Đồng bộ các giải pháp để nâng cao chỉ số cải cách hành chính

Năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 28/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số, đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính; ban hành kế hoạch chiến lược phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận một cửa ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận một cửa ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Đồng bộ cải cách hành chính

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu kết quả xếp hạng PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) năm 2022 được công bố vào ngày 16/4/2023, trong đó, chỉ số thành phần tiếp cận đất đai trong Chỉ số PCI của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được 7,66 điểm, xếp thứ 4 trong số 63 tỉnh/thành phố cả nước và xếp thứ 1 trong số sáu tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ; so với năm 2021 tăng 0,65 điểm, tăng 30 bậc so với cả nước và tăng 4 bậc so với vùng Đông Nam Bộ.

Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, sở thực hiện công khai, minh bạch trong thông tin về quy hoạch sử dụng đất nhằm bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin của người dân, doanh nghiệp, giúp cho người dân, doanh nghiệp được biết những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của mình.

Qua đó, tỉnh giảm được các rủi ro nếu tiếp cận các nguồn thông tin liên quan đến đất đai không chính thống, tổ chức triển khai việc cung cấp thông tin về đất đai; các chính sách, quy định mới của pháp luật có liên quan về đất đai; đẩy mạnh việc niêm yết, cập nhật thường xuyên, kịp thời và công bố các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất bằng nhiều hình thức khác nhau như trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Trang thông tin điện tử Sở Tài nguyên và Môi trường.

Ngoài ra, sở đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng dịch vụ chia sẻ thông tin, duy trì, phát triển các ứng dụng tài nguyên và môi trường trên các thiết bị cầm tay, thiết bị di động để người dân, doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ của ngành tài nguyên và môi trường ở mọi lúc, mọi nơi.

Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Để chuẩn bị đón làn sóng đầu tư vào địa phương trong thời gian tới, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tập trung thực hiện các giải pháp để tạo tính sẵn sàng về quy hoạch, điều kiện hạ tầng, và nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, tỉnh xác định cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường đối thoại, tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện tốt nhất để nhà đầu tư, doanh nghiệp triển khai các hoạt động đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh là yếu tố góp phần để các nhà đầu tư, doanh nghiệp đồng hành lâu dài với tỉnh”.

Ông Lê Hồng Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh chia sẻ, để hiệu quả trong công tác giám sát và phản biện xã hội đối với việc thực hiện các nhiệm vụ về công tác cải cách hành chính tại các cơ quan hành chính cấp tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần thực hiện giám sát và phản biện xã hội đối với việc thực hiện các nhiệm vụ về công tác cải cách hành chính tại các địa phương; tập hợp, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị cử tri và các tổ chức cộng đồng dân cư tại thôn, ấp, khu phố về việc thực hiện cải cách hành chính tại các sở, ngành và chính quyền địa phương để phản ánh, kiến nghị Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời xử lý, giải quyết.

Theo đó, một số giải pháp đang được tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thực hiện là rà soát, đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho phù hợp, khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; tăng cường công tác tiếp dân, đối thoại, tạo điều kiện để người dân được tham gia đối thoại tại cấp cơ sở và đóng góp ý kiến về các vấn đề phản ánh, kiến nghị của người dân; mạnh dạn áp dụng các mô hình, cách làm mới để nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc.

Chuyên gia “hiến kế”

Bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia phân tích chính sách công của chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cần huy động sự tham gia của người dân vào thực hiện dự án công trình công cộng ở địa phương và nghiêm túc thực hiện việc lấy ý kiến công dân trước, trong quá trình thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh. Tuân thủ việc thực hiện công khai, minh bạch thông tin để người dân biết, bàn, giám sát và yêu cầu các cấp chính quyền địa phương giải trình.

Tạo các kênh tương tác hữu hiệu giữa chính quyền và người dân để không chỉ chia sẻ thông tin mà còn giải trình cụ thể những vướng mắc còn tồn tại. Thực hiện cung ứng dịch vụ công trực tuyến với sự tham gia chủ động và tích cực của người dân thông qua việc đưa dịch vụ đến với người dân, nhất là người dân ở nơi xa so với trung tâm xã, thị trấn ở khu vực nông thôn.

Ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) nêu ý kiến: “Cần cải thiện những chính sách mà người dân quan tâm nhất như điện, nước sinh hoạt, trật tự an toàn xã hội, khám chữa bệnh… Quán triệt đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải tiên phong trong tìm hiểu, sử dụng và tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp biết và sử dụng các tiện ích, các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác cải cách hành chính, thanh toán phí, lệ phí hồ sơ thủ tục hành chính không dùng tiền mặt,...

Đẩy mạnh công tác tự kiểm tra, kiểm tra của các cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã để kịp thời phát hiện, xử lý ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà người dân, doanh nghiệp. Kịp thời khen thưởng, động viên những tập thể, cá nhân thực hiện tích cực, làm tốt các nhiệm vụ giải pháp được giao, góp phần cải thiện các chỉ số của tỉnh”.

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục xây dựng mô hình phát triển kinh tế bền vững dựa vào công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao; kiên định mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc, sàng lọc các nhà đầu tư có năng lực; duy trì định hướng thu hút được các dự án đầu tư có sức lan tỏa, ít thâm dụng lao động, bảo đảm phát triển kinh tế bền vững, không ảnh hưởng đến môi trường.

Đồng thời, tỉnh đang thực hiện sáu đề án, cụ thể như sau: Đề án xây dựng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia; Đề án xây dựng khu thương mại tự do Cái Mép Hạ gắn với cảng biển và dịch vụ logistic; Đề án hiện đại hóa cảng cụm cảng Cái Mép-Thị Vải, trở thành cảng cửa ngõ, trung chuyển quốc tế; Đề án xây dựng các tổ hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ dọc đường vành đai 4 và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu ở thị xã Phú Mỹ; Đề án xây dựng thành phố Vũng Tàu trở thành thành phố du lịch đẳng cấp quốc tế; Đề án phát triển huyện Côn Đảo.