Người ghi ký ức ngày tiếp quản Thủ đô bằng ảnh

Người ghi ký ức ngày tiếp quản Thủ đô bằng ảnh

NDO - Ở tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Quang Phùng vẫn nhớ như in những ngày tháng 10 lịch sử của Thủ đô Hà Nội 68 năm về trước. Những ký ức hào hùng được ông lưu giữ trong bộ ảnh tư liệu quý giá của riêng mình.

Người giữ sử tháng Mười bằng… ảnh

Căn phòng làm việc của nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng nằm trong xóm Hạ Hồi (Hoàn Kiếm, Hà Nội) được bao bọc bởi những tập ảnh xếp dày san sát nhau. Năm nay đã vừa tròn 90 tuổi, nhưng ngày ngày, ông vẫn thong dong trong lòng Hà Nội để cần mẫn ghi lại những khoảng khắc đời thường của Thủ đô.

Nở một nụ cười hiền hậu đón khách, ông kể: Tình yêu với đất và người Thăng Long đã ngấm vào ông từ những ngày còn thơ bé. Một góc phố thân quen cũ kĩ rêu phong, một dải tàu điện leng keng vang lên bên bờ Hồ Hoàn Kiếm, mùi hoa sữa nồng nàn mỗi khi thu về… Tất cả lắng lại thành thứ tình cảm nhẹ nhàng mà da diết nhất.

Người ghi ký ức ngày tiếp quản Thủ đô bằng ảnh ảnh 1

Với Nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng, Hà Nội đã trở thành một phần máu thịt

Trong suốt hàng chục năm cầm máy ghi lại những nhịp đập của thành phố trái tim cả nước, nghệ sĩ Quang Phùng đặc biệt không thể quên giây phút lịch sử khi quân ta tiến vào tiếp quản Thủ đô năm 1954.

Dừng lại một lát, ông kể: Vốn sinh năm 1932, cụ thân sinh của ông là Tri phủ Hoài Đức, thân mẫu là một thục nữ nức tiếng Hà Thành bán giấy mực ở phố Hàng Gai. Thuở nhỏ, ông được mẹ cho học tại trường Kỹ nghệ thực hành do người Pháp dạy ở Quang Trung.

Tới năm 1948, Quang Phùng bắt đầu tham gia hoạt động nội thành Việt Minh. Khi phong trào lên cao vào đầu những năm 1950, chàng trai trẻ khi ấy mới hơn 20 tuổi đã là thành viên tích cực của các hội, đoàn học sinh, sinh viên cứu quốc. Trong những cuộc biểu tình phản đối chế độ thực dân Pháp ngày ấy, ông luôn ở vị trí hàng đầu.

Người ghi ký ức ngày tiếp quản Thủ đô bằng ảnh ảnh 2
Mặc dù đã 68 năm đi qua, nhưng lão nghệ sĩ Quang Phùng vẫn nhớ như in buổi sáng tháng Mười năm 1954.

“Vào thời điểm này, cả gia đình tôi đã di cư vào miền Nam nhưng tôi xin được ở lại. Bây giờ nghĩ lại, đó như mối lương duyên để nối dài tình yêu của tôi với Hà Nội tận cho tới lúc này”, lão nghệ sĩ 90 tuổi trầm ngâm nhớ lại.

Do thông thạo ngoại ngữ, biết đánh máy chữ và đặc biệt… có thể chụp ảnh nên ông được tham gia giúp việc cho Ủy ban quốc tế về Giám sát và Kiểm soát tại Việt Nam. Ngày đó, chàng trai trẻ hơn 20 tuổi ngày ngày cầm máy, ghi lại những hình ảnh quân đội Pháp trước ngày quân ta tiếp quản Thủ đô.

Trong suốt hàng chục năm cầm máy ghi lại những nhịp đập của thành phố trái tim cả nước, nghệ sĩ Quang Phùng đặc biệt không thể quên giây phút lịch sử khi quân ta tiến vào tiếp quản Thủ đô năm 1954.

Trước đó, sau thất bại toàn diện tại Điện Biên Phủ, thực dân Pháp đã phải ký Hiệp định Genève công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Quân đội Pháp cũng phải rút quân ra khỏi miền Bắc. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Ðảng, quân và dân Hà Nội đã chủ động chuẩn bị lực lượng về mọi mặt để tiếp quản Thủ đô.

