Chương trình, sách giáo khoa phổ thông phải phù hợp năng lực học sinh

NDO - Ngày 2/8, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội tổ chức Hội nghị góp ý kiến về triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa phổ thông 2018.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội nghị.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng đề nghị, với tinh thần thẳng thắn, xây dựng và trách nhiệm cao, các nhà khoa học, các chuyên gia và đại biểu tập trung thảo luận, trao đổi để việc góp ý đạt hiệu quả thiết thực, góp phần bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Các chuyên gia, các nhà khoa học đã tập trung làm rõ những vấn đề đang đặt ra đối với sách giáo khoa giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trong đó, có ý kiến nhấn mạnh, việc tập trung chuyển từ giáo dục kiến thức sang giáo dục về phẩm chất, năng lực; từ chỗ chỉ chú trọng về kiến thức nay chuyển sang nâng cao phẩm chất, năng lực học sinh để bảo đảm hài hòa giữa dạy và định hướng nghề nghiệp… là vấn đề cần được quan tâm hơn nữa. Tuy nhiên, thực trạng thiếu giáo viên nói chung và thiếu giáo viên có năng lực, trình độ cao đang là vấn đề cần có giải pháp kịp thời

Nhiều ý kiến đặt vấn đề, nếu triển khai xã hội hóa giáo dục, xã hội hóa sách giáo khoa không đến nơi đến chốn sẽ có thể khiến xã hội hóa biến thành thương mại hóa. Triển khai xã hội hóa đồng nghĩa với việc phải chấp nhận cơ chế thị trường. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu về vai trò của nhà nước trong xã hội hóa sách giáo khoa, trong đó phải bảo đảm việc định hướng tuyên truyền cho cán bộ cũng như người dân nhận thức rõ về bản chất của xã hội hóa sách giáo khoa, bảo đảm thông suốt từ nhận thức đến hành động.

Có đại biểu cho rằng, những kiến nghị đối với Đảng, Nhà nước về triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa phổ thông cần có sự nghiên cứu cẩn thận, điều tra xã hội học, có số liệu cụ thể, đặc biệt đối với các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nhà nước cần có thêm sự hỗ trợ để bảo đảm sách giáo khoa cho việc dạy và học của giáo viên và học sinh.

Bên cạnh đó, hiện nay đang thiếu sự đồng bộ, thống nhất trong việc triển khai chương trình sách giáo khoa, chưa chuẩn bị tâm lý, nguồn lực và cơ sở vật chất cho giáo viên, cán bộ quản lý cũng như người học về việc đổi mới sách giáo khoa, dẫn đến tình trạng giáo viên không đáp ứng được yêu cầu giảng dạy.

Chương trình, sách giáo khoa phổ thông phải phù hợp năng lực học sinh ảnh 1
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cảm ơn những chia sẻ, đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học đối với việc triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa phổ thông 2018. Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu tối đa các ý kiến để tham mưu cho Chính phủ , góp phần thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo.

Đồng thời, Bộ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội cùng các chuyên gia, nhà khoa học trong triển khai các hoạt động nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và chất lượng sách giáo khoa trong thời gian tới.