Tổng đàn trâu, bò của tỉnh Quảng Bình có hơn 133.000 con, đàn lợn khoảng 300.000 con và đàn gia cầm hơn 5 triệu con. Bên cạnh các cơ sở, trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn chú trọng công tác phòng dịch bằng nhiều biện pháp nghiêm ngặt thì chăn nuôi nông hộ còn khá chủ quan trước nguy cơ về dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Năm 2023, tỷ lệ tiêm phòng các loại vaccine cho đàn gia súc, gia cầm của các địa phương trong tỉnh đạt thấp, nhất là tiêm vaccine phòng bệnh dại trên chó chỉ đạt 41,8% kế hoạch. Trong khi đó, toàn tỉnh đã ghi nhận 7 trường hợp người tử vong do bệnh dại trên động vật (chủ yếu do chó cắn).
Theo Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Quảng Bình, bên cạnh nhận thức chưa cao của người chăn nuôi, nguyên nhân chủ yếu khiến tỷ lệ tiêm phòng vaccine cho đàn vật nuôi đạt thấp là do hầu hết địa phương vẫn chưa chủ động được kinh phí trong công tác tiêm phòng. Người chăn nuôi lại có tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Từ năm 2019, Quảng Bình đã xóa bỏ trạm thú y cấp huyện, chuyển nhiệm vụ này sang cho Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện nên không có lực lượng chuyên trách làm thú y. Trong khi đó, chức danh thú y viên ở cấp xã không còn nên việc quản lý, đôn đốc tiêm phòng cho đàn vật nuôi cũng bị buông lỏng. Đến đầu tháng 4, tiến độ tiêm phòng vaccine cho đàn gia súc, gia cầm đợt 1 năm 2024 ở các địa phương vẫn chậm, kết quả tiêm phòng thấp, chưa bảo hộ cho đàn vật nuôi, nhất là vaccine phòng bệnh dại chó và cúm gia cầm.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình Đoàn Ngọc Lâm đã chỉ đạo các ngành, địa phương quyết liệt đẩy nhanh tiến độ tiêm các loại vaccine phòng bệnh trên đàn vật nuôi theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
“Tỉnh chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, đơn vị triển khai quyết liệt nhiệm vụ tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn vật nuôi và phòng ngừa dịch bệnh. Nếu địa phương nào thực hiện chậm, không đạt tỷ lệ như kế hoạch thì người đứng đầu chính quyền bị xử lý theo trách nhiệm. Địa phương nào gặp khó khăn phải báo cáo ngay để tỉnh chỉ đạo xử lý kịp thời, qua đó tạo sự chuyển biến cơ bản về tiêm phòng nhằm mục tiêu bảo hộ tốt cho đàn vật nuôi” - đồng chí Đoàn Ngọc Lâm nhấn mạnh.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, các địa phương ở Quảng Bình đã vào cuộc một cách tích cực hơn để nâng cao tỷ lệ tiêm phòng cho đàn gia súc, nhất là việc trợ giá kinh phí mua vaccine để chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi. Đơn cử như huyện Lệ Thủy hỗ trợ 30% kinh phí mua vaccine lở mồm long móng và hỗ trợ toàn bộ vaccine bệnh dại cho ba xã miền núi; huyện Quảng Ninh hỗ trợ 70% giá mua vaccine cúm gia cầm và 100% vaccine bệnh dại; huyện Tuyên Hóa trợ giá 50% đối với ba loại vaccine, gồm viêm da nổi cục, lở mồm long móng và tụ huyết trùng, hỗ trợ 100% vaccine phòng dại chó, mèo.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đồng Hóa Nguyễn Tiến Nam cho biết, toàn xã có 860 con chó, mèo. Những năm trước đây, việc tiêm vaccine phòng bệnh dại cho động vật chưa được người dân quan tâm nhưng từ khi xảy ra trường hợp tử vong do chó dại cắn, ý thức của người dân về tiêm phòng bệnh dại được nâng lên đáng kể. Đợt 1 năm 2024, tỷ lệ tiêm vaccine phòng chống bệnh dại đàn chó, mèo đạt hơn 90%.
Anh Lê Hải Long ở xã Hòa Trạch có gia trại khoảng 1,5 ha, nuôi 30 con bò sinh sản và bò thịt. Anh chủ động gặp cán bộ thú y xã để đăng ký mua vaccine tiêm phòng cho đàn bò. Anh Long chia sẻ: “Nếu chỉ vì tiếc ít tiền vaccine tiêm phòng mà đàn bò ngã bệnh thì thiệt hại có khi lên cả trăm triệu đồng”.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hòa Trạch Dương Viết Tường cho biết, địa phương tuyên truyền, thông báo trên hệ thống loa truyền thanh, trên các hội, nhóm trên mạng xã hội của các đoàn thể, thôn, xóm để người chăn nuôi nâng cao nhận thức, chủ động đăng ký sớm việc tiêm phòng cho đàn vật nuôi từng gia đình. Thời gian cao điểm, ngoài cán bộ thú y, địa phương còn huy động lực lượng các đoàn thể xã hội cùng tham gia hỗ trợ. Vì vậy, đến giữa tháng 4, xã Hòa Trạch đã hoàn thành việc tiêm phòng bệnh cho đàn gia súc và bệnh dại.
Chi cục trưởng Chăn nuôi và thú y Quảng Bình Trần Công Tám chia sẻ, cùng với việc hỗ trợ kinh phí để mua vaccine thì công tác tuyên truyền làm thay đổi nhận thức về tiêm phòng của người chăn nuôi là quan trọng nhất. Thực tế cho thấy, nơi nào đã từng xảy ra dịch bệnh thì nơi đó, người chăn nuôi có ý thức chăm lo hơn đối với công tác phòng dịch, tiêm phòng cho đàn vật nuôi và ngược lại.
Đáng chú ý, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình quyết định tái lập trạm thú y cấp huyện trong quý II này để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật. Hội đồng nhân dân tỉnh cũng ban hành nghị quyết quy định các chức danh bán chuyên trách cấp xã, trong đó có chức danh thú y viên.