5 nhóm nguy cơ với trẻ em trên môi trường mạng

NDO - Theo các chuyên gia, luôn xuất hiện nhiều nhóm nguy cơ đầy rủi ro với trẻ em trên internet. Do đó, cần sự quan tâm đặc biệt của gia đình và nhà trường với lứa tuổi này khi các em tham gia vào môi trường mạng.
0:00 / 0:00
0:00
(Ảnh: UNICEF)
(Ảnh: UNICEF)

Nhiều nguy cơ bị xâm hại, lạm dụng với trẻ em trên môi trường mạng

Theo số liệu năm 2021 của Tổng cục Thống kê, Việt Nam có khoảng 27 triệu trẻ em dưới 18 tuổi. Một thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý Phát triển bền vững (MSD) cho thấy, có 96,9% trẻ em sử dụng mạng internet.

Nghiên cứu khác từ Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số (CCIHP) chỉ ra rằng, gần 36,5% trẻ em đã phải trải nghiệm các thông tin, hình ảnh liên quan đến bạo lực trên internet. Hơn 13% trẻ em buộc phải tiếp xúc không mong muốn với các tài liệu khiêu dâm.

Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, trong năm 2022, Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em (Tổng đài 111) đã ghi nhận gần 370.000 cuộc gọi đến, với gần 28.000 cuộc gọi được lập hồ sơ và hơn 1.500 ca can thiệp hỗ trợ. Trong số này, có 419 cuộc gọi báo cáo về hoạt động xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Cục Trẻ em đã 21 lần can thiệp để xử lý những trường hợp này.

5 nhóm nguy cơ với trẻ em trên môi trường mạng ảnh 1

Các đại biểu dự tọa đàm.

Đây là thông tin từ tọa đàm “Hoàn thiện pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng” do Báo Đại biểu nhân dân phối hợp Cục Trẻ em và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức ngày 28/4.

Việc tiếp xúc, sử dụng không gian mạng từ sớm giúp trẻ em tìm hiểu những kiến thức phục vụ học tập mở rộng và nâng cao kiến thức, nhưng đồng thời cũng gây nên nhiều hệ lụy khôn lường. Đáng nói, nhiều đối tượng đã lợi dụng và sử dụng không gian mạng để lừa gạt, dụ dỗ, xâm phạm đến tính mạng của trẻ em.

Theo nghiên cứu từ Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số (CCIHP), gần 36,5% trẻ em đã phải trải nghiệm các thông tin, hình ảnh liên quan đến bạo lực trên internet. Hơn 13% trẻ em buộc phải tiếp xúc không mong muốn với các tài liệu khiêu dâm.

Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Đức Tuân chia sẻ, khoảng 2/3 trẻ em thường xuyên tiếp xúc với internet, thậm chí tiếp xúc hằng ngày. Bên cạnh những lợi ích của internet đem lại, nguy cơ trên không gian mạng với trẻ em rất nhiều, với 5 nhóm nguy cơ cụ thể.

Nhóm thứ nhất, nguy cơ có rất nhiều nội dung độc hại, tiêu cực với trẻ em trên internet mà không thể nào lọc và kiểm soát tốt được hết. Đó là những thông tin về các nội dung khiêu dâm, bạo lực, ma túy, hành vi tiêu cực… Do đó, trẻ em cần một vành đai bảo vệ trên không gian mạng.

Nhóm thứ hai là sự phổ biến của việc phát tán thông tin riêng tư trên không gian mạng. Đặc biệt, nhiều phụ huynh là những người vô tình phát tán những thông tin này. Họ không ý thức được về pháp luật và những rủi ro đối với con em mình khi đăng tải những thông tin này.

Hiện nay, nguồn thông tin cá nhân rất quan trọng đối với mỗi công dân và đặc biệt với trẻ em. Nếu không kiểm soát tốt việc đăng tải thông tin cá nhân như danh tính, hình ảnh… nguy cơ ảnh hưởng tới trẻ em rất lớn. Có những loại tội phạm đi săn lùng trẻ em chỉ lợi dụng sơ hở về thông tin cá nhân để dụ dỗ, thậm chí có những hành vi nguy hiểm bên ngoài như bắt cóc, hiếp dâm…

Nhóm nguy cơ thứ ba là vấn đề nghiện mạng xã hội, nghiện game, nghiện internet. Theo số liệu có được, khoảng 70-80% trẻ em là từ 10 đến 15 tuổi chơi game (và tỷ lệ này có thể còn cao hơn), trong đó, khoảng 10-15% các em rơi vào tình trạng nghiện game.

Tình trạng nghiện này ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của các em. Tâm-sinh lý của các em dễ rơi vào cuộc sống không thực tế, quá thu hút vào những hình ảnh trong game, dẫn tới sa sút về sức khỏe tinh thần và thể chất. Một khi đã nghiện game rồi, việc cai nghiện rất khó.

Nhóm nguy cơ thứ tư là bắt nạt trực tuyến. Đây là một tình trạng đáng báo động. Có thể chỉ là việc học sinh đánh nhau rồi quay clip, đăng lên mạng, hoặc tung một tin đồn hoặc nhắn tin tiêu cực, gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý của đối tượng. Nguy hiểm hơn, bắt nạt trực tuyến có thể khiến cho trẻ rơi vào tình trạng lo âu, hoảng sợ; thậm chí có những tình huống rất xấu là dẫn đến tình trạng tự tử.

