Chuẩn bị hạ tầng khu công nghiệp để đón dòng đầu tư lớn

NDO - Xây dựng các khu công nghiệp để chuẩn bị quỹ đất sạch là một trong những điều kiện có tính chất quyết định trong thu hút đầu tư, nhưng hiện nay, nguồn tài chính cho phát triển hạ tầng khu công nghiệp tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn.
0:00 / 0:00
0:00
Khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng). (Ảnh: Phạm Hồng Điệp)
Khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng). (Ảnh: Phạm Hồng Điệp)

Nhu cầu vốn đầu tư lên đến 72 tỷ USD

Dự báo về sự xuất hiện của làn sóng đầu tư nước ngoài mới vào Việt Nam đang kéo theo nhu cầu lớn về thuê mặt bằng trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Từ cuối năm 2023, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát các khu công nghiệp để chuẩn bị quỹ đất sạch sẵn sàng đón sóng đầu tư nước ngoài; đẩy mạnh nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ nhằm tạo ưu thế cạnh tranh thu hút đầu tư trong dài hạn.

Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2023, cả nước có thêm 13 dự án hạ tầng khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích khoảng 3.858ha.

Các khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy khoảng 57,7%, nếu tính riêng các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 72,4%.

Hạn chế của quá trình phát triển các khu công nghiệp trong thời gian qua là các địa phương và nhà đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp vẫn ưu tiên tập trung thu hút đầu tư để lấp đầy thay vì chú trọng đến cơ cấu ngành nghề, công nghệ.

Tính đến cuối năm 2023, cả nước có 416 khu công nghiệp đã thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 129,9 nghìn ha, tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 89,2 nghìn ha.

Trong đó có 296 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 92,2 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp khoảng 63 nghìn ha và 119 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 37,5 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp khoảng 24,7 nghìn ha.

Theo quy hoạch sử dụng đất quốc gia đã được Quốc hội thông qua ngày 13/11/2021, đến hết năm 2030, diện tích đất phát triển các khu công nghiệp sẽ đạt khoảng 210.930ha, tăng 120.100ha so năm 2020.

Chi phí đầu tư đắt lên và những vướng mắc về cơ chế là nguyên nhân chính khiến quá trình phát triển hạ tầng khu công nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Tiến sĩ Ngô Công Thành, Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu đầu tư quốc tế (ISC) cho biết đơn giá đền bù đất, giải phóng mặt bằng và định mức xây dựng hạ tầng khu công nghiệp đã được điều chỉnh tăng so giai đoạn trước.

Theo khảo sát của ISC, ước tính chi phí đầu tư phát triển một ha đất khu công nghiệp bình quân hiện nay khoảng 600.000 USD/ha. Như vậy, nhu cầu vốn đầu tư phát triển hạ tầng các khu công nghiệp đã được quy hoạch đến năm 2030 lên đến khoảng 72 tỷ USD.

Con số này khá lớn so tổng vốn đầu tư khoảng hơn 28 tỷ USD phát triển hạ tầng khu công nghiệp đã thực hiện đến hết năm 2022; trong đó vốn đầu tư nước ngoài là hơn 9 tỷ USD, vốn đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam đạt khoảng 19 tỷ USD.

Xây dựng khu công nghiệp sinh thái

Để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030 đã hướng đến mục tiêu thúc đẩy, khuyến khích phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất theo mô hình tuần hoàn, ít phát thải nhà kính.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến năm 2030 có khoảng 40%-50% địa phương chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái và 8%-10% địa phương có định hướng xây dựng khu sinh thái mới. Tuy nhiên, khung pháp lý cho việc hình thành, phát triển khu công nghiệp sinh thái chưa được ban hành đầy đủ.

Luật sư Bùi Văn Thành, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), Uỷ viên Ban chấp hành Liên chi hội Tài chính khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA) chia sẻ, trong quá trình tư vấn cho nhà đầu tư, ông thường xuyên nhận được các câu hỏi liên quan đến sản xuất xanh, đầu tư xanh và các vấn đề liên quan đến khu công nghiệp sinh thái.

Có địa phương đặt điều kiện chỉ chấp thuận dự án đầu tư đáp ứng tiêu chuẩn G7, nhưng không đưa ra nội dung cụ thể tiêu chuẩn G7 là gì, khiến nhà đầu tư không thể xúc tiến dự án.

Vấn đề phát triển khu công nghiệp sinh thái mới đang ở giai đoạn hình thành khái niệm. Rất nhiều câu hỏi đang được đặt ra. Ví dụ, tiêu chuẩn môi trường cho các dự án trong khu công nghiệp sinh thái có cao hơn so tiêu chuẩn hiện tại hay không, chế tài xử phạt như thế nào nếu không đáp ứng được tiêu chuẩn đó. Doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp sinh thái buộc phải có sự liên kết, hợp tác để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp, vậy thì yếu tố cạnh tranh sẽ như thế nào. Nhà nước có chính sách ưu đãi gì nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp sinh thái khi các dự án của doanh nghiệp phải áp dụng yêu cầu cao hơn về môi trường?...

Luật sư Bùi Văn Thành, Trọng tài viên VIAC, Ủy viên Ban chấp hành Liên chi hội Tài chính khu công nghiệp Việt Nam

Theo các chuyên gia kinh tế, Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 sẽ có tác dụng tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc trong hoạt động xây dựng và phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất.

Đơn cử, Điều 79 Luật Đất đai (sửa đổi) quy định 32 trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội theo hướng hiện đại, trong đó có trường hợp thu hồi đất để thực hiện dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp; khu công nghệ cao (Khoản 22 Điều 79). Quy định này đã rõ ràng hơn, cụ thể hơn so Điều 62 Luật Đất đai 2013, tạo điều kiện cho nhà đầu tư thuê đất để thực hiện dự án khu công nghiệp.

Cũng theo Luật Đất đai (sửa đổi), nhà đầu tư được ưu đãi rất nhiều về thuế, phí, tiền thuê đất khi đầu tư vào khu công nghiệp định hướng công nghệ cao, công nghiệp sinh thái. Doanh nghiệp cũng có thể được chọn phương án trả tiền thuê đất hằng năm hoặc trả một lần, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể thế chấp ngân hàng đề vay vốn.

Cùng với quá trình phát triển của đất nước, không ít doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đã đủ tiềm lực để đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế, đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư phát triển kinh tế.

Doanh nghiệp, nhà đầu tư mong muốn các bộ, ngành liên quan sớm có hướng dẫn cụ thể đối với Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, nhất là các hướng dẫn liên quan đến khu công nghiệp sinh thái, làm căn cứ cho các địa phương sớm chuyển đổi, chuẩn bị tốt hạ tầng để đón dòng đầu tư mới.