Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), có 82 % trẻ em Việt Nam trong độ tuổi 12-13 tuổi sử dụng internet. Trong khi đó, số liệu của Viện Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững cho biết, độ tuổi trẻ em tiếp xúc với môi trường mạng đang giảm xuống ở 6-7 tuổi. Những thống kê này chỉ ra rằng trẻ em ngày càng có nhiều cơ hội được tiếp cận thông tin, học tập, giải trí trên không gian mạng. Từ đó, công nghệ số có thể mang lại nhiều lợi ích cho trẻ nhỏ, đặc biệt là nhóm trẻ khuyết tật, trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em sống ở các khu vực vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Theo đánh giá của ông Youssouf Abdel-Jelil, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam, Internet có thể “kết nối các em với thế giới của những cơ hội và mang lại cho trẻ những kỹ năng cần thiết để thành công trong một thế giới công nghệ số”.
Tuy nhiên, đi kèm những tiện ích không thể phủ nhận dành cho thế hệ trẻ, môi trường mạng cũng mang đến những rủi ro, hiểm họa khó lường. Thông tin với các cơ quan báo chí, Cục Trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết: Tính riêng 8 tháng đầu năm 2023, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận 251 cuộc gọi liên quan đến xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Trong đó, có 142 cuộc gọi liên quan đến các hành vi xâm hại trẻ em nghiêm trọng trên không gian mạng: xâm hại tình dục (67 cuộc), bắt nạn trên mạng (20 cuộc), bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm (30 cuộc), đưa thông tin cá nhân (3 cuộc). Số người quan tâm đến cách sử dụng internet an toàn cho trẻ em là 98 cuộc.
Tính riêng 8 tháng đầu năm 2023, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận 251 cuộc gọi liên quan đến xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Trong đó, có 142 cuộc gọi liên quan đến các hành vi xâm hại trẻ em nghiêm trọng trên không gian mạng: xâm hại tình dục (67 cuộc), bắt nạn trên mạng (20 cuộc), bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm (30 cuộc), đưa thông tin cá nhân (3 cuộc). Số người quan tâm đến cách sử dụng internet an toàn cho trẻ em là 98 cuộc.
Không chỉ vậy, số lượng người dưới 18 tuổi mắc các hội chứng như nghiện Internet, nghiện mạng xã hội, nghiện trò chơi trực tuyến vẫn có diễn biến phức tạp. Những căn bệnh này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ, mà còn tác động xấu đến gia đình, người thân và xã hội.
Hiện tượng tội phạm vị thành niên xuất phát từ “nghiện game”, “bắt chước game” tuy không phổ biến nhưng cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh với nhiều bậc phụ huynh khi cho phép con cái sử dụng internet quá mức để vui chơi, giải trí mà không có bất kỳ sự giám sát nào.
Trong bối cảnh đó, việc tạo ra những tấm lá chắn phòng thủ trước tác động xấu của môi trường mạng đối với trẻ em ngày càng trở thành một nhiệm vụ cấp bách. Trên thực tế, Nhà nước Việt Nam đã sớm nhìn nhận ra tầm quan trọng của vấn đề này thông qua việc xây dựng và ban hành một hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Trên cơ sở những bộ luật cụ thể như Luật trẻ em, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Tiếp cận thông tin; Luật Giao dịch điện tử, Luật Báo chí, Luật Viễn thông, Luật Quảng cáo, Luật Công nghệ thông tin, chúng ta đã tiến hành triển khai nhiều nghị quyết, nghị định quan trọng vào đời sống.
Nổi bật nhất là hai Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030 và Chương trình Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng. Theo đó, điểm nhấn của các chương trình này là đưa ra các mục tiêu đột phá trong hoạt động bảo vệ và hỗ trợ trẻ em trên không gian mạng, dự báo tình hình tội phạm xâm hại trẻ em có thể xảy ra trong tương lai gần và xây dựng các biện pháp phòng ngừa.