Nhóm nguy cơ thứ năm là dụ dỗ, lôi kéo trẻ vào các hành vi quấy rối, lừa đảo, dọa nạt, đóng tiền hoặc thậm chí ép trẻ tham gia những hành động phi pháp. Nhiều cháu nhỏ dưới 16 tuổi bị dụ dỗ tham gia vào những hoạt động này. Trẻ em có thể bị tham gia dẫn dụ vào hành động phi pháp, tiêu cực như tham gia hoạt động mại dâm, đăng tải những hình ảnh khiêu dâm của trẻ, lừa đảo, dụ dỗ và sau đó thì dẫn dụ trẻ đi vào những đường dây lừa đảo.

Đây là 5 nhóm hành vi tương đối phổ biến. Theo ông Tuân, sẽ có nhiều hành vi khác dần phát sinh khi trẻ em tham gia nhiều hơn vào môi trường internet. Với rủi ro tương đối lớn với trẻ em trên internet, xã hội, đặc biệt là gia đình và nhà trường cần quan tâm, chú ý tới việc các cháu tham gia vào môi trường mạng.

Cần liều “vaccine số” trên môi trường mạng

5 nhóm nguy cơ với trẻ em trên môi trường mạng ảnh 2

Mạng lưới ứng cứu và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng VN-CON.VN.

Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam nhấn mạnh, hiện nay, trẻ em đã trở thành đối tượng để những tội phạm hoạt động trên môi trường mạng lợi dụng, gây ra những hành vi xâm phạm và chiếm đoạt, lừa đảo về mặt kinh tế.

Gần đây nhất, đã có những vụ việc liên quan đến sử dụng, khai thác thông tin riêng tư của trẻ để gây áp lực rồi lừa đảo cha mẹ. Thí dụ, nhiều phụ huynh bị gọi điện lừa đảo con phải đi cấp cứu rồi yêu cầu chuyển tiền ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Chuyện đã xảy ra ở những thành phố lớn và chắc chắn còn lan đến những vùng kinh tế-xã hội khó khăn nữa.

Ông Nam cũng cho rằng, con người đang sống trong một thế giới số, với kinh tế số-xã hội số thì phải có những công dân số. Thế hệ công dân đó, ngay từ lúc còn nhỏ tuổi, ngồi trên ghế nhà trường… cũng phải được đào tạo để trở thành những công dân số thích ứng với tương lai.

Ông Nam nhấn mạnh tới khái niệm “vaccine số” cho trẻ em và người chưa thành niên nói riêng và người dân nói chung tham gia vào môi trường mạng.

Vaccine số không phải chỉ tiêm một, hai lần là có được miễn dịch, mà phải là một quá trình tiếp thu, học hỏi lâu dài. Từ kiến thức, nhận thức trở thành các kỹ năng ứng xử, kỹ năng phù hợp trên môi trường mạng; từ các hành vi văn hóa đến những hành vi cảnh giác như tự bảo vệ mình trên môi trường mạng. Đây là những vấn đề có tính chất nguyên tắc, giúp các em hình thành sự phòng ngừa và ngăn chặn tốt hơn trên môi trường mạng.

Hệ thống pháp luật Việt Nam cũng đã có những quy định pháp lý để góp phần bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 830/QĐ-TTg ban hành ngày 1/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt chương trình bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025.

Cục Trẻ em cũng tham gia vào Bản quy chế phối hợp liên ngành giữa 3 ngành đóng vai trò chủ chốt trong bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng: thông tin truyền thông; công an; lao động-thương binh và xã hội.

Có thể nói, quy chế phối hợp liên ngành này đã được thực hiện khá hiệu quả trong thực tiễn cuộc sống. Hơn nữa, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các đơn vị thuộc bộ là một trong những thành viên tích cực của Mạng lưới ứng cứu và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (VN-COP). Trong đó, có sự tham gia rất tích cực của Trung tâm ứng Cứu khẩn cấp trên không gian mạng, Cục An toàn thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Phòng, chống tội phạm công nghệ cao và Cục Cảnh sát hình sự của Bộ Công an.

Thực hiện trách nhiệm được Thủ tướng giao trong Quyết định 830, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng đến tăng cường các kiến thức, kỹ năng cho trẻ em và cha mẹ để có thể bảo vệ con em mình và chính cá nhân mình trên môi trường mạng. Cách tiếp cận khá phổ biến hiện nay là dùng chính không gian mạng để phổ biến những kiến thức, kỹ năng đó.

Đặc biệt, Tổng đài 111 là dịch vụ kết nối giữa yêu cầu, nhu cầu của người dân, của trẻ em, của cha mẹ đến các cơ quan chức năng để có thể bảo vệ kịp thời trẻ em ở trong đời thực cũng như trên không gian mạng.

Tổng đài cũng là đường dây tư vấn, hỗ trợ cho trẻ em, các bậc cha mẹ, người quan tâm đến bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trên môi trường mạng để có thể thực hiện chuyển tuyến, chuyển hóa giữa các dịch vụ hỗ trợ cho trẻ em.