Chung quanh bức ảnh Những đứa trẻ bên hồ Gươm của nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng

Chung quanh bức ảnh Những đứa trẻ bên hồ Gươm của nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng

NDO - Tác giả bức ảnh Những đứa trẻ bên hồ Gươm cho rằng ông đã có sự nhầm lẫn về mặt thời gian khi xác định tác phẩm ra đời trong giai đoạn năm 1954. Tuy nhiên, không thể phủ nhận giá trị thẩm mỹ, cũng như lịch sử của bức ảnh này.

MỘT VÀI THÔNG TIN VỀ BỨC ẢNH NHỮNG ĐỨA TRẺ BÊN HỒ GƯƠM

Trong lần trả lời phỏng vấn Báo Nhân Dân dịp 10/10/2022, nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng - người đã yêu Hà Nội bằng cả trái tim, đã cung cấp thông tin về bức ảnh Những đứa trẻ bên Hồ Gươm (Còn có tên khác Những đứa trẻ sáng mùa thu). Vào thời điểm này, ông cho rằng, bức ảnh được chụp trong bối cảnh những năm 1954.

Bức ảnh ghi lại cảnh một nhóm trẻ gồm 7 người, trong đó có 3 em đứng dưới nước, quần xắn cao quá gối. 4 người còn lại đang vắt vẻo trên một cành phượng sà xuống mặt hồ Hoàn Kiếm. Tất cả đều nở nụ cười ngây thơ, trong sáng. Hậu cảnh là Tháp Rùa cổ kính cùng mặt nước hồ trong veo.

Chung quanh bức ảnh Những đứa trẻ bên hồ Gươm của nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng ảnh 1

Ảnh: Nghệ sĩ Quang Phùng cung cấp.

Ảnh được chụp theo khổ dọc, bằng ống kính tele với tiêu cự 135mm. Nước ảnh đen trắng. Theo tác giả, bức ảnh này lần đầu xuất hiện là khi được Sở Văn hóa Hà Nội sử dụng để thông tin, triển lãm về ngày Giải phóng Thủ đô. Cũng từ đó, bản thân ông cũng như mọi người đều đinh ninh thời điểm chụp rơi vào giai đoạn những ngày đầu Giải phóng Thủ đô.

Nhiều năm về sau, nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng đã tập hợp và đưa bức ảnh này vào bộ ảnh ký sự nhân dịp Kỷ niệm Giải phóng Thủ đô. Tới năm 2012, bộ ảnh này lần đầu tiên xuất hiện trên Báo Tuổi trẻ Cuối tuần dưới tên Quang Phùng, nhân dịp Kỷ niệm 62 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2012).

TÁC GIẢ CÓ SỰ NHẦM LẪN VỀ MỐC THỜI GIAN?

Tuy nhiên, vừa qua, một số thông tin trên mạng xã hội cho rằng thời điểm chụp bức ảnh mà tác giả Quang Phùng đưa ra có phần chưa chính xác. Với tinh thần cầu thị, lắng nghe và luôn luôn tôn trọng sự thật khách quan, chiều 18/9, phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi với anh Nguyễn Việt Phú, người đã trực tiếp chứng kiến bức ảnh ra đời.

"Các nhân vật trong bức ảnh này đều là bạn học của tôi. Vào thời điểm này, các bạn đang là học sinh lớp 8D1 trường Trung học cơ sở Hoàn Kiếm. Do đó, thời điểm chụp ảnh này vào khoảng năm 1987, khi cả lớp đang chuẩn bị thi vào cấp 3 chứ không phải giai đoạn những năm 1954", anh Phú thông tin.

Anh Phú cũng gửi kèm 2 bức ảnh chụp tập thể lớp 8D1 vào năm 1987 để so sánh.

Chung quanh bức ảnh Những đứa trẻ bên hồ Gươm của nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng ảnh 2 Chung quanh bức ảnh Những đứa trẻ bên hồ Gươm của nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng ảnh 3

Theo anh Phú, cô bé đu cây (thứ hai từ trái sang) và nhân vật cầm quả bóng trong bức ảnh chung của lớp 8D1 chính là cùng một người. Còn người đứng ngay cạnh bên phải là cô bé đang cười trên cành phượng trong bức ảnh của nghệ sĩ Quang Phùng.

