Đạo diễn Lê Quý Dương: Vì những khát khao ở tương lai phía trước

PV: - Chương trình “Đêm Văn hóa Cà phê Việt Nam” là một điểm nhấn trong năm ngoại giao văn hóa 2009 đã tạo được ấn tượng và cảm xúc tốt đẹp về văn hóa cà phê Việt Nam trong lòng những người tham dự, nhất là các vị đại sứ của các nước và các vị khách quốc tế, anh có thể cho biết những suy nghĩ của mình khi dàn dựng chương trình hết sức quan trọng này?

LQD: - Văn hóa đang trở thành một hiện tượng phức tạp và năng động hơn nhiều trước những bất ổn của một thế giới luôn đổi thay và biến động. Khái niệm văn hóa ngày nay cần được hiểu trên hai khía cạnh: Thứ nhất là bản sắc gắn liền với di sản nhằm gìn giữ cội nguồn. Thứ hai là hội nhập gắn liền với lịch sử để giải thích hiện tại và hoạch định tương lai. Toàn cầu hóa văn hóa đang là một thách thức lớn đối với bản sắc văn hóa của tất cả các dân tộc. Với chương trình “Đêm Văn hóa Cà phê Việt Nam”, tôi đã cùng với các chuyên gia của Bộ Ngoại giao và lãnh đạo Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên làm tất cả những gì có thể để thông qua các giá trị vật thể và phi vật thể tích tụ trong từng hạt cà phê Việt Nam, làm toát lên phần nào bản sắc dân tộc và khát vọng hội nhập kinh tế quốc tế của chúng ta trong nhận thức và tình cảm của bạn bè thế giới.

PV: - Trong một thế giới luôn đổi thay và biến động như anh nói, chúng ta có thể hiểu về văn hóa nói chung như thế nào?

LQD: - Vào tháng 9 năm 2002, trong hội nghị Johannesburg do UNESCO tổ chức, một định nghĩa mới về văn hóa đã được tôn vinh. Qua định nghĩa ấy, văn hóa được xem như một tập hợp những nét khác biệt, về vật chất và tinh thần, về trí tuệ và cảm xúc, làm rõ nét một xã hội, hay một nhóm xã hội, ngoài nghệ thuật và thơ văn, văn hóa bao hàm phong cách sống, cách chung sống, hệ thống các giá trị, truyền thống và tín ngưỡng. Và nếu hiểu như vậy thì văn hóa, như nhà nghiên cứu người Pháp Dominique Wolton đã phát biểu, chính là tổng thể những thái độ cho phép con người tìm được vị trí của mình để tồn tại trong thế giới này. Rộng hơn là các dân tộc tìm được vị trí của mình để khẳng định mình trong lịch sử văn minh của nhân loại này.

PV: - Làm thế nào để có thể cân bằng giữa các khái niệm bản sắc và quốc tế, cội nguồn và hội nhập? Hay nói một cách khác, chúng ta cần phải làm gì để các hoạt động văn hóa của chúng ta, đặc biệt là các sự kiện lễ hội trên quy mô lớn đã, đang và sắp tới sẽ được tổ chức ở khắp nơi thực sự mang lại những ý nghĩa và giá trị văn hóa to lớn, chứ không chỉ là các hoạt động gây nhiều lãng phí và không thực sự có hiệu quả?

LQD: - Bản sắc sẽ không được nhận ra nếu nó không được gìn giữ và đặt trong các mối tương quan tồn tại quốc tế. Cội nguồn sẽ không bền vững và giàu có hơn lên nếu nó bị tách ra khỏi những quá trình hội nhập. Tôi luôn đổ công sức tìm kiếm và cố cảm nhận đến tận cùng những nét bản sắc văn hóa độc đáo nhất của con người và vùng đất nơi tôi được mời tổ chức và dàn dựng một sự kiện văn hóa nghệ thuật, để lấy đó làm chìa khóa mở ra những cánh cửa sáng tạo cho mình và mọi người. Nhiều công ty tổ chức lễ hội và sự kiện hiện nay làm hoàn toàn ngược lại. Họ sử dụng gần như một mô hình kịch bản để áp dụng cho tất cả các chương trình, chỉ thay tên địa danh và đổi tiết mục đi đôi chút, chứ kết cấu nội dung thì không thay đổi. Điều này thật nguy hiểm vì các sự kiện văn hóa bị tước bỏ đi các giá trị bản sắc riêng biệt của mình, để trở thành một sản phẩm mang tính công nghệ. Điều này đã gây bức xúc cho công chúng và các nhà chuyên môn nhiều lần, trong nhiều sự kiện và ở nhiều nơi, nhưng không hiểu sao nó vẫn cứ diễn ra?

PV: - Theo anh cần phải làm gì để tránh điều này?

