Chuỗi tăng giá kết thúc, giá hàng hóa có thể bước vào xu hướng giảm

NDO - Chuỗi tăng 6 ngày liên tiếp của thị trường hàng hóa đã được kết thúc bằng phiên giao dịch hôm qua (25/8) giúp xoa dịu lo ngại về một “siêu chu kỳ tăng giá mới” sẽ xuất hiện. Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), đóng cửa hôm qua, chỉ số MXV-Index quay đầu giảm 0,56%, xuống mức 2.683 điểm.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Kim loại là nhóm mặt hàng duy nhất có lực mua áp đảo. Trong khi đó, sắc đỏ bao trùm bảng giá của cả 3 nhóm còn lại là: nông sản, nguyên liệu công nghiệp và năng lượng. Do tính chất 2 chiều của thị trường T0, nhà đầu tư có thể có lợi nhuận cả khi giá hàng hóa tăng và giảm, dòng tiền đến thị trường hàng hóa vẫn duy trì ở ngưỡng cao. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt mức 4.700 tỷ đồng.

Chuỗi tăng giá kết thúc, giá hàng hóa có thể bước vào xu hướng giảm ảnh 1

Dầu thô giảm mạnh trước áp lực chốt lời

Dầu thô giảm trở lại trong phiên giao dịch hôm qua, trước lo ngại của thị trường về đàm phán hạt nhân Mỹ-Iran và thời điểm nhạy cảm trước hội nghị tại Jackson Hole. Cụ thể, giá WTI giảm mạnh 2,5% xuống 92,52 USD/thùng trong khi giá Brent giảm 1,87% xuống 98,46 USD/thùng.

Chuỗi tăng giá kết thúc, giá hàng hóa có thể bước vào xu hướng giảm ảnh 2

Áp lực chốt lời tại vùng kháng cự mạnh đã khiến cho giá chịu sức ép ngay từ phiên sáng. Sau khi thành công trong việc giữ đà tăng trong suốt 1 tuần, thị trường đã bắt đầu cho thấy dấu hiệu của sức ép chốt lời. Một tuần chờ đợi các phát biểu mới xung quanh đàm phán Mỹ-Iran cũng khiến cho các nhà đầu tư trên thị trường càng thêm lo ngại, nhất là khi các bên đã có dấu hiệu nhượng bộ để thúc đẩy tạo lập thỏa thuận hạt nhân mới, và có thể khiến Iran tăng lượng dầu xuất khẩu ra thị trường.

Trong khi đó, thời điểm tiêu thụ nhiên liệu tại Mỹ đã đi qua và nhu cầu tiêu thụ xăng suy yếu tại Mỹ trong các tuần gần đây cũng đang gây sức ép đến giá. Trong báo cáo tuần mới nhất của Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ EIA, nhu cầu tiêu thụ xăng của nước này đã giảm gần 7% so cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) James Bullard cho rằng, FED nên nâng lãi suất lên mức 3,75%-4% đến cuối năm nay, thay vì mức 2,25%-2,5% như hiện tại. Theo ông, chỉ có mức lãi suất cao mới đủ để chống lạm phát.

Phát biểu của James Bullard ngay trước thềm Hội nghị kinh tế Jackson Hole diễn ra khiến cho thị trường lo ngại rằng Chủ tịch FED Jerome Powell sẽ đưa ra quan điểm mang tính thắt chặt trong ngày hôm nay. Hiện tại, theo dữ liệu của CME Watchtool, 60% các nhà đầu tư cho rằng FED sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 9. Điều này đồng nghĩa với việc FED nâng lãi suất 75 điểm phần trăm 3 lần liên tiếp và là một trong các tiến trình tăng lãi suất nhanh nhất từ trước đến nay. Kể từ năm 1983, FED đã tăng lãi suất 86 lần, trong đó có 75 lần tăng lãi suất dưới 50 điểm cơ bản.

Tất cả các mặt hàng nông sản đồng loạt quay đầu giảm

Giá ngô bất ngờ đóng cửa phiên hôm qua với mức giảm 1,1%, qua đó kết thúc chuỗi 6 phiên tăng liên tục. Cuộc khảo sát mùa vụ hàng năm tại Midwest đã kết thúc ngày thứ ba tại Illinois và Iowa - hai bang sản xuất ngô lớn nhất nước Mỹ.

Tại Illinois, vụ ngô năm nay chịu ảnh hưởng không hề nhỏ của khô hạn. Tuy vậy, cây trồng vẫn được đánh giá ở mức tốt nhờ triển vọng khả quan hơn ở phía tây của bang, nơi ngô có sức khỏe tốt và chất lượng khá đồng đều. Năng suất ngô trung bình năm nay tại Illinois được đoàn khảo sát dự báo ở mức 190,7 giạ/mẫu, mức tốt nhất kể từ đầu khảo sát tới nay. Tuy nhiên, điều tương tự đã không xảy ra tại Iowa. Năng suất ngô tại các khu vực đoàn khảo sát đi qua đều giảm mạnh và thấp hơn cùng kỳ năm trước cũng như mức trung bình 3 năm.

