Chương trình sân khấu “Huyền thoại tuổi thanh xuân” tái hiện hình ảnh 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc

NDO - Với tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc, đạo diễn Lê Quý Dương và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tại Hà Nội đã phối hợp triển khai dàn dựng chương trình sân khấu “Huyền thoại tuổi thanh xuân”, tái hiện hình ảnh tiểu đội Anh hùng của 10 cô gái thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) đã hy sinh dũng cảm, góp phần giữ vững tuyến giao thông huyết mạch trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước.
0:00 / 0:00
0:00
Thi tuyển chọn diễn viên cho chương trình sân khấu "Huyền thoại tuổi thanh xuân" (Ảnh MINH GIANG)
Thi tuyển chọn diễn viên cho chương trình sân khấu "Huyền thoại tuổi thanh xuân" (Ảnh MINH GIANG)

Ngã ba Đồng Lộc là khu vực trọng điểm ác liệt trong chiến tranh phải chịu hàng nghìn tấn bom đạn mà kẻ thù trút xuống. Đây cũng là nơi, hàng nghìn bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân giao thông, lái xe, chiến sĩ công an, dân công, dân quân du kích... đã gửi lại tuổi thanh xuân của mình để thông đường, thông xe ra tiền tuyến, làm nên một huyền thoại trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước.

Chương trình “Huyền thoại tuổi thanh xuân” được dàn dựng trong năm nay đúng vào dịp nhân dân cả nước kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Đồng Lộc (1968-2023) là sự tri ân và tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ, mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc đến các tầng lớp nhân dân và thế hệ trẻ.

Chương trình sân khấu “Huyền thoại tuổi thanh xuân” tái hiện hình ảnh 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc ảnh 1

Một cảnh trong tiểu phẩm dự thi của thí sinh về 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc (Ảnh MINH GIANG)

Những cô gái tuổi mười bảy, đôi mươi của Tiểu đội Anh hùng thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa Anh hùng cách mạng, của lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam, sẵn sàng hiến dâng tất cả vì độc lập, tự do và sự nghiệp thống nhất đất nước.

Theo đạo diễn Lê Quý Dương, anh đã từng qua khu di tích, tưởng niệm Ngã ba Đồng Lộc và tìm hiểu nhiều thông tin, tư liệu về Tiểu đội 10 cô gái thanh niên xung phong đã ngã xuống trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt và vô cùng xúc động về sự hy sinh quên mình của họ. Ý tưởng xây dựng một chương trình về họ đã hình thành trong anh, không chỉ là tình cảm, sự biết ơn, đạo diễn mong muốn lan tỏa những thông điệp mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc đến thế hệ trẻ hôm nay: “Hãy sống một đời đáng sống”.

Chương trình sân khấu “Huyền thoại tuổi thanh xuân” tái hiện hình ảnh 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc ảnh 2

Đạo diễn Lê Quý Dương hướng dẫn các thí sinh về diễn xuất (Ảnh MINH GIANG)

Đạo diễn Lê Quý Dương cho biết: “Một đời người sống được bao nhiêu tuổi không quan trọng mà ý nghĩa là ở từng giây, từng phút cuộc sống đó thực sự có ích. Hãy sống đẹp và sống sao cho đáng sống, cống hiến được nhiều nhất cho Tổ quốc, để không phải ân hận, không phụ sự hy sinh của những thế hệ đi trước để chúng ta có được cuộc sống hòa bình hôm nay”.

Gói gọn trong khoảng thời gian 60 phút, trên bối cảnh thiết kế sân khấu khá hạn chế, chương trình không mang tổng thể của một vở diễn truyền thống mà như bức tranh phác thảo những chân dung liệt nữ trong cuộc sống đời thường và trong chiến đấu. Mỗi nhân vật đều có những điểm nhấn khắc họa tính cách, tâm lý riêng, nhưng trong họ luôn có điểm chung là sự hồn nhiên, yêu đời, sống có lý tưởng và nét dịu dàng, đảm đang, tháo vát, kiên cường của người phụ nữ Việt Nam. Họ như những bông hoa tỏa sáng đến nao lòng một vẻ đẹp kiêu hãnh, tự tôn, bình tĩnh giữa mưa bom, bão đạn và sự chết chóc của chiến tranh. Một vẻ đẹp mà không kẻ thù nào có thể khuất phục.

