Quảng Ngãi bàn giải pháp cải thiện các chỉ số cải cách hành chính và năng lực cạnh tranh

NDO - Ngày 31/5, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh chủ trì phiên họp với Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh để đánh giá kết quả cải cách hành chính năm 2022 và 5 tháng đầu năm 2023; bàn giải pháp cải thiện các chỉ số cải cách hành chính và năng lực cạnh tranh.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.

Dự phiên họp có các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh: Trần Hoàng Tuấn, Võ Phiên, Trần Phước Hiền và lãnh đạo các sở, ngành liên quan. Ngoài điểm cầu chính được tổ chức tại Ủy ban nhân dân tỉnh, cuộc họp được kết nối trực tuyến với các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Quảng Ngãi xác định cải cách hành chính là một trong 4 nhiệm vụ trọng tâm. Quan điểm này đã được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh quán triệt ngay từ đầu nhiệm kỳ và nhất quán chỉ đạo xuyên suốt đến toàn thể các cơ quan, đơn vị, địa phương trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh.

Chính từ sự nỗ lực, quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện sâu sát, nên năm 2022 cả 4 chỉ số đều cùng tăng điểm, tăng hạng.

Cụ thể, chỉ số PAR INDEX của Quảng Ngãi xếp thứ 27/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 12 bậc so với năm 2021.

Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) xếp thứ 49/63 tỉnh, thành phố, tăng 4 bậc so với năm 2021.

Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của tỉnh xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố, tăng 20 bậc so với năm 2021.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp hạng 33/63 tỉnh, thành phố, tăng 12 bậc so với năm 2021.

Dù chưa nằm trong tốp cao của cả nước, nhưng chỉ số PCI năm 2022 của tỉnh đã thể hiện sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của Quảng Ngãi trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và sự ghi nhận của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng cộng đồng doanh nghiệp.

Qua kết quả đánh giá cho thấy, những nỗ lực đẩy mạnh cải cách hành chính trong thời gian qua của tỉnh Quảng Ngãi đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trên tất cả các lĩnh vực. Các cấp, các ngành đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2023 của tỉnh, ngày từ đầu năm, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành kế hoạch cải cách hành chính. Trong đó, đề ra 60 nhiệm vụ cụ thể trên tất cả các lĩnh vực cải cách hành chính.

Về cơ bản, nhiệm vụ cải cách hành chính trong 5 tháng đầu năm 2023 được triển khai thực hiện toàn diện trên tất cả các lĩnh vực như cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và cải cách chế độ công vụ, công chức, cải cách tài chính công. Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số đã tạo được những chuyển biến tích cực.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho biết, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều nỗ lực trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục.

Đồng chí nhấn mạnh, nâng cao chỉ số cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, phải được thực hiện đồng bộ, xuyên suốt.

Do vậy, mục tiêu đặt ra trong năm 2023 là tất cả các chỉ số phải được nâng cao hơn so với năm 2022. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương nhận thức đầy đủ tầm quan trọng, vai trò, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính; phải có quyết tâm chính trị cao, phải cam kết trong lãnh đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các chủ trương, nghị quyết, kế hoạch chung của tỉnh và có kế hoạch triển khai cụ thể ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Ban hành kế hoạch khắc phục kịp thời đối với những chỉ tiêu, chỉ số thành phần bị giảm điểm, mất điểm, giảm thứ hạng, những nội dung còn tồn tại, hạn chế.

Các cơ quan được giao chủ trì tham mưu từng tiêu chí, chỉ số thành phần và các cơ quan liên quan phải tiếp tục thực hiện kịp thời, đầy đủ tất cả các nhiệm vụ có liên quan đến việc thực hiện các chỉ số từ giờ đến cuối năm.

Các thành viên Ban Chỉ đạo phải bám sát từng nhiệm vụ, từng chỉ tiêu, tiêu chí đã được giao để tổ chức thực hiện hoặc tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện theo thẩm quyền; không được bỏ sót nhiệm vụ được giao hoặc giấu khuyết điểm.