Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an; các đồng chí Bí thư T.Ư Đảng: Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính T.Ư; Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao; các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc Hội; Nguyễn Thanh Bình, Phó Ban Thường trực Ban Tổ chức T.Ư; Thuận Hữu, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, Chủ tịch Hội Nhà Báo Việt Nam; Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh; Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư; Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường; Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội; Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Lê Hồng Quang, Phó Chánh án Thường trực Tòa án Nhân dân tối cao; Lê Đình Sơn, Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư và các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Chương trình có sự tham dự của các Mẹ Việt Nam anh hùng, các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, các cựu chiến binh, thương binh, bệnh binh, cựu thanh niên xung phong và thân nhân các gia đình liệt sĩ, thương binh.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng gửi vòng hoa kính viếng.
Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, với tầm quan trọng chiến lược của tuyến đường huyết mạch vận chuyển lương thực, vũ khí từ hậu phương miền Bắc chi viện tiền tuyến miền Nam, Đồng Lộc trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt, nơi diễn ra cuộc đọ sức cam go giữa tinh thần yêu nước, ý chí quật cường và khát vọng hòa bình của quân và dân ta với bom đạn khốc liệt của kẻ thù.
Đúng vào dịp này 52 năm trước, tại ngã ba lịch sử này, tất cả 10 cô gái thanh niên xung phong Tiểu đội 4 (thuộc Đại đội 2, Tổng đội TNXP 55 tỉnh Hà Tĩnh) đã ngã xuống trong một trận bom khi tuổi đời còn rất trẻ, chưa ai trong số họ lập gia đình, để lại xót thương và tự hào cho đồng đội, đồng bào cả nước. Sự hy sinh anh dũng của các cô đã trở thành biểu tượng cống hiến to lớn của hàng triệu thanh niên vì nước quên thân, không tiếc tuổi xuân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Địa danh lịch sử này, Ngã ba Đồng Lộc - đã trở thành bất tử. Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, bởi tầm quan trọng chiến lược của một ngã ba huyết mạch trên tuyến đường vận chuyển lương thực, súng đạn, vũ khí… từ hậu phương miền Bắc chi viện tiền tuyến miền Nam, Đồng Lộc trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt, nơi đế quốc Mỹ liên tiếp dội bom hòng cắt đứt mạch máu giao thông.
Người ta đã thống kê rằng, mỗi mét vuông đất nơi đây đã gánh ba quả bom tấn. Chỉ tính riêng 240 ngày đêm từ tháng 3 đến tháng 10-1968 không quân địch đã trút xuống đây 48.600 quả bom các loại. Dẫu vậy, hàng vạn chiến sĩ, bộ đội, công nhân giao thông, thanh niên xung phong và nhân dân vẫn bám trụ ngoan cường, đội mưa bom để đánh địch, nối đường, bảo đảm thông đường cho những chuyến xe chở hàng ra tiền tuyến. Hàng trăm người đã ngã xuống, mãi mãi nằm lại mảnh đất thiêng liêng này, cống hiến tuổi xuân cho hạnh phúc của dân tộc và tương lai của đất nước.
Ngã ba Đồng Lộc cùng 10 cô gái đã trở thành huyền thoại trong lòng người, là khúc tráng ca bất tử của tuổi trẻ trong cuộc chiến tranh giải phóng, thống nhất đất nước. 52 năm đã trôi qua, những hình ảnh chiến tranh ngày càng lùi xa nhưng sự hy sinh anh dũng của 10 liệt nữ cùng lực lượng thanh niên xung phong và hàng nghìn chiến sĩ quân đội, công an, cán bộ giao thông v.v... mãi mãi, trở thành biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Trương Hòa Bình nhiệt liệt hoan nghênh và biểu dương Báo Nhân Dân, tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp tổ chức một hoạt động hết sức ý nghĩa, thiết thực nhân kỷ niệm 73 năm Ngày thương binh liệt sĩ, 52 năm Chiến thắng Đồng Lộc, thể hiện tấm lòng thành kính và biết ơn sâu nặng, ghi nhớ công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, đồng thời cũng là hoạt động “uống nước nhớ nguồn”, kêu gọi sự quyên góp, ủng hộ, giúp đỡ tới hàng trăm cựu TNXP và thân nhân gia đình liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn hiện sống trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh và hàng vạn người nói chung trên cả nước.
