồng hiệu quả ở tỉnh Tiền Giang

Giúp nông dân giảm bớt khó khăn, tăng thu nhập và mở hướng sản xuất nông nghiệp bền vững, ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đã và đang tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai tại các vùng ven biển Gò Công Tây, Gò Công Đông, Tân Phú Đông và thị xã Gò Công…
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình trồng rau ăn lá trên nền đất lúa tại xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông.
Mô hình trồng rau ăn lá trên nền đất lúa tại xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông.

Thực tế cho thấy, đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện, thị phía đông của tỉnh Tiền Giang đến năm 2025” được triển khai thực hiện những năm gần đây đã phát huy hiệu quả, góp phần ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập cho người dân trong khu vực.

Nhiều mô hình hiệu quả

Sau đợt hạn, mặn lịch sử 2015-2016, gia đình bà Lê Thị Bảy ở xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây đã mạnh dạn chuyển đổi ba công đất chuyên trồng lúa sang trồng rau ăn lá. Ruộng rau của gia đình bà Bảy cho thu hoạch mỗi năm bốn đợt. Chỉ chừng ấy diện tích nhưng gia đình bà thu được lợi nhuận hơn 60 triệu đồng/năm.

Bà Bảy cho hay: “Trước đây, thu nhập từ trồng lúa rất bấp bênh, nhất là vào mùa khô, do thiếu nước ngọt. Sau khi chuyển sang trồng rau ăn lá, cuộc sống gia đình tôi ổn định hơn, lợi nhuận từ rau màu cao gấp từ ba đến năm lần so với trồng lúa”.

Xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông nằm ở cuối nguồn và giáp biển. Mỗi khi mùa khô hạn đến, các ruộng lúa đều giảm năng suất do thiếu nước ngọt, thậm chí có ruộng mất trắng. Thực hiện chủ trương cắt vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều nông dân ở đây đã chủ động chuyển từ đất lúa sang trồng thanh long.

Cách nay 5 năm, ông Trần Văn Hảo ở xã Kiểng Phước đã chuyển 5,5 công đất lúa sang trồng thanh long ruột trắng. Đến nay, vườn thanh long đang cho trái rộ. Ông Hảo cho biết: “So với canh tác lúa, trồng thanh long mất công chăm sóc hơn, đòi hỏi kỹ thuật và nặng chi phí nhưng lợi nhuận thu về cao gấp từ tám đến 10 lần. Mỗi năm, thanh long có thể cho thu hoạch từ hai đến ba vụ. Vụ vừa rồi, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lợi nhuận được hơn 75 triệu đồng”…

Từ những mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, bà con nông dân ở hầu hết các địa phương thuộc vùng “ngọt hóa” Gò Công đều tính đến việc chuyển đổi sản xuất lúa sang trồng cây ăn quả, rau màu ở những diện tích thiếu nước ngọt vào mùa khô…

Sát cánh cùng nông dân

Từ khi triển khai đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện, thị phía đông của tỉnh Tiền Giang”, toàn vùng đã thực hiện cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ với tổng diện tích khoảng 55.700ha; trong đó, có hơn 15.000ha đất canh tác lúa tại những địa bàn đặc biệt khó khăn về nước ngọt, năng suất không cao.

Những nơi này, từ độc canh cây lúa chuyển sang trồng cây ăn quả đặc sản, rau màu, trồng cỏ phục vụ chăn nuôi... Từ năm 2022, các huyện, thị trong vùng đề án được khuyến cáo chỉ gieo sạ hai vụ lúa trong năm là đông xuân và hè thu.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang, mô hình độc canh cây lúa ba vụ/năm cho lợi nhuận thấp hơn nhiều so với mô hình luân canh hai vụ lúa, một vụ màu; hoặc chuyển hẳn từ đất trồng lúa sang trồng cây ăn quả, rau màu.

Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang Võ Văn Men cho biết thêm, nhằm giúp nông dân tổ chức lại sản xuất, mở rộng diện tích rau màu, cây ăn quả thành công, đạt hiệu quả kinh tế cao, ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang khuyến cáo những vùng đất có thổ nhưỡng thích hợp để trồng từng loại cây ăn quả, thời điểm xuống giống rau màu. Cùng với đó, thường xuyên hướng dẫn bà con sử dụng giống đạt chất lượng, áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật để tăng năng suất, sản lượng và chất lượng nông sản hàng hóa.

Từ nay đến năm 2025, tỉnh Tiền Giang tiếp tục chuyển đổi cây trồng thêm 3.300ha; trong đó, chuyển sang trồng màu gần 1.100ha, cây ăn quả và cây lâu năm khoảng 1.700ha, còn lại là các cây trồng khác. Để việc chuyển đổi mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người nông dân, tỉnh tập trung chuyển giao kỹ thuật và công nghệ sản xuất theo hướng “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” và công nghệ sinh thái; tích cực ứng dụng công nghệ cao trong quá trình thâm canh, tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, sản xuất hữu cơ; liên kết theo chuỗi giá trị, sản xuất rải vụ...

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, các địa phương ven biển phía đông của tỉnh tiếp tục phát triển cây ăn quả chủ lực ở những địa bàn trọng điểm, khuyến khích nông dân mở rộng diện tích cây ăn quả đặc sản trên đất giồng cát ven biển, ven kênh mương “ngọt hóa”. Cùng với đó, chú trọng áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học-công nghệ để tăng năng suất, sản lượng, bảo đảm chất lượng nông sản cung ứng cho xuất khẩu; hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm liên kết chuỗi giá trị, giải quyết “đầu ra” cho nông sản hàng hóa.

Định hướng của Tiền Giang là hình thành vùng trồng rau màu hàng hóa, vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản xuất khẩu tại các địa phương ven biển phía đông của tỉnh. Đây là cách để Tiền Giang phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, giúp nông dân an tâm đẩy mạnh sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, khắc nghiệt…