Từ đầu năm 2021 đến nay, các bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 2.200 quy định kinh doanh tại 177 văn bản quy phạm pháp luật; Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1.100 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; đã cung cấp hơn 4.400 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia,… Đến tháng 5/2023, tổng số thủ tục hành chính của cả nước là 6.422, giảm 376 thủ tục hành chính so với cùng kỳ năm 2020.
Kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 cũng cho thấy, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tại Việt Nam đang có xu hướng cải thiện rõ rệt theo thời gian. Việc giải quyết thủ tục hành chính nói chung có chuyển biến tích cực khi giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí tuân thủ quy định pháp luật.
Những nỗ lực trong phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước đang phát huy tác dụng trong việc giảm gánh nặng chi phí không chính thức cho doanh nghiệp. Tình trạng trả chi phí không chính thức vẫn duy trì xu hướng giảm trong hầu hết lĩnh vực liên quan doanh nghiệp từ năm 2016 đến nay; giảm từ 68% (năm 2016) xuống còn hơn 42% (năm 2022) với quy mô các khoản chi phí không chính thức cũng giảm từ 9,1% (năm 2016) xuống còn 3,8% (năm 2022).
Gánh nặng thanh tra, kiểm tra đã giảm đáng kể trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay. Ngoài ra, cũng có 93% ý kiến đánh giá “cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả” và 91% ý kiến đồng ý “thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn hơn so với quy định.
Có được kết quả này nhờ sự chuyển biến tích cực trong công tác điều hành, giải quyết thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí không chính thức, cải thiện tính minh bạch,... với hiệu quả và hiệu lực thực thi tại các cấp địa phương gia tăng mạnh mẽ.
Song nhiều ý kiến chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, thách thức lớn nhất trong cải cách hành chính cốt lõi vẫn là tư duy, quyết tâm, tinh thần năng động, cầu thị, lắng nghe của lãnh đạo chính quyền các cấp. Bởi vẫn còn không ít ý kiến của các doanh nghiệp phản ánh tình trạng phiền hà của một số lĩnh vực chủ chốt; việc cải cách thủ tục cấp các loại giấy phép kinh doanh chưa thực chất; việc tiếp cận đất đai, mặt bằng kinh doanh cho doanh nghiệp vẫn khó khăn.
Bên cạnh đó, PCI 2022 cũng cho thấy, thuế, phí đang là lĩnh vực bị đánh giá gây phiền hà nhất theo cảm nhận của doanh nghiệp (35% doanh nghiệp lựa chọn), tiếp theo là giải phóng mặt bằng (29%), bảo hiểm xã hội (20%), phòng cháy chữa cháy (13%) và xây dựng (13%).
Trong đó, số doanh nghiệp gặp vướng mắc tại khâu quyết toán thuế chiếm tỷ lệ lớn nhất và lên tới 49%; tiếp đến là khâu đề nghị miễn, giảm thuế (29%) và hoàn thuế (21%).
Đáng chú ý, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết có trả chi phí không chính thức cho cán bộ thuế gia tăng đến mức đáng quan ngại, từ 33,8% (năm 2021) lên 54,5% (năm 2022).
Vì vậy trong thời gian tới, để tạo sự chuyển biến thực chất trong cải cách, duy trì sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư, các địa phương cần tiếp tục tập trung cắt giảm điều kiện kinh doanh nhằm tạo thuận lợi tốt nhất cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, thực hiện dự án. Bởi những đánh giá của doanh nghiệp chính là động lực để hành động, thúc đẩy chuyển biến thực chất ở chính quyền các địa phương, là “tấm gương” để các địa phương “soi” nhìn lại những kết quả được và chưa được, từ đó nâng cao hiệu quả trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.
Chính quyền các địa phương phải lấy hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là mục tiêu phấn đấu; đặc biệt, phải chủ động tiếp xúc, nắm bắt nhanh những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để có các giải pháp hỗ trợ linh hoạt, kịp thời và hiệu quả.