"Vaccine số" bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Internet phát triển bùng nổ, trẻ em hằng ngày tiếp xúc với không gian mạng ở độ tuổi rất nhỏ. Khi chưa có những kỹ năng cần thiết để bảo vệ bản thân, nhiều em nhỏ đã trở thành nạn nhân của bạo hành, xúc phạm trên mạng. Do vậy, việc trang bị kỹ năng số là biện pháp hiệu quả nhất để bảo đảm an toàn cho trẻ em khi tham gia không gian mạng.

Học sinh Trường THCS Trung Đô (thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An) trong giờ học trực tuyến. (Ảnh: MỸ HÀ)
Học sinh Trường THCS Trung Đô (thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An) trong giờ học trực tuyến. (Ảnh: MỸ HÀ)

Báo cáo của Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), một trong các thành viên Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cho thấy, trong quý I/2022, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận hơn 202 nghìn cuộc gọi, tư vấn khoảng 10.600 trường hợp (tăng hơn 45% so với cùng kỳ năm 2021).

Thống kê của Cục Trẻ em cũng cho thấy, trong ba tháng đầu năm, cả nước có 147 trẻ em bị xâm hại tăng 30 em so với quý I/2021, trong đó là các trường hợp bị bạo lực, xâm hại tình dục, bị bắt cóc, mất tích hoặc bị bỏ rơi… Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết: Các trường hợp xâm hại trẻ em khi được Tổng đài 111 tiếp nhận sẽ được xác minh, kết nối với địa phương.

Một em gái (giấu tên) thường xuyên bị quấy rối bởi các số điện thoại lạ, kể lại: hình ảnh của em được phát tán trong một group kín trên nền tảng Telegram. Hậu quả là em nhận được vô vàn tin nhắn với hỏi đòi thêm hình ảnh, nhiều tin nhắn bịa đặt, bình luận tục tĩu, gây sốc. Ban đầu em nghĩ là xóa được ảnh thì mọi chuyện sẽ chấm dứt, nhưng thực tế là mọi thứ không dừng lại, em bị quấy rối và cuộc sống bị xáo trộn rất nhiều. Ðây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp các em gái khi đăng ảnh trên mạng xã hội (Facebook, Instagram…) bị những kẻ "ẩn danh" lấy cắp, rồi đăng vào những nhóm kín, hoặc những trang web đen. Nhiều nạn nhân sau đó bị gọi điện thoại, quấy rối, thậm chí có nạn nhân bị xâm hại tình dục, mà không biết rằng khi tự cung cấp quá nhiều thông tin, hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội có thể đem lại sự nguy hiểm cho chính bản thân. 

Chuyên gia an ninh mạng Ngô Việt Khôi cho biết: Khi sử dụng mạng xã hội càng lâu thì những thông tin để vẽ lại chân dung về thói quen về sở thích của người dùng càng rõ ràng. Thói quen này tạo nên cơ sở dữ liệu lớn của mỗi cá nhân. Ðây là thông tin mà các đơn vị vận hành mạng xã hội thu thập qua từng ngày, từng giờ. Những dữ liệu này sẽ được công nghệ trí tuệ nhân tạo phân tích, xử lý và đưa ra phán đoán hành vi của cá nhân.

Thời gian qua, Tổ chức Plan International tại Việt Nam (một trong các thành viên của Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng) thường xuyên tiếp nhận các phản ánh về vấn đề mất an toàn thông tin trên môi trường mạng. Trong đó có cả trường hợp nạn nhân là trẻ em gái bị "đánh cắp" hình ảnh, đăng tải lên các group kín, kèm theo số điện thoại của nạn nhân (khi kẻ phát tán hình ảnh lấy được từ mạng xã hội của nạn nhân).

Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng mới đây đã ra mắt trang web vn-cop.vn, với nhiều tính năng góp phần bảo vệ trẻ em an toàn trên môi trường mạng. Cục An toàn Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) - cơ quan điều phối Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã thử nghiệm tính năng "Công cụ" và "Báo cáo xâm hại". Với tính năng "Công cụ", người sử dụng chỉ cần nhập đường link của trang web rồi Gửi yêu cầu, thì có thể Kiểm tra website an toàn cho trẻ em. Còn với tính năng "Báo cáo xâm hại", nếu có trường hợp xâm hại trẻ, hay hành vi bạo hành, quấy rối, lừa đảo, các link trang web xấu, group độc hại, bắt nạt trẻ em… thì bất cứ ai (kể cả trẻ em) cũng có thể gửi báo cáo. Cùng với ứng dụng Tổng đài 111, hoặc đường dây nóng 111, thì vn-cop.vn cũng sẽ là một trong những địa chỉ an toàn, cung cấp những công cụ, phần mềm hữu ích, giúp trẻ em tham gia tương tác lành mạnh trên môi trường mạng.

Trong suốt hai năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lượng trẻ em ở Việt Nam có thiết bị kết nối internet (như máy tính, smartphone, iPad…) đã tăng lên hơn 66%. Nhưng rất nhiều bậc cha mẹ lo lắng khi con tham gia môi trường mạng; không thể biết chính xác các con làm gì trên không gian mạng đó. Vì vậy, cùng với những công cụ bảo vệ thì các bậc cha mẹ cũng cần luôn đồng hành với con trên môi trường mạng. Là cha mẹ, ai cũng muốn bảo vệ con mình, nhưng làm thế nào, thì nhiều người lại không biết. Giải pháp của những chuyên gia an ninh mạng là trang bị cho trẻ nhỏ những kỹ năng cần thiết, đủ thông tin để trẻ con có thể tự nhận diện nguy cơ và tự chống lại.

Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững MSD, cho biết: Giáo dục được coi là cốt lõi để mang "vaccine số" đến cho thế hệ công dân số. Chuẩn kỹ năng số cho trẻ em dựa trên một số chữ "S". Thứ nhất là Safe, có nghĩa là an toàn; thứ hai là Smart, sự thông thái, thông minh khi sử dụng mạng (cần sử dụng những thành tựu của internet để phục vụ cuộc sống, nhưng cần là người sử dụng thông thái để tránh được rủi ro trên mạng); thứ ba là Super với ý tưởng trẻ con như siêu nhân, không chỉ tự bảo vệ mình an toàn mà còn có khả năng hỗ trợ, bảo vệ những người khác trên môi trường mạng. Ðây có thể là một kỳ vọng hơi cao đối với thế hệ trẻ, nhưng sẽ góp phần cho việc xây dựng được một mạng lưới an toàn, lành mạnh.

Nếu những kỹ năng số được phổ biến tới tất cả trẻ em, và cả những giáo viên thì trẻ em cũng sẽ có cơ hội được tiếp cận với những công nghệ số để tạo nên "sức đề kháng", tự chống chọi được với những rủi ro trên môi trường mạng. Trên cơ sở đó, Việt Nam cần có những chương trình mang tính chất quốc gia về việc đào tạo đội ngũ giáo viên có kỹ năng để hỗ trợ cho cha mẹ đồng hành cùng con đối với các hoạt động bảo đảm an toàn thông tin trên môi trường mạng.

Hiện tại, Việt Nam đã có Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em nhưng với những vấn đề mới phát sinh trên môi trường mạng, cần có những đơn vị có chuyên môn sâu hơn. Ngoài ra, nhà trường và gia đình cần là người đồng hành với trẻ, trên quan điểm tôn trọng quyền sử dụng internet của trẻ chứ không phải là ngăn cấm. Sử dụng internet là quyền lợi của trẻ em, vì vậy cần trang bị kiến thức kinh nghiệm để trẻ khai thác quyền lợi này một cách hợp lý, hợp pháp và đúng định hướng ■