Đối với lúa mì, giá liên tiếp suy yếu trong phần lớn thời gian giao dịch của phiên hôm qua và đóng cửa trong sắc đỏ, kết thúc chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp. Giống với ngô, giá lúa mì cũng chịu áp lực từ lực bán chốt lời của các nhà đầu tư. Đà giảm của giá chỉ phần nào bị kìm hãm bởi nhu cầu nhập khẩu của một số quốc gia.

Theo các thương nhân châu Âu, Đài Loan (Trung Quốc) đã mua khoảng 34 nghìn tấn lúa mì từ Mỹ cho hoạt động xay xát. Thêm vào đó, Nhật Bản cũng mua khoảng 118 nghìn tấn lúa mì chất lượng thực phẩm, trong đó có 57 nghìn tấn có nguồn gốc từ Mỹ. Các đơn hàng trên đều được thực hiện trong các cuộc đấu giá quốc tế kết thúc vào hôm qua.

Chuỗi tăng giá kết thúc, giá hàng hóa có thể bước vào xu hướng giảm ảnh 3

Cùng với đó, giá đậu tương tiếp tục suy yếu và mức giảm đang dần được mở rộng. Nếu như nguồn cung tại Mỹ vẫn luôn là tâm điểm thị trường trong những ngày vừa qua thì triển vọng tại Nam Mỹ lại là yếu tố đã khiến cho lực bán hoàn toàn áp đảo trong phiên hôm qua.

Kết quả ngày thứ 3 của cuộc khảo sát mùa vụ tại Midwest - Crop Tour năm 2022 cho thấy tình trạng đậu tương tại 2 bang gieo trồng lớn nhất của Mỹ đã có những dấu hiệu tích cực hơn. Tại Illinois, mặc dù độ ẩm thiếu hụt vẫn đang là vấn đề cần quan tâm trong những ngày tới nhưng năng suất hiện tại vẫn đang được dự báo ở gần mức so ước tính cho năm ngoái. Trong khi đó, tại Iowa, khảo sát cho thấy, số lượng vỏ đậu tương trên diện tích cũng cao hơn ở nhiều quận. Những lo ngại về mùa vụ không quá nghiêm trọng như kết quả những ngày trước đã khiến cho giá đậu tương không duy trì được đà tăng mạnh.

Trong khi đó, khô đậu tương là mặt hàng nông sản có mức giảm mạnh nhất trong phiên hôm qua. Đà suy yếu khi gặp phải vùng đỉnh cũ trong năm nay cùng với đà giảm chung của nhóm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đã tạo áp lực lên giá mặt hàng này. Ngoài ra, Công ty giám định độc lập Amspec Agri cho biết, xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ của Malaysia trong giai 25 ngày đầu tháng 8 đạt 906 nghìn tấn, tăng 4,9% so mức 864 nghìn tấn cùng kỳ tháng trước. Xuất khẩu dầu cọ được đẩy mạnh cũng là yếu tố tạo sức ép gián tiếp lên giá dầu đậu tương.

Giá nông sản liên tục biến động mạnh, doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi trong nước ở thế khó

Là quốc gia nhập khẩu khô đậu tương lớn thứ 2 và nhập khẩu ngô lớn thứ 6 toàn cầu, ngành chăn nuôi nước ta đã gặp nhiều khó khăn do giá nông sản thế giới liên tục tăng trong giai đoạn vừa qua. Phiên điều chỉnh giảm hôm qua sẽ là tín hiệu đáng mừng đối với các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước.

Tuy nhiên, theo MXV, đây có khả năng chỉ là nhịp điều chỉnh sau chuỗi tăng mạnh trước đó, và chưa thể khẳng định giá nông sản thế giới đã bước vào xu hướng giảm.

Giá ngô giao vào quý IV năm nay tại cảng Cái Lân đang giao dịch quanh mức 8.100-8.400 đồng/kg. Trong khi đó, giá khô đậu tương dao động ở gần ngưỡng 14.000 đồng/kg.

Đây vẫn là những mức giá rất cao, theo MXV, các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi sẽ cần rất thận trọng trong việc chốt giá nhập khẩu, và điều này có thể sẽ khiến thị trường nội địa giao dịch ảm đạm hơn trong ít nhất vài tuần tiếp theo.

Ghi nhận trong sáng nay (26/8), trên thị trường nội địa, giá heo hơi tăng nhẹ 1.000 đồng/kg ở các tỉnh thành phía nam, trong khi giá tại miền bắc và miền trung, Tây Nguyên đã chững lại. Nhìn chung, giá dao động trong khoảng 63.000-70.000 đồng và nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì ở quanh ngưỡng 70.000 đồng/kg.