Chú trọng thu hút khách du lịch cao tuổi

Lâu nay, nhiều người thường cho rằng hoạt động tham quan, trải nghiệm du lịch chỉ chủ yếu dành cho đối tượng khách còn trẻ, nhiều sức khỏe. Tuy nhiên, vài năm gần đây, nhu cầu thụ hưởng chất lượng sống tăng lên thì nhu cầu du lịch của những người cao tuổi Việt Nam cũng tăng lên. Đây là phân khúc thị trường được đánh giá là giàu tiềm năng phát triển của du lịch Việt Nam, nhất là với du lịch trong nước.
0:00 / 0:00
0:00
Trải qua quá trình dài lao động, phần lớn người cao tuổi có nhu cầu được nghỉ ngơi. (Ảnh minh họa: Vietravel/TTXVN)
Trải qua quá trình dài lao động, phần lớn người cao tuổi có nhu cầu được nghỉ ngơi. (Ảnh minh họa: Vietravel/TTXVN)

"Tấm vé" trở về thanh xuân

Do tâm lý ngại phải di chuyển dài ngày, sợ ăn uống không đáp ứng chế độ kiêng khem, cộng thêm lo lắng có thể xảy ra bất trắc trong hành trình du lịch nên từ khi nghỉ hưu, vợ chồng bà Nguyễn Thị Bích (68 tuổi, ở đường Minh Khai, Hà Nội) không mấy hào hứng với việc đi du lịch. Chỉ đến bốn năm trước, khi con cái họ quyết định mua tour Đà Nẵng tặng bố mẹ theo kiểu đặt vào "thế đã rồi", vợ chồng bà Bích mới chịu lên đường.

Và chuyến du lịch thiên về nghỉ dưỡng này đã thay đổi hẳn suy nghĩ của ông bà sau những trải nghiệm thú vị, tích cực. Từ đó đến nay, hầu như năm nào vợ chồng bà Bích cũng chủ động lên kế hoạch, chọn trải nghiệm tour du lịch phù hợp. Trên thực tế, có không ít người cao tuổi khi đã vượt qua được chướng ngại tâm lý mới thấy thích thú và nhận ra nhu cầu thật sự của mình đối với du lịch. Nhiều người ví du lịch giống như "tấm vé" đưa họ bước lên chuyến tàu trở về thanh xuân.

Trải qua quá trình dài lao động, phần lớn người cao tuổi có nhu cầu được nghỉ ngơi. Đây cũng là đối tượng không chịu nhiều rào cản về thời gian, kinh tế, con cái đã trưởng thành, tự lập, nên có nhiều điều kiện để tham gia hành trình du lịch ở nhiều thời điểm trong năm.

Bởi khi chọn được hành trình hợp lý, du lịch không chỉ giúp tăng cường sức khỏe thể chất, tinh thần cho người cao tuổi, mà còn mang đến cơ hội giao lưu, kết bạn, giúp họ vơi bớt sự cô đơn của tuổi già khi được chia sẻ, kết nối với những người chung quanh, lưu lại nhiều hơn những kỷ niệm đẹp...

Trải qua quá trình dài lao động, phần lớn người cao tuổi có nhu cầu được nghỉ ngơi. Đây cũng là đối tượng không chịu nhiều rào cản về thời gian, kinh tế, con cái đã trưởng thành, tự lập, nên có nhiều điều kiện để tham gia hành trình du lịch ở nhiều thời điểm trong năm.

Tuy nhiên, theo kết quả điều tra khách du lịch trong nước năm 2019 của Tổng cục Du lịch, số lượng khách cao tuổi chiếm tỷ trọng còn khá thấp trong cơ cấu khách trong nước. Cụ thể, khách có độ tuổi từ 55-65 tuổi chiếm 4,53% và khách hơn 65 tuổi chiếm tỷ trọng thấp nhất khoảng 1,44%. Trong khi đó, số lượng người cao tuổi tại Việt Nam (từ 60 tuổi trở lên) hiện chiếm tới 12,8% số dân cả nước.

Điều này cho thấy dư địa phát triển du lịch của thị trường khách người cao tuổi còn rất lớn. Hơn nữa, đây là đối tượng du khách không phụ thuộc vào yếu tố mùa vụ du lịch, lại có tính "thủy chung" cao, khi đã hài lòng với dịch vụ của đơn vị cung ứng sẽ trở thành khách thường xuyên, thân thiết. Vì thế, nếu có sản phẩm và chiến lược thu hút phù hợp, đây sẽ là phân khúc quan trọng mang đến lượng khách tương đối ổn định cho các doanh nghiệp cũng như du lịch Việt Nam.

