Cấp thiết bảo vệ nguồn nước

Việt Nam đang ở cao điểm của mùa khô khốc liệt nhất trong nhiều năm, nhiều nơi thiếu nước nghiêm trọng, hạn hán, xâm nhập mặn và khô hạn. Thiếu nước có thể sẽ trở thành trở ngại cho sự phát triển của đất nước và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Cà Mau vận chuyển nước sinh hoạt để “cứu khát” cho người dân. Ảnh: TÙNG HỮU
Cà Mau vận chuyển nước sinh hoạt để “cứu khát” cho người dân. Ảnh: TÙNG HỮU

Tác nhân gây thiếu nước thêm trầm trọng

Theo Trung tâm Quốc gia nước sạch và Vệ sinh môi trường Nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), 5 tỉnh Tây Nguyên và 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang trong cao điểm của mùa khô khốc liệt nhất trong nhiều năm. Độ nhiễm mặn, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL vào vùng đất liền là 4%o, tương đương với năm 1916, tức là ở mức nhiễm mặn rất nặng và khốc liệt, 100 năm mới xảy ra một lần.

Ông Nguyễn Thành Luân, Giám đốc Trung tâm cho rằng, do tình trạng biến đổi khí hậu, dưới tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu El Nino, từ giữa tháng 12/2023 cho đến nay, lượng mưa ở Việt Nam rất ít dẫn đến nguồn nước ở vùng núi phía bắc, ở Tây Nguyên cũng như ĐBSCL bị hạn chế rất nhiều. Không có nguồn nước nên nước biển xâm nhập mặn vào trong đất liền khoảng 40-66 km đã ảnh hưởng lớn đến nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Còn về chủ quan, chính những tác động của con người đã làm trầm trọng hơn tình trạng này. Tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, Tây Nam Bộ tình trạng mất rừng và khai thác nước ngầm quá mức đã khiến hạn hán nặng nề hơn. Tình trạng thiếu nước ngọt trở nên nghiêm trọng, với quy mô lớn hơn.

Đơn cử, vùng ven biển miền trung có đến 3.700 ha hồ nuôi tôm trên cát. Trong những ngày nắng nóng, nước đưa vào các hồ nuôi tôm được lấy từ việc khai thác nước ngầm qua các giếng khoan. Mỗi hồ ít nhất phải có hai giếng. Người nuôi tôm không mấy ai bận tâm rằng, việc khoan giếng ảnh hưởng đến nước ngầm trong vùng hay không. Mối quan tâm lớn nhất của họ là làm sao có nguồn nước tốt nhất để nuôi tôm. Cạn kiệt nước ngầm, xâm nhập mặn vùng ven biển bởi vậy đang là nguy cơ rất lớn ở đây.

Còn ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, hạn trong mùa khô đã lặp đi lặp lại hằng năm. Như hồ Đankia - Suối Vàng, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng càng về sau, cứ đến mùa khô, hồ lại càng dễ bị cạn nước. Nguyên nhân là bồi lắng đã làm giảm khả năng tích nước, kéo theo hệ lụy cứ đến mùa khô là hồ cạn nước.

Theo người dân trong vùng, rừng thông trước đây đã bị “xóa sổ” để thay thế cho những công trình nhà kính trồng rau, trồng hoa. Do không còn hồ để giữ nước nên đã gia tăng xói lở, gây bồi lắng dưới lòng hồ, gia tăng mức độ suy kiệt lượng nước ở 230 hồ chứa trên địa bàn tỉnh.

Để chống hạn, nhiều nông dân phải khoan giếng. Theo tính toán của các nhà khoa học, cả vùng Tây Nguyên mỗi ngày có đến 1,5 triệu m3 nước lấy lên khỏi lòng đất. “Dùng nước ngầm để tưới trong nông nghiệp là điều cực kỳ cấm kỵ bởi nước ngầm khai thác rồi thì còn đâu nước trữ dưới lòng đất”, PGS, TS Nguyễn Mộng Sinh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng cảnh báo.

Gần một nửa dân số ở các tỉnh miền núi vẫn chưa được sử dụng nước sạch, bởi hành trình đưa nước sạch về vùng cao còn khá gian nan. Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Yên Bái, hiện hơn 90% dân số nông thôn và miền núi của địa phương này đã được cấp nước hợp vệ sinh. Tuy nhiên nước hợp vệ sinh tại đây vẫn là nước tự chảy từ khe núi. Tại huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái với độ cao hơn 1.000 m so mực nước biển, các hộ trong bản nằm cách xa nhau hàng trăm mét, việc xây dựng các công trình cấp nước sạch tập trung tại đây cũng chưa thể triển khai.