Ngày 8/10/1954, các đơn vị quân đội bắt đầu chia nhau theo nhiều tuyến đường tiến vào Hà Nội. Sớm hôm đó, Quang Phùng trở dậy từ tờ mờ, ăn mặc chỉnh tề, đeo thẻ nhà báo và xách máy ảnh bắt đầu hành trình đặc biệt ghi lại khoảng khắc giao thời của mảnh đất nghìn năm văn hiến.

Nhấp một ngụm nước, lão nghệ sĩ già nhìn ra xa xăm, mắt khẽ nheo nheo. Những ký ức trong phút chốc như dồn về, khiến ông hoạt bát hẳn. Ông bảo, khắp các ngã tư, ngã năm bữa ấy đều không còn bóng dáng của những xe tăng, xe thiết giáp như bình thường. Các ụ súng cũng bỏ không. Người Pháp đã không có ý định chống trả khi quân ta tiến vào.

Người ghi ký ức ngày tiếp quản Thủ đô bằng ảnh ảnh 3

Một đơn vị bộ đội ta qua cầu Long Biên vào tiếp quản Hà Nội trước sự chứng kiến của đoàn Ủy ban quốc tế thi hành Hiệp định Genève và quan sát viên quốc tế, chiều 9/10/1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

“Ngày 8 và 9/10, tôi được giao 10 cuộn phim với nhiệm vụ chụp tất cả các điểm có quân Pháp trú đóng ở Hà Nội. Sau 2 ngày, cả 10 cuộn phim đều hết”, nghệ sĩ kể.

Cũng trong ngày 9/10, bộ đội ta đã bắt đầu tiến vào năm cửa ô rồi tỏa đi các nơi, lần lượt tiếp quản nhà ga, phủ Toàn quyền, khu Đồn Thủy, Bờ Hồ, phủ Thống sứ. Đúng 16 giờ chiều cùng ngày, những lính Pháp cuối cùng rời khởi thành phố qua cầu Long Biên. Bộ đội đi tới đâu, nhân dân đổ ra hai bên đường reo mừng không ngớt đến đó. Khẩu hiệu, cờ hoa rực rỡ khắp các nẻo đường. Trong không khí ấy, lòng chàng trai trẻ Quang Phùng cũng phơi phới tươi vui.

Chuyện đằng sau tấm ảnh

Tới sáng 10/10, một không khí náo nức chưa từng có đã diễn ra tại Hà Nội. Từ sớm, người Hà Nội đã quần áo chỉnh tề, mang ảnh Bác Hồ treo trên từng công sở, xí nghiệp, trường học và khu phố. Nhân dân cũng tập trung lại ở những con đường được thông báo trước là bộ đội sẽ hành quân qua.

“Trong niềm hân hoan và đợi chờ, những đoàn xe đầu tiên đã tiến vào thành phố. Đoàn đầu tiên do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ và bác sĩ Trần Duy Hưng dẫn đầu đi qua phố Hàng Đường, Hàng Đào và trung tâm thành phố. Sau đó, các cánh quân, các đoàn cơ giới và pháo binh cùng tiến vào thành. Tới 15 giờ, còi Nhà hát Lớn nổi lên một hồi dài, nhân dân Hà Nội trang nghiêm dự lễ chào cờ lịch sử tại sân vận động Cột Cờ. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên đỉnh Cột Cờ cổ kính”, ông Phùng kể lại.

Người ghi ký ức ngày tiếp quản Thủ đô bằng ảnh ảnh 4

Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Đại đoàn 308, Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô, tại Lễ chào cờ đầu tiên trong Ngày giải phóng Hà Nội, diễn ra tại sân Cột Cờ (nay là Đoan Môn - Hoàng thành Thăng Long) vào lúc 15 giờ ngày 10/10/1954. Ảnh: Tư liệu/TTXVN

Hòa vào niềm vui chung ấy, chàng trai trẻ 22 tuổi cũng vẫn mang theo máy ảnh để “săn” những hình ảnh đời thường trong ngày trọng đại của thành phố. Mang cho chúng tôi xem bức ảnh những đứa trẻ đánh đu trên cành cây sát ven hồ Gươm, ông cho hay: Đúng 6 giờ sáng 10/10/1954, ông ra Bờ Hồ và thấy nhóm bảy đứa trẻ đã có mặt tự bao giờ. Các em trèo lên một cành cây lớn mọc sát mặt hồ, 3 em đứng dưới, quần xắn cao quá gối. 4 người còn lại đang vắt vẻo phía trên. Tất cả đều nở nụ cười ngây thơ, trong sáng.

