Theo kết quả một khảo sát của Cục Trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vào quý III/2022, 89% trẻ em Việt Nam có thể tiếp cận Internet, trong đó 87% sử dụng hằng ngày. Hơn bao giờ hết, việc đảm bảo an toàn trên không gian mạng cho trẻ em đòi hỏi sự phối hợp của cả gia đình, nhà trường, cơ quan chức năng, tổ chức xã hội, doanh nghiệp công nghệ…
Môi trường số: hấp dẫn nhưng đầy nguy cơ
Tại Hội thảo “Phòng chống thông tin độc hại và lừa đảo trẻ em trên môi trường mạng” do Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam phối hợp Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức tại Hà Nội vừa qua, thực trạng sử dụng mạng Internet của trẻ em Việt Nam hiện nay được phác họa tương đối đầy đủ và chính xác.
Trưởng phòng Kiểm định, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) Đinh Thị Như Hoa cho biết 5 mối nguy hại từ Internet đang tác động đến trẻ em gồm có: Tiếp cận thông tin không phù hợp; bị phát tán, rò rỉ thông tin riêng tư, cá nhân; nghiện game (trò chơi điện tử), mạng xã hội, Internet; bị bắt nạt trực tuyến; bị lôi kéo, dụ dỗ, quấy rối, lừa đảo, ép tham gia vào các hoạt động phi pháp.
Bà Như Hoa cũng khẳng định việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là vấn đề vô cùng cấp thiết, là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Một trong các giải pháp trọng điểm là nâng cao nhận thức về sử dụng mạng an toàn, chú trọng phát triển hệ sinh thái các sản phẩm, ứng dụng Việt cho trẻ em học tập, kết nối, giải trí một cách sáng tạo là cách bảo vệ hoàn hảo nhất vì một môi trường mạng an toàn và xây dựng thế hệ công dân số tương lai.
Theo Báo cáo của Tổ chức ChildFund Việt Nam, có tới 76% trẻ em có xu hướng tìm kiếm và chấp nhận bạn mới trên mạng xã hội. Cũng theo số liệu thống kê của Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số (trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), gần 36,5% trẻ em đã phải trải nghiệm các thông tin, hình ảnh liên quan đến bạo lực trên Internet.
Theo định hướng phát triển của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), tới năm 2026, trẻ em và thanh thiếu niên sẽ được hỗ trợ xây dựng các điều luật và chính sách bảo vệ trên môi trường số dựa trên bằng chứng thông qua vận động chính sách và chia sẻ các bài học thành công của nhiều quốc gia trên thế giới.
Bên cạnh việc phụ huynh và thầy cô tăng cường quản lý, trang bị kiến thức và kỹ năng cho trẻ em, tạo “bộ lọc” trong chính mỗi gia đình và trường học, thì các giải pháp về chính sách và kỹ thuật cũng không kém phần quan trọng, cần sự huy động và chung tay của nhiều nguồn lực.
Nhiều tham luận, đề xuất đề cập đến trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp trong việc bảo vệ trẻ em trên mạng. (Ảnh: Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng) |
Chính phủ Việt Nam đã sớm quan tâm và có các chính sách mạnh mẽ để bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ ngày càng nhiều trên không gian mạng, trong đó có Quyết định số 830/TTg-CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 1/6/2021 phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”.
Luật Công nghệ thông tin 2006, Luật trẻ em năm 2016, Luật Báo chí 2016, Luật An ninh mạng 2018… đều có các quy định cụ thể về vấn đề bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Tăng cường nội dung lành mạnh cho trẻ em
Theo bà Nguyễn Thị Nga, Phó cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là vấn đề quan tâm không chỉ của Việt Nam mà còn là vấn đề toàn cầu. Trong những năm qua, Việt Nam đạt được một số kết quả nhất định trong vấn đề này.
Chỉ riêng trong 8 tháng đầu năm 2023, nhân viên Tổng đài bảo vệ trẻ em 111 đã kết nối và xử lý hơn 250 trường hợp có những thông tin, nội dung liên quan đến xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Ngoài ra, Cục Trẻ em đã có những chương trình tiếp tục nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cộng đồng trong bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Bên cạnh đó, Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng đã ra đời (tháng 9/2023) với sự liên kết những tổ chức xã hội và doanh nghiệp công nghệ thông tin hàng đầu nhằm tạo cơ chế phản ứng nhanh và tích cực trước những biến đổi nhanh chóng của công nghệ; đồng thời tạo hệ sinh thái các sản phẩm công nghệ bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Một số thành viên ban đầu gồm có: Công ty cổ phần viễn thông FPT; Trung tâm an toàn thông tin, Tập đoàn VNPT; Công ty cổ phần Công nghệ An ninh mạng quốc gia Việt Nam (NCS); Công ty cổ phần Công nghệ mạng Lancs Việt Nam; Công ty Đầu tư công nghệ và dịch vụ Sconnect Việt Nam; Tổ chức World Vision Việt Nam; Tổ chức Plan Internatinal Việt Nam; Tổ chức Childfund Việt Nam…
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp công nghệ bắt đầu triển khai chính sách nội bộ nhằm quy định chuẩn mực đạo đức và kiểm duyệt nội dung trước khi công bố trên nền tảng mạng xã hội; đầu tư xây dựng các ứng dụng, phần mềm hay các trò chơi trực tuyến, chương trình giải trí nhằm tạo sân chơi bổ ích cho trẻ em, giúp trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên không gian mạng.
Có thể kể đến một số hoạt động, mô hình triển khai ở Sconnect Việt Nam, một trong những đơn vị sản xuất nội dung số tiên phong và có nhiều thành tựu tích cực trong lĩnh vực phát triển sản phẩm giáo dục, giải trí cho trẻ em trong kỷ nguyên số.
Học sinh một trường trung học phổ thông tại Hà Nội tham gia trải nghiệm đào tạo, hướng nghiệp về nội dung số. (Ảnh: Sconnect Việt Nam) |
Được biết đến với nhiều bộ phim hoạt hình “Make in Vietnam” đã phát hành đa nền tảng số toàn cầu và chiếu rạp tại Việt Nam, Sconnect có bộ phận Quản lý chất lượng với nhiệm vụ kiểm duyệt nội dung và kiểm định chất lượng sản phẩm số cho từng đối tượng, theo từng nhóm độ tuổi khác nhau.
Học viện đào tạo hoạt hình quốc tế Sconnect cũng chú trọng xây dựng chương trình đào tạo cho học viên, sinh viên về việc hiểu đúng, đủ và chính xác về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên mạng xã hội.
Mới đây, đại diện Học viện cho biết đã phát động dự án thiện nguyện, gây quỹ xã hội hoá để thực hiện chương trình “Em và Hoạt hình”, dự kiến vào cuối tháng 12/2023 sẽ đưa phim hoạt hình đến nhiều điểm trường, thôn bản còn khó khăn ở các tỉnh miền núi phía bắc, tạo điều kiện cho trẻ em vùng cao tiếp cận trực tiếp hoạt hình Việt Nam chính thống, với công nghệ hiện đại và có tính giáo dục…