Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh thuộc Dự án Cải thiện môi trường nước thành phố có quy mô 42ha, nằm trên một cù lao biệt lập.
Đến nay, sau gần 20 năm triển khai Dự án Cải thiện Môi trường nước thành phố giai đoạn 1 và giai đoạn 2, từ một cù lao sình lầy, lau sậy đã trở thành một khu xử lý nước thải hiện đại, có quy mô lớn nhất cả nước với công suất xử lý nước thải 469.000m3/ngày đêm.
Công trình được thi công xây dựng nhằm thu gom, xử lý nước thải cho lưu vực kênh Tàu Hủ-Bến Nghé-Đôi-Tẻ, một lưu vực thoát nước của trung tâm thành phố với tổng diện tích khoảng 5.000ha, dân số khoảng 3,6 triệu người.
Dự án Cải thiện môi trường nước thành phố, lưu vực kênh Tàu Hũ-Bến Nghé-Đôi-Tẻ (giai đoạn 2) có tổng mức đầu tư 11.300 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản là 9.850 tỷ đồng (chiếm 87% tổng mức đầu tư); nguồn vốn đối ứng từ ngân sách thành phố là 1.450 tỷ đồng (chiếm 13% tổng mức đầu tư).
Ông Lương Minh Phúc đánh giá: Từ năm 2009 khi Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng giai đoạn 1 cùng hệ thống cống bao thu gom và trạm bơm nước thải Đồng Diều đi vào hoạt động đến nay, có khoảng 650 triệu m3 nước thải trong lưu vực kênh Tàu Hũ-Bến Nghé-Đôi-Tẻ được thu gom không xả thẳng ra kênh gây ô nhiễm như trước đây và được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường. Từ đó, màu xanh trên tuyến kênh Tàu Hũ-Bến Nghé đã từng bước được khôi phục.
Dự kiến sau khi dự án Cải thiện môi trường nước thành phố giai đoạn 3 được hoàn thành trong giai đoạn 2025-2030 thì toàn bộ các tuyến kênh Tàu Hũ-Bến Nghé-Đôi-Tẻ sẽ được trả lại màu xanh, tạo tiền đề cho mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, du lịch, giao thông thủy và nâng cao chất lượng sống của người dân trong lưu vực.
Dự án Cải thiện môi trường nước thành phố, lưu vực kênh Tàu Hũ-Bến Nghé-Đôi-Tẻ sẽ giúp xử lý nước thải và cải thiện môi trường cho lưu vực (ảnh: QUÝ HIỀN) |
“Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng cùng với hệ thống cống bao thu gom nước thải, trạm bơm chuyển tiếp cũng đã trở thành nơi đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực thoát nước, xử lý nước thải của thành phố với đội ngũ kỹ sư, công nhân sẵn sàng cho nhiệm vụ quản lý, vận hành các hệ thống, công trình thu gom, xử lý nước thải của thành phố trong tương lai”, ông Lương Minh Phúc- Giám đốc Ban Giao thông nhấn mạnh.
Dự án Cải thiện môi trường nước thành phố giai đoạn 2 gồm 6 gói thầu xây lắp, có quy mô và khối lượng thi công, các hạng mục rất lớn. Địa bàn thi công trải dài qua địa bàn 8 quận, huyện với tổng diện tích lưu vực hơn 2.500ha, dân số khoảng 1,8 triệu người. Dự án đã xây dựng tổng cộng 17km cống tròn, cống hộp thoát nước mưa; xây dựng 34km cống bao thu gom nước thải có đường kính tối đa 1,8m cùng 156 giếng tách dòng và nâng công suất trạm bơm Đồng Diều và Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng lên đến 469.000m3/ngày. Nạo vét, kè bờ 6,5km các tuyến kênh trong lưu vực...
Gói thầu G, một trong những gói thầu có địa chất và kỹ thuật thi công ngầm phức tạp của Dự án |
Dự án đã triển khai trên nhiều tuyến đường có mật độ giao thông cao, nhiều khu vực liên tục bị ảnh hưởng của triều cường, nền đất yếu, địa chất phức tạp, thông tin về hệ thống công trình ngầm không đầy đủ và chưa chính xác ... đòi hỏi các đơn vị phải cố gắng vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức để hoàn thành nhiệm vụ.