Thông tin thêm, anh Phú cho biết, trong nhiều năm cấp 2, nhóm của anh thường hay ra bờ hồ để chơi trước khi vào lớp học thêm vào buổi chiều.

"Lớp chúng tôi thuộc khóa 1984-1987, cô Chủ nhiệm là cô Bùi Bình An. Học sinh toàn ở các phố Lý Quốc Sư, Tràng Thi, Chân Cầm... nên bờ hồ Hoàn Kiếm là sân chơi chính", anh Phú nói thêm.

Lý do dù nhiều năm đi qua, anh Phú vẫn nhớ ra là ngay sau khoảnh khắc bức ảnh được chụp, cành phượng đã gãy. Cả nhóm trong ảnh đều rơi hết xuống hồ. Đặc biệt, các nhân vật trong ảnh đều vẫn còn đầy đủ và có thể xác nhận thông tin.

Chung quanh bức ảnh Những đứa trẻ bên hồ Gươm của nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng ảnh 4

Bức ảnh tập thể lớp 8D1 năm 1987, trong đó có 7 nhân vật chính trong bức ảnh đang bị nhầm lẫn về mốc thời gian của nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Phóng viên tiếp tục liên hệ với chị Bùi Thị Mai Phương, nhân vật "rõ mặt" nhất trong bức ảnh của nghệ sĩ Quang Phùng. Nhiều năm qua, chị Phương đã định cư tại Canada và vừa trở về Hà Nội trong một vài ngày gần đây.

Khẳng định với phóng viên Báo Nhân Dân, chị Phương nói: Chị chính là "cô bé" trên cây, đang cười và nhìn thẳng vào ống kính.

"Cành phượng này, chúng tôi đã đu 1-2 năm. Lúc đầu cành phượng rất cao, nhưng sau đó thấp dần xuống và rồi... gãy vào đúng sau khi bức ảnh được chụp", chị cười nói.

CÁI KẾT ĐẸP CHO SỰ NHẦM LẪN

Chia sẻ thêm, anh Việt Phú khẳng định: Việc anh phản hồi thông tin về bức ảnh chỉ nhằm giúp mọi người hiểu hơn về bối cảnh chính xác của một tư liệu quý giá.

"Ảnh cụ Quang Phùng chụp chung quanh hồ Hoàn Kiếm có lẽ có tới hàng chục nghìn tấm nên việc nhầm lẫn có thể xảy ra. Bản thân tôi cũng là người cầm máy, nên để nhớ hết tất cả các cú bấm, đặc biệt với ảnh đường phố vô cùng khó khăn", anh Phú nói.

Anh cho biết, bản thân anh và các bạn cùng lớp 8D1 rất vui vì lớp có thêm một tấm ảnh quý giá để lưu giữ. Ngoài giá trị về nghệ thuật, bức ảnh còn mang theo "ký ức" không thể phai của các anh, chị.

Trong khi đó, phải mất rất lâu "lục tìm lại" trí nhớ đã dần bị mờ nhòe đi theo năm tháng, lão nghệ sĩ Quang Phùng mới có thể "mang máng" nhận ra sự xê dịch và nhầm lẫn thời gian của mình đối với bức ảnh đặc biệt này.

Chung quanh bức ảnh Những đứa trẻ bên hồ Gươm của nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng ảnh 5

Nghệ sĩ Quang Phùng bên bức ảnh của mình.

Không sử dụng điện thoại cá nhân, máy tính,... nghệ sĩ Quang Phùng đón chúng tôi khi bên ngoài trời cơn mưa đang sầm sập ập tới. Mở đầu câu chuyện, lão nghệ sĩ năm nay đã 91 tuổi cười bảo: Trải qua hai lần tai biến và sự "va chạm" với thời gian, tới nay, "đầu óc mình chỉ còn được khoảng 50%".

Ông bảo, dù vẫn đau đáu tình yêu với Hà Nội, nhưng từ nhiều năm nay, ông đã không còn có thể mang chiếc máy Leika cũ kĩ của mình đi ghi lại những nhịp đập hàng ngày của Thủ đô nữa. Gánh nặng thời gian đè trĩu lên người nghệ sĩ hết lòng yêu Hà Nội, khiến dáng đi của ông cũng trở nên run run, hao gầy.