LQD: - Sẽ khó có thể tránh được nếu chúng ta, những người quyết định, tổ chức và dàn dựng các sự kiện văn hóa, không hành xử với các sự kiện văn hóa chúng ta tham gia một cách có văn hóa và có trách nhiệm. Để tạo nên một hiệu quả đích thực cho các sự kiện văn hóa lễ hội hiện nay, cần mạnh mẽ đưa ra ánh sáng các kiểu quan hệ cá nhân tiêu cực, sớm tạo nên một môi trường thông tin công khai, khuyến khích và mở rộng các hoạt động cạnh tranh lành mạnh và đánh giá khách quan, công bằng đối với các đơn vị và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này. Tôi quan sát và rất ngạc nhiên khi thấy có công ty tổ chức sự kiện hầu như được làm toàn bộ các sự kiện lễ hội văn hóa và năm du lịch quốc gia từ bắc tới nam với các chương trình theo kiểu sân khấu hóa chẳng khác nhau là mấy về cấu trúc kịch bản và kiểu dàn dựng. Bản thân công ty này cũng không có chuyên môn nghệ thuật. Họ cai thầu các chương trình và đi thuê lại các nghệ sĩ thực hiện. Dư luận hỏi rằng ai bảo kê cho công ty đó vậy? Chúng ta sẽ thực sự có tội với người dân, những người đóng thuế và khát khao được thưởng thức các hoạt động văn hóa, có tội với tổ tiên đã xây dựng một di sản và bản sắc văn hóa để rồi tới hôm nay chúng ta thiếu tôn trọng và lạm dụng. Tôi may mắn được tham gia thực hiện nhiều chương trình thực sự hướng về nhân dân, nơi từ các vị lãnh đạo cho tới những người thực hiện, đều hết thảy quên mình để hướng tới cái cao cả của các giá trị văn hóa cần mang lại cho cộng đồng. Tổ chức các sự kiện văn hóa lớn đòi hỏi sự kết nối sáng tạo mạnh mẽ của một tập thể. Toan tính cá nhân sẽ làm cho tính văn hóa thiêng liêng của chương trình mất đi ngay từ khi chương trình còn chưa khởi động.

PV: - Dư luận đang xôn xao câu chuyện ai sẽ là Tổng đạo diễn của Đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội? Anh nghĩ sao về việc này?

LQD: - Dân tộc chúng ta với lịch sử vĩ đại hàng nghìn năm của mình đã đổ bao máu xương và hy sinh bao thế hệ để đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lại độc lập tự do cho mình. Không lẽ giờ đây, một dân tộc với tất cả những vinh quang ấy, không tự mình tổ chức dàn dựng một cách hoành tráng ngày Đại lễ Kỷ niệm 1000 năm thành phố thủ đô của chính mình. Tôi có cảm giác dường như chúng ta đang quá lo ngại về quy mô và ý nghĩa của Ngày Đại Lễ mà quên mất quy mô lớn nhất và ý nghĩa sâu xa nhất của sự kiện này nằm ở trong chính tấm lòng của mỗi người dân Việt Nam nói chung và người dân thủ đô Hà Nội nói riêng. Chỉ còn hơn 400 ngày nữa là tới ngày Đại Lễ mà sao thấy im ắng, trống vắng quá. Chúng ta khát khao có những diễn đàn công khai để mọi tầng lớp xã hội có cơ hội được tham gia, đóng góp, chia xẻ tấm lòng mình với thủ đô, với đất nước. Chúng ta khát khao có những hội nghị mở rộng, nơi tụ hội cho tất cả các học giả, trí thức, các nhà chuyên môn, các đạo diễn được cùng trao đổi bàn bạc những ý tưởng, sáng kiến để chọn ra những gì là sáng tạo tinh túy nhất của trí tuệ dân tộc này dành cho ngày Đại lễ 1000 năm. Tại sao chỉ một trận bóng đá khi chúng ta dành chiến thắng, cả dải đất hình chữ S của Tổ quốc chúng ta đỏ rực một màu cờ. Vậy mà giờ phút trọng đại của 1000 năm lịch sử của thủ đô Hà Nội sắp tới, đi giữa thành phố quê hương nơi mình đã sinh ra và lớn lên mà không thấy mọi người chung quanh mình háo hức. Niềm tự hào và kiêu hãnh về một thủ đô có 1000 năm lịch sử sẽ được nhân lên gấp bội phần nếu nó được cộng hưởng từ trí tuệ và nhiệt huyết của toàn thể cộng đồng.

PV: - Cuối cùng, anh có chia sẻ gì với các đạo diễn và các nhà tổ chức sự kiện trẻ tuổi?

LQD: - Tôi luôn dành cho họ mối thiện cảm và quan tâm lớn nhất với tất cả mong muốn được chia sẻ các kỹ năng chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn của mình với họ. Nghề đạo diễn dàn dựng và tổ chức sự kiện là rất khó khăn và vất vả. Đặc biệt trong một môi trường như hiện nay, họ nên tìm mọi cơ hội để bộc lộ tài năng và những ý tưởng sáng tạo của mình, nhưng đồng thời, khó hơn nhiều, là phải học cách bảo vệ những ý tưởng sáng tạo của mình để không bị lạm dụng và đánh cắp. Trên hết tất cả, tôi muốn chia sẻ với họ là đừng bao giờ mất đi sự cố gắng, nỗ lực của riêng mình. Cuộc sống dù có thể đôi khi không như mình mong muốn, và đôi khi chúng ta có thể phải chứng kiến và trải nghiệm những cảm xúc tận cùng của những hành xử thiếu văn hóa thì cũng đừng bao giờ để lụi tắt trong mình khát vọng sáng tạo và tình yêu dành cho dân tộc mình, cho Tổ quốc mình, cho những khát khao ở tương lai phía trước.

PV: - Xin cảm ơn anh!

Tiến Cường Thực hiện