Theo Trung tâm Quốc gia nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, hiện gần 45% công trình cấp nước tập trung trên cả nước hoạt động kém hiệu quả hoặc không còn hoạt động. Nguyên nhân chủ yếu là các công trình quy mô nhỏ đã được xây dựng trên 15 năm ở vùng sâu, vùng xa không có đủ kinh phí để duy tu, bảo dưỡng. “Các địa phương khi đầu tư phải căn cứ vào nhu cầu sử dụng nước của người dân, bảo đảm lượng người sử dụng trên 60% vùng dự án thì mới bắt đầu tiến hành xây dựng”, ông Nguyễn Thành Luân cho biết.

Cấp thiết bảo vệ nguồn nước ảnh 1

Tuyến kênh nội đồng ở huyện Tam Nông (Đồng Tháp) đã cạn nước. Ảnh: TTXVN

Phải bảo vệ nguồn nước ngầm

Ngày 22/3 hằng năm được chọn là Ngày Nước Thế giới. Năm nay, với chủ đề “Nước cho hòa bình”, LHQ muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của tài nguyên nước bởi khi nguồn nước bị ô nhiễm hoặc khan hiếm, mọi người không có khả năng tiếp cận nước an toàn và bình đẳng thì có thể là nguyên nhân gây ra những căng thẳng trong cộng đồng.

Theo báo cáo của Ủy ban về nước của LHQ, hiện hơn 3 tỷ người trên thế giới phụ thuộc vào nguồn nước xuyên biên giới. Việt Nam có hơn 3.400 con sông với chiều dài trên

10 km trở lên nhưng nguồn nước mà chúng ta sử dụng chiếm đến 60% nguồn nước là từ bên ngoài. Còn ở ĐBSCL là tới 95%, chủ yếu từ nước ngoài chảy vào. Vì vậy nguồn nước ngầm vô cùng quan trọng.

“Thực trạng khai thác nước ngầm ở Việt Nam là tương đối bừa bãi, đặc biệt những năm trước đây, việc quản lý khai thác chưa đi vào quy mô, quy củ nên dân tự động khoan giếng để khai thác nước, ngoài nước sinh hoạt ra còn khai thác nước để sản xuất, gây lãng phí rất lớn khiến nguồn nước ngầm bị suy kiệt và ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh nguồn nước”, ông Nguyễn Thành Luân đánh giá.

Tại Việt Nam hiện nay, nhiều dòng sông ô nhiễm nghiêm trọng tới mức chỉ còn là kênh thoát nước thải mà nguyên nhân do hoạt động của con người là chủ yếu. Nguồn nước bị ô nhiễm này đã ảnh hưởng rất nhiều tới vấn đề sản xuất, chăn nuôi. Đặc biệt chăn nuôi về thủy sản và sản xuất nông nghiệp sử dụng nguồn nước rất lớn (chiếm tới 92%). Điều này dẫn đến năng suất giảm, chất lượng sản phẩm giảm, không xuất khẩu được và ảnh hưởng đến GDP của nền kinh tế. Hiện nay, lượng nước thải trong sinh hoạt và sản xuất hầu như chưa được xử lý và thải ra tất cả các sông suối gây ô nhiễm các nguồn nước. Chính vì thế, việc quản lý nước thải khi xả vào nguồn là một vấn đề rất cấp thiết và quan trọng. Có ý kiến cho rằng, cần phải kiểm soát chặt chẽ vấn đề này. Nước thải phải bảo đảm được quy chuẩn thì mới cho xả xuống nguồn. Có như vậy, chúng ta mới có thể duy trì được nguồn nước tự nhiên.

Liên quan đến việc thiếu nước tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, nhiều chuyên gia cho rằng, người dân ở đây đời sống còn khó khăn nên việc phải chi trả tiền nước (nếu giá thành cao) thì khó đáp ứng được. Vì vậy, nguồn thu từ các công trình cấp nước tập trung đã được xây dựng để quản lý, vận hành và bảo dưỡng là không đủ. Chính vì vậy, công trình ngày càng xuống cấp dẫn đến hư hỏng. Do việc xây dựng đầu tư công trình cấp thoát nước ở miền núi, Nhà nước phải đầu tư vì kinh phí lớn, quản lý vận hành cũng lớn, công trình này sau đó nên giao cho một đơn vị sự nghiệp hay công ích đứng ra quản lý vận hành để cung cấp nước cho người dân. Trong quá trình quản lý vận hành và bảo dưỡng đã có quy định Nhà nước sẽ bù lỗ để công trình hoạt động bền vững.

Điểm cốt lõi của Luật Tài nguyên nước năm 2023 được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2023, là “Bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia” gồm: Cấm lấp sông, suối, kênh, rạch trái phép; Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia phục hồi “sông chết”; Chính sách ưu đãi với dự án cấp nước cho vùng sâu, vùng xa; Chính sách sử dụng nước tuần hoàn; Hộ gia đình khoan giếng để lấy nước sinh hoạt phải kê khai; Rút ngắn thời hạn của giấy phép khai thác tài nguyên nước; 11 trường hợp không cần kê khai, đăng ký, có giấy phép khai thác nước; Các trường hợp được miễn, giảm tiền cấp quyền khai thác nước.