Chương trình sân khấu “Huyền thoại tuổi thanh xuân” tái hiện hình ảnh 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc ảnh 3

Các thí sinh được tự lựa chọn vào vai phù hợp về 10 nữ Anh hùng liệt sĩ Ngã ba Đồng Lộc (Ảnh MINH GIANG)

Bối cảnh không gian chiến trường khốc liệt sẽ được tái hiện phần nào bằng công nghệ hình ảnh, hiệu ứng 3D với những hố bom, những căn hầm chữ A, con đường vượt qua trọng điểm, trận địa pháo và hình ảnh các đoàn xe chở hàng, chở quân ra trận. Theo đạo diễn Lê Quý Dương: “Tôi muốn khán giả được trải nghiệm, hòa vào không khí như đang sống trong những ngày tháng ấy. Họ sẽ ngồi giữa không gian chiến trường của ngã ba Đồng Lộc, là một phần của chương trình trong sự tương tác với diễn viên khi chung quanh rầm rập tiếng quân đi, tiếng xe tăng ga vượt trọng điểm, tiếng bom nổ ì ầm và vang vọng lời bài ca mở đường của các cô gái”.

Chương trình “Huyền thoại tuổi thanh xuân” đang trong quá trình tuyển diễn viên. Với đội ngũ cộng sự nhiều kinh nghiệm, công việc này được thực hiện kỹ càng và công phu bởi như chia sẻ của đạo diễn Lê Quý Dương: “Đây là chương trình nghệ thuật đặc biệt và nhiều ý nghĩa. Có những diễn viên chuyên nghiệp, nổi tiếng, giàu kinh nghiệm diễn xuất muốn tham gia, nhưng tôi không chọn. Tôi mong muốn tìm những diễn viên có tuổi đời từ 18 đến 24, tương ứng với độ tuổi của 10 nữ Anh hùng liệt sĩ".

Em Mai Khánh Huyên, sinh viên năm thứ ba khoa Triết (Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết, khi biết có thông tin tuyển diễn viên cho chương trình sân khấu “Huyền thoại tuổi thanh xuân”, em đã tự tin đăng ký dự thi. Ngay từ thuở nhỏ, Khánh Huyền đã được bà và mẹ kể cho nghe nhiều về sự kiện hy sinh của 10 nữ Anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong ở Đồng Lộc. Sau này, vào đại học, em tự mình tìm hiểu, đọc được nhiều tài liệu và vô cùng xúc động về sự cống hiến hy sinh của các cô.

Chương trình sân khấu “Huyền thoại tuổi thanh xuân” tái hiện hình ảnh 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc ảnh 4

Thí sinh Mai Khánh Huyền (bên trái) thử vào vai tiểu đội trưởng Võ Thị Tần (Ảnh MINH GIANG)

Khánh Huyền chia sẻ: “Tuy không học về diễn xuất sân khấu, nhưng khi vào vai cô Võ Thị Tần viết thư cho mẹ trong đêm trước ngày hy sinh, em đã khóc thật sự trong từng dòng chữ viết bởi thấy trong đó sự yêu thương, khát khao được trở về trong vòng tay yêu thương của mẹ và qua đó em cũng như thế hệ chúng em mới thấu hiểu giá trị về cuộc sống hòa bình hôm nay đã phải trả bằng xương máu của biết bao thế hệ đi trước, sẵn sàng hy sinh không chút đắn đo, vụ lợi vì Tổ quốc”.

Theo trợ lý đạo diễn, nghệ sĩ Diệu Hằng, một chuyên gia thiết kế phục trang sân khấu, người đảm nhiệm sơ tuyển diễn viên, cho đến thời điểm này, đã có hơn 60 thí sinh đã đăng ký cuộc thi tuyển diễn cho chương trình “Huyền thoại tuổi thanh xuân” để chọn ra 10 gương mặt đáp ứng được yêu cầu của đạo diễn. Các thí sinh chủ yếu là sinh viên các trường đại học trên địa bàn Hà Nội và có nhiều em đã tốt nghiệp các trường nghệ thuật.

Chương trình “Huyền thoại tuổi thanh xuân” dự kiến sẽ ra mắt vào Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 năm nay và sẽ công diễn định kỳ vào những ngày cuối tuần tại sân khấu Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (số 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội) để phục vụ đông đảo khán giả, khách du lịch trong nước và quốc tế.