Chung quanh bức ảnh Những đứa trẻ bên hồ Gươm của nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng ảnh 6

Chiếc túi vải trước ngực luôn được lão nghệ sĩ già đựng một chiếc máy ảnh có tuổi đời hàng chục năm. Nhưng gánh nặng thời gian đã khiến ông không còn rong ruổi trên những con đường của Hà Nội như trước kia được nữa.

Kể lại với chúng tôi, lão nghệ sĩ già tâm sự: "Ảnh này lần đầu tiên được Sở Văn hóa Hà Nội dùng và được ghi chụp ngày 10/10. Giờ nghĩ lại, tôi cho chưa chắc đã phải. Ngày xưa mình chụp có ghi tháng ngày bao giờ đâu. Ngay cả ảnh gia đình mình, sau 1-2 năm nhìn lại cũng không nhớ chính xác chụp vào lúc nào".

Ông tâm sự: Về sau, ông tập hợp 6 ảnh, đưa vào ký sự ảnh về ký ức những ngày Giải phóng Thủ đô. Bộ ảnh có nhân vật chủ yếu là các em nhỏ, như biểu tượng của hòa bình, khát vọng vươn lên để chạm vào cảm xúc và trái tim của người xem theo cách "hoàn toàn không có sự sắp đặt".

"Mục đích của tôi là chụp những khoảnh khắc gây xúc cảm cho bạn đọc về Hà Nội nói chung, để thấy được sự quý giá cả hòa bình, lấy xúc cảm làm cốt lõi", nghệ sĩ Quang Phùng nói.

Ông cũng thông tin: Do thời gian đã trải qua quá lâu, bản thân chụp đến hàng trăm nghìn tấm ảnh "đường phố"; đặc biệt trải qua 2 lần tai biến và ở độ tuổi ngoài 90, nên trí nhớ của lão nghệ sĩ yêu Hà Nội đến từng nhịp đập đã có phần không chuẩn. Thông qua Báo Nhân Dân, ông gửi lời cảm ơn đến những người đã yêu mến và cung cấp thêm thông tin để hoàn thiện tác phẩm, dù đã nhiều năm trôi qua.

Chung quanh bức ảnh Những đứa trẻ bên hồ Gươm của nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng ảnh 7

Một tấm ảnh quý giá khác trong bộ ảnh kỷ niệm về Giải phóng Thủ đô của nghệ sĩ Quang Phùng.

Chị Mai Phương, từ Canada trở về Hà Nội và anh Việt Phú, những người "góp mặt" trong câu chuyện vui về Những đứa trẻ bên hồ Gươm cũng gửi lời chúc sức khỏe tới nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng. Các anh chị cũng đánh giá cao những đóng góp lặng lẽ của lão nghệ sĩ với Hà Nội trong suốt những năm tháng đã qua.

Hai bên đồng thời mong muốn sẽ có một cuộc hạnh ngộ sớm nhất để cùng ngồi lại với nhau, cùng xem những bức ảnh "cụ già Hà Nội" chụp để xem liệu còn khoảnh khắc nào mà các anh, chị còn xuất hiện nữa hay không.

Với cá nhân người viết bài này, có lẽ, buổi gặp đó sẽ là một cái kết nhân văn và đẹp nhất cho sự nhầm lẫn này - một cuộc hội tụ của những người luôn mang trong mình tình yêu tha thiết với Hà Nội, với quê hương.

Với những đóng góp của mình, Nghệ sĩ Quang Phùng đã vinh dự được nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội (năm 2013). Ông còn được trao Huy chương Vì sự nghiệp An ninh Tổ quốc - Bộ Công an, Huy chương Vì sự nghiệp Ngoại giao Việt Nam - Bộ Ngoại giao, Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam - Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Huy chương Vì sự phát triển của Nhiếp ảnh Việt Nam - Hội Nhiếp ảnh Việt Nam...

Đặc biệt, ngay trong dịp kỷ niệm 68 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2022), Nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng cũng vinh dự được trao tặng danh hiệu Công dân ưu tú Thủ đô năm 2022.

back to top