Từ đó, Chính phủ Việt Nam đã triển khai các nhóm giải pháp đồng bộ về giáo dục truyền thông, nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng; triển khai các biện pháp, giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ và hoàn thiện cơ cấu tổ chức bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Trên khía cạnh giáo dục trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng, nhiều cuộc thi tìm hiểu về an toàn thông tin dành cho học sinh đã được tổ chức thành công. Tính đến tháng 8/2023, có 740.250 học sinh của gần 5417 trường trung học cơ sở trên 63 tỉnh,thành phố tham dự cuộc thi “Học sinh với an toàn thông tin” (cao hơn số liệu thống kê năm 2022 khoảng 140.000 học sinh).
Không chỉ vậy, xác định bảo vệ trẻ em trên không gian mạng là nhiệm vụ của toàn xã hội, Chính phủ Việt Nam cũng tổ chức hàng loạt hội thảo, chương trình tập huấn dành cho nhiều nhóm đối tượng để tìm hiểu thực tiễn cũng như đưa ra các giải pháp, sáng kiến để bảo vệ trẻ em và hỗ trợ nạn nhân là trẻ em.
Nổi bật là chương trình tập huấn dành cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí về “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”, Hội thảo “Thực tiễn và giải pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng”, Hội nghị “Nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ phục vụ triển khai hoạt động hỗ trợ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”…
Song song với biện pháp giáo dục và tuyên truyền, Chính phủ Việt Nam cũng tiến hành thành lập các kênh, liên minh hỗ trợ trẻ em trên môi trường mạng bên cạnh duy trì và phát triển hệ thống tiếp nhận thông tin Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111. Đáng chú ý là sự ra đời của Mạng lưới ứng cứu bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (VN-COP) gồm 24 thành viên và gần đây là Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng gồm 11 thành viên thuộc Hiệp hội An toàn thông tin VNISA (được thành lập theo quyết định số 266/QĐ-VNISA ngày 15/8/2023).
Giao diện Website Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng VN-COP (Ảnh chụp màn hình website) |
Một tín hiệu tích cực của các tổ chức này là có sự góp mặt, cam kết hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế như UNICEF, các NGO nước ngoài và Việt Nam như Plan International, Save the Children Interantinal, World Vision, Vnisa. Đặc biệt hơn, các tập đoàn cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ mạng xã hội và trò chơi trực tuyến như VNPT, Viettel, FPT, TikTok và VinaGame cũng gia nhập vào hệ thống bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, nhiều công ty an ninh mạng như SCS, BKAV, CyRadar cũng tham gia xây dựng các sản phẩm bảo vệ và hỗ trợ trẻ em trên Internet.
Thông qua hợp tác quốc tế và các đoàn thể xã hội trong nước về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, nhiều chương trình thiết thực, có ý nghĩa đã ra đời. Điển hình là quá trình hợp tác với ChildFund tại Việt Nam để xây dựng đề cương bộ thuật ngữ về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng để tiến tới hoàn thiện, chuẩn hóa thuật ngữ phù hợp với luật pháp, tình hình thực tế tại Việt Nam và thuận lợi cho việc tiếp cận các công ước, quy định quốc tế. Đồng thời, đề cương bộ thuật ngữ cũng được xem là cơ sở, căn cứ đưa vào các văn bản quản lý, văn bản luật pháp, chính sách.
Hiện nay, Mạng lưới ứng cứu bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã ra mắt ứng dụng Báo cáo các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và Công cụ kiểm tra đường link, website an toàn cho trẻ em trên webiste VN-COP. Qua đó, giúp Tổng đài 111 giảm tải nguồn thu nhận thông tin tư vấn về trẻ em trên không gian mạng. Sự ra đời của hai ứng dụng này cũng là tiền đề để Việt Nam tiến hành thiết lập cơ sở dữ liệu CSAM (Child Sexual Abuse Material – Dữ liệu về xâm hại và lạm dụng trẻ em).
Như vậy, dù còn một số khó khăn vì hạn chế về nguồn lực, công tác bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, thể hiện rõ những nỗ lực của Việt Nam trong bảo đảm và phát huy quyền trẻ em.
Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, xây dựng cơ sở dữ liệu CSAM, nâng cao nhận thức cho trẻ em, gia đình và nhà trường về bảo vệ bí mật của trẻ trên môi trường mạng, tiến tới hoàn thành các khuyến nghị của Ủy ban Liên hợp quốc về quyền trẻ em liên quan đến vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng tại phiên đối thoại với Việt Nam năm 2022.