Chuẩn bị Văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố bảo đảm tiến độ, chất lượng

Cùng với việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn, các cấp ủy tập trung chuẩn bị cho công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ 18, nhiệm kỳ 2025-2030; trong đó, dự thảo Văn kiện Đại hội đang được khẩn trương xây dựng bảo đảm tiến độ, chất lượng cao.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Hội nghị lần thứ 18 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội. (Ảnh THÀNH NGUYỄN)
Quang cảnh Hội nghị lần thứ 18 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội. (Ảnh THÀNH NGUYỄN)

Theo đánh giá của Thành ủy Hà Nội, Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước chủ động trước một bước trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc chuẩn bị Đại hội Đảng bộ cấp tỉnh. Thành ủy đã thành lập các Tiểu ban (Tiểu ban Văn kiện Đại hội, Tiểu ban Nhân sự Đại hội và Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội); tiếp đó, các Tiểu ban thành lập bộ phận giúp việc, ban hành quy chế làm việc, kế hoạch hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên.

Tiểu ban Văn kiện đã chủ động xây dựng, hoàn thiện Chủ đề, phương châm Đại hội, Đề cương chi tiết Báo cáo chính trị để trình Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố xem xét, cho ý kiến sau khi tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp của các đồng chí nguyên lãnh đạo Thành ủy, các chuyên gia, nhà khoa học (sớm hơn hai tháng so với kế hoạch của Thành ủy).

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, dự thảo Đề cương Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 18 được bố cục theo kết cấu gồm hai phần: Phần thứ nhất là đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025. Phần thứ hai là mục tiêu tổng quát; những chỉ tiêu chính, nhiệm vụ chủ yếu, khâu đột phá và những giải pháp trọng tâm của Thủ đô giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 18 được xây dựng trong điều kiện thuận lợi, hội tụ đầy đủ các cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý quan trọng trong việc đánh giá kết quả và các phương hướng, mục tiêu, định hướng phát triển của Thủ đô trong nhiệm kỳ tới và các giai đoạn tiếp theo; cụ thể như Nghị quyết số 15-CT/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Luật Thủ đô (sửa đổi); điều chỉnh các quy hoạch phát triển Thủ đô (tầm nhìn đến năm 2045, 2050, 2065), kết quả tổng kết 40 năm đổi mới, các định hướng phát triển Thủ đô gắn với các định hướng lớn phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Tiểu ban Văn kiện đã chỉ đạo tổ chức hội nghị lấy ý kiến các đồng chí nguyên lãnh đạo Thành ủy qua các thời kỳ, các chuyên gia, nhà khoa học đối với chủ đề, phương châm và Đề cương chi tiết Báo cáo chính trị. Qua đó, Tiểu ban đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp có giá trị về khoa học và thực tiễn, là nguồn dữ liệu quan trọng để tham khảo khi tiến hành biên tập dự thảo Báo cáo chính trị. Trên cơ sở tiếp thu tối đa các ý kiến, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đã đưa vào chương trình Hội nghị lần thứ 18 (ngày 25/6/2024) các nội dung sớm hơn ba tháng so với Chương trình công tác năm 2024 của Thành ủy và Kế hoạch của Tiểu ban Văn kiện.

Về dự thảo Đề cương chi tiết Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 18 được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Thành ủy lần thứ 18, các ý kiến đều thống nhất về khung kết cấu của đề cương và việc lựa chọn các lĩnh vực cơ bản để đánh giá những thành tựu đã đạt được trong nhiệm kỳ qua. Các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đề ra tại dự thảo Đề cương chi tiết đã cơ bản bao quát, phù hợp với các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại các nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, với bốn tổ thảo luận tại hội nghị, đã có 37 ý kiến góp ý vào chủ đề, phương châm, dự thảo Đề cương chi tiết Báo cáo chính trị Đại hội. Các đại biểu đề nghị, trong quá trình xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị, cần có sự so sánh, đối chiếu về các kết quả, chỉ tiêu với các tỉnh, thành phố khác trong nước, Thủ đô các nước trong khu vực có điều kiện tương quan để xác định được vị trí hiện tại của Thủ đô. Về đánh giá kết quả nhiệm kỳ 2020-2025 cần đánh giá khách quan, toàn diện, khoa học, sát thực các mục tiêu, chỉ tiêu lớn, nhiệm vụ chủ yếu, khâu đột phá Nghị quyết Đại hội lần thứ 17 đề ra, phân tích sâu sắc các nguyên nhân, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, những "điểm nghẽn", "nút thắt", rút ra bài học kinh nghiệm. Cùng với đó, một số ý kiến đề xuất bổ sung đánh giá về vấn đề nông nghiệp cùng các nội dung về nông thôn, nông dân; bổ sung việc đánh giá, định hướng thời gian tới đối với vấn đề về đào tạo để tương xứng với giáo dục.

Các đại biểu đề nghị nên lựa chọn các nội dung đột phá để tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ tới như: Tổ chức bộ máy; phát triển hạ tầng khung, nhất là hạ tầng giao thông; chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn; nguồn nhân lực chất lượng cao; vấn đề về môi trường…; xem xét có thể bổ sung danh mục về các nhiệm vụ đột phá.

Trên cơ sở ý kiến tham gia của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ chỉ đạo Tiểu ban Văn kiện bắt tay ngay vào việc xây dựng dự thảo lần thứ nhất Báo cáo chính trị, phấn đấu để trình xin ý kiến Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố tại Hội nghị lần thứ 20 (tổ chức vào tháng 11/2024) bảo đảm tiến độ, chất lượng.