Tham gia môi trường mạng, trẻ em thường gặp nhiều nguy cơ như: tiếp cận với quá nhiều thông tin giả; bị bắt nạt qua mạng; lộ thông tin cá nhân; bị gạ gẫm, xâm hại tình dục; bị dụ dỗ, lôi kéo truy cập vào trang có thông tin xấu độc, hoặc nội dung lừa đảo…
Sự xâm hại với trẻ em qua môi trường mạng nguy hiểm không kém gì đời thực, bởi những hình ảnh, clip được phát tán khắp nơi, có thể hiện hữu bất cứ lúc nào, gây tổn thương dai dẳng cho trẻ. Theo số liệu từ Bộ Công an, trong khoảng hơn 1.500 vụ việc liên quan trẻ em mỗi năm, số lượng vụ việc về tội phạm xâm hại trẻ em trên môi trường mạng chiếm tỷ lệ không nhỏ.
Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng (giai đoạn 2021 - 2025) vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tháng 6-2021 (tại Quyết định số 830/QĐ-TTg) chính vì vậy đã nhanh chóng được dư luận đặc biệt quan tâm, nhất là các bậc phụ huynh và các thầy, cô giáo.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chương trình ở cấp quốc gia về riêng vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, với sự vào cuộc của các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo và Công an; đồng thời có sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp thông tin và truyền thông, các cơ quan báo chí cùng tham gia, triển khai.
Mục tiêu của chương trình là bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em khi tham gia các hoạt động trên môi trường mạng, đồng thời ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm đối với trẻ em dưới mọi hình thức. Bên cạnh đó, còn có việc trang bị kiến thức, kỹ năng số cho trẻ em theo từng độ tuổi, cách thức nhận diện, thông báo, tố giác hành vi, vụ việc xâm hại trẻ em trên môi trường mạng để tự bảo vệ mình và biết cách tương tác an toàn trên môi trường mạng…
Để thực hiện hiệu quả mục tiêu, chương trình sẽ triển khai các giải pháp như thiết lập các kênh thông tin thân thiện để tiếp nhận phản ánh theo hướng tích hợp thành một đầu mối duy nhất; có cơ chế kết nối để các nhà cung cấp dịch vụ nội dung trên internet có thể tích hợp chế độ báo cáo tự động về các nội dung nguy hại, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng về cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đưa vào sử dụng trong ngành giáo dục và đào tạo các phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, các kho học liệu, xuất bản phẩm điện tử nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập trên môi trường mạng, đồng thời quản lý tốt việc học sinh truy cập mạng, đổi mới cách thức tương tác giữa nhà trường với gia đình và học sinh.
Chương trình cũng khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ số, nội dung số, truyền thông số Việt Nam phát triển, làm chủ các công nghệ bảo vệ, hỗ trợ trẻ em và các ứng dụng, nội dung giúp trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.
Trong các biện pháp tổng thể để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng thì vai trò giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội là rất quan trọng. Ba yếu tố giáo dục này sẽ giúp cho trẻ em hình thành bộ lọc, một “hệ miễn dịch số” theo từng lứa tuổi, phù hợp chuẩn mực đạo đức, văn hóa trong giai đoạn hiện nay, để trẻ em có thể biết tự bảo vệ bản thân trên môi trường mạng. Đây là giải pháp căn cơ, cần được thực hiện thường xuyên, đồng bộ và lâu dài.
Chương trình bảo vệ, hỗ trợ trẻ em trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025 vừa được phê duyệt là hết sức thiết thực, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc xây dựng một môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ em.