Người ghi ký ức ngày tiếp quản Thủ đô bằng ảnh ảnh 5

Những đứa trẻ bên Hồ Gươm (Ảnh: Nghệ sĩ Quang Phùng)

“Khi ấy, tôi có chụp lại rồi hỏi: ‘Các cháu ra đây làm gì sớm vậy?’. Một cháu đáp: ‘Chúng cháu ở đây đợi bố’. Về sau tôi mới biết, trong số 7 nhân vật ấy, chỉ có 3 người được đón thân nhân trở về. Số còn lại, bố các em đều đã hy sinh”, tay máy 90 tuổi kể lại, giọng rưng rưng.

Cũng trong bộ ảnh Hà Nội ngày 10/10 lịch sử ấy, nghệ sĩ Quang Phùng đã ghi lại cảnh một đôi vợ chồng trẻ cùng chiếc xe đạp. Người chồng chở vợ mang thai đi dạo trong ngày vui của Thủ Đô. Họ ngồi lại ven hồ, trên một chiếc ghế đá, thảnh thơi và bình yên như chính những ngày Tháng Mười lịch sử.

Người ghi ký ức ngày tiếp quản Thủ đô bằng ảnh ảnh 6
Niềm vui bình dị trong ngày Giải phóng Thủ đô. (Ảnh: Nghệ sĩ Quang Phùng)

“Hà Nội hôm ấy vui và đẹp lắm. Đời tôi không biết đã bao nhiêu ngàn lần dạo hồ Gươm, nhưng cuộc dạo quanh hồ sáng 10/10/1954 chắc chắn là đẹp và đáng nhớ nhất”, ông trầm ngâm, tâm sự.

Ở tuổi 90, lão nghệ sĩ lão thành vẫn giữ thói quen sinh hoạt như những ngày còn trẻ. Ông vẫn chống ba toong, đeo trên cổ chiếc máy ảnh Leica rồi lọc cọc dạo quanh Hồ Hoàn Kiếm để cặm cụi ghi lại những nhịp thở phập phồng của thành phố ông chót mang lòng yêu thương. Với tấm lòng và tinh thần làm việc nghiêm túc ấy, ông được nhiều người gọi bằng biệt danh: Nghệ sĩ nhiếp ảnh của riêng Hà Nội. Suốt hàng chục năm cầm máy, ông đã có nhiều bộ ảnh lớn mà hầu hết đều gắn liền với Hà Nội.

Có thể kể đến các triển lãm: Hoa rơi mặt hồ; Sách ảnh cá nhân Dạo quanh Hồ Gươm cùng những bộ ảnh lớn như Hà Nội, 36 phố phường gồm 5.000 ảnh chọn lọc.

Với những đóng góp của mình, Nghệ sĩ Quang Phùng đã vinh dự được nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội (năm 2013). Ông còn được trao Huy chương Vì sự nghiệp An ninh Tổ quốc - Bộ Công an, Huy chương Vì sự nghiệp Ngoại giao Việt Nam - Bộ Ngoại giao, Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam - Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Huy chương Vì sự phát triển của Nhiếp ảnh Việt Nam - Hội Nhiếp ảnh Việt Nam...

Đặc biệt, ngay trong dịp kỷ niệm 68 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2022), Nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng cũng vinh dự danh hiệu Công dân ưu tú Thủ đô năm 2022.

Bức ảnh "Những đứa trẻ bên Hồ Gươm" trong bài báo lúc đầu được chú thích thời điểm chụp vào năm 1954 theo trí nhớ của nghệ sĩ Quang Phùng. Tuy nhiên, anh Nguyễn Việt Phú, người trực tiếp chứng kiến bức ảnh ra đời cho biết: "Các nhân vật trong bức ảnh này đều là bạn học của tôi. Vào thời điểm này, các bạn đang là học sinh lớp 8D1 trường Trung học cơ sở Hoàn Kiếm. Do đó, thời điểm chụp ảnh này vào khoảng năm 1987, khi cả lớp đang chuẩn bị thi vào cấp 3 chứ không phải giai đoạn những năm 1954".

Theo nghệ sĩ Quang Phùng, do thời gian đã trải qua quá lâu, bản thân chụp đến hàng trăm nghìn tấm ảnh; đặc biệt trải qua 2 lần tai biến và ở độ tuổi ngoài 90, nên trí nhớ có phần không chuẩn. Thông qua Báo Nhân Dân, ông gửi lời cảm ơn đến những người đã yêu mến và cung cấp thêm thông tin để hoàn thiện tác phẩm, dù đã nhiều năm trôi qua.

back to top