Đồng chí Trương Hòa Bình khẳng định, kỷ niệm 73 năm Ngày thương binh liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-2020) năm nay cũng là năm thứ 3 cả nước thực hiện Chỉ thị số 14 – CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng.
Với những mục tiêu cụ thể đặt ra trong Chỉ thị 14, thời gian qua việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân đã được các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân cả nước quan tâm triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả quan trọng.
Đến nay, cả nước có gần 1,4 triệu người có công được hưởng chế độ ưu đãi hằng tháng, các chế độ ưu đãi đối với từng diện người có công với cách mạng được quy định đầy đủ, kịp thời bao phủ hầu hết các mặt trong đời sống xã hội. Hằng năm ngân sách nhà nước còn dành hàng chục nghìn tỷ đồng trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng; trong dịp Tết Nguyên đán và kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ 27-7, Chủ tịch nước cũng dành hàng trăm tỷ đồng tặng quà các đối tượng chính sách…
Để thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2020 tất cả các gia đình người có công có mức sống cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú mà Chỉ thị 14 đã đặt ra, thể hiện nhất quán chủ trương công tác chăm sóc người có công với cách mạng của Đảng, Nhà nước, ngày càng nâng cao hơn nữa đời sống người có công…, thời gian tới cần tăng cường hơn nữa vai trò của các cấp ủy, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác người có công với cách mạng; tăng cường trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả đối với công tác người có công; thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm trong thực hiện luật pháp, chính sách đối với người có công với cách mạng…
Đây là nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, nhưng cũng là trách nhiệm, là đạo lý của mỗi người dân Việt Nam để tiếp tục thắp sáng ngon lửa tri ân đối với người có công với cách mạng.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Lê Đình Sơn, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh khẳng định, Đồng Lộc chính là "một mốc son chói lọi, một địa danh lịch sử oai hùng trên con đường chiến lược Trường Sơn mang tên Bác" đã, đang và mãi mãi là động lực tinh thần to lớn, cổ vũ Đảng bộ, nhân dân Hà Tĩnh, quân và dân cả nước trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Trong những năm qua, kinh tế Hà Tĩnh tiếp tục tăng trưởng cao, giai đoạn 2017 - 2019 đạt gần 14%; thu ngân sách đạt tăng hàng năm trên 15%, sáu tháng đầu năm 2020 đạt 6.500 tỷ, bằng 51% Trung ương giao. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật, đến nay, toàn tỉnh có 86% tổng số xã đạt chuẩn; 12 xã đạt chuẩn nâng cao; 06 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; đang triển khai xây dựng thí điểm tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng, then chốt và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục có nhiều khởi sắc. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững…
Tại buổi lễ, đồng chí Trương Hòa Bình cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trao nhiều suất quà có ý nghĩa thiết thực cho gia đình thân nhân 10 nữ liệt sĩ, gia đình các thương bệnh binh, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, Quỹ học bổng Hồng Lam (Hà Tĩnh) và Ban quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc.
Chương trình nghệ thuật “Huyền thoại Đồng Lộc” do các nghệ sĩ đến từ Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam thực hiện đã tái hiện sự hy sinh anh dũng của các TNXP trên tuyến lửa Đồng Lộc anh hùng, đồng thời để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng mỗi khán giả theo dõi chương trình.
Dưới đây là một số hình ảnh trong chương trình nghệ thuật đầy ý nghĩa "Huyền thoại Đồng Lộc".