Thời gian qua, để đón đầu thị trường tiềm năng này, nhiều hãng lữ hành đã xây dựng các tour chuyên biệt dành cho người cao tuổi, tập trung chủ yếu vào một số loại hình như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch chữa bệnh, du lịch văn hóa, lịch sử…

Gần đây, ngày càng có thêm những hình thức du lịch mới phục vụ khách cao tuổi như du lịch "chậm", dành thời gian trải nghiệm một nơi lâu hơn, lưu trú dài hơn, lịch trình nghỉ ngơi nhiều hơn; du lịch chăm sóc sức khỏe, kết hợp nghỉ dưỡng với liệu trình thiền, yoga, massage, trị liệu bằng y học cổ truyền có sự theo dõi của chuyên gia...

Để đón đầu thị trường tiềm năng này, nhiều hãng lữ hành đã xây dựng các tour chuyên biệt dành cho người cao tuổi, tập trung chủ yếu vào một số loại hình như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch chữa bệnh, du lịch văn hóa, lịch sử…

Trên thực tế, phần lớn người cao tuổi thường ngại đi du lịch nước ngoài vì trở ngại ngôn ngữ, sức khỏe, không thuận tiện di chuyển nhiều theo các đoàn tour ghép. Vì thế, du lịch trong nước được coi là thị trường hấp dẫn số một đối với khách du lịch cao tuổi. Các điểm đến phù hợp là những khu nghỉ dưỡng ven biển ở Nha Trang, Phú Quốc, Côn Đảo, Vũng Tàu, Mũi Né, Quy Nhơn, Đà Nẵng..., hay những nơi có khí hậu ôn hòa, mát mẻ như Đà Lạt, Sa Pa... Nơi có sản phẩm chăm sóc sức khỏe như khoáng nóng, tắm bùn, vật lý trị liệu, dưỡng sinh... cũng đang được nhiều khách du lịch cao tuổi ưu tiên lựa chọn.

Cẩn trọng trong cung cấp dịch vụ

Theo các chuyên gia, mang đến cảm giác thoải mái, thư thái, dễ chịu nhất cho du khách trong hành trình du lịch là mục tiêu số một khi thiết kế tour, tuyến hướng đến du khách là người cao tuổi.

Nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch đã đưa ra kết luận: Nhóm du khách trong độ tuổi từ 60- 69 có xu hướng đi du lịch ngày càng nhiều; phần lớn có xu hướng tiêu dùng xanh, bền vững và coi trọng hành vi mua sắm thân thiện với môi trường; người cao tuổi muốn lựa chọn những điểm đến không quá đông người và muốn được cung cấp đầy đủ, rõ ràng thông tin về lịch trình du lịch tại điểm đến; thích lựa chọn các tour du lịch chuyên đề, trọn gói, có lịch trình đi lại phù hợp điều kiện sức khỏe, kinh tế; ưu tiên đi du lịch cùng gia đình và muốn tới các điểm đến an toàn, chất lượng dịch vụ tốt, khí hậu ấm áp và có khả năng tiếp cận thuận lợi.

Trên cơ sở này, nhóm nghiên cứu lưu ý khi xây dựng sản phẩm, tổ chức tour cho người cao tuổi, công ty du lịch cần khuyến cáo du khách tới bệnh viện kiểm tra sức khỏe trước khi đi, chuẩn bị đầy đủ thuốc, thực hiện đúng các hướng dẫn y tế để bảo đảm hành trình du lịch an toàn.

Các công ty cần thiết kế lịch trình du lịch phù hợp theo hướng giãn thời gian tham quan, tăng thời gian nghỉ ngơi, tìm hiểu trước về thời tiết, khí hậu, ngôn ngữ, văn hóa tại điểm đến để có những tư vấn hợp lý cho người cao tuổi.

Để tránh những rủi ro không đáng có, cần lưu ý người cao tuổi hạn chế di chuyển tách đoàn, luôn bám sát đoàn để thuận lợi trong huy động sự giúp đỡ khi cần thiết, đồng thời tăng cơ hội giao lưu, làm quen với những người bạn mới.

Các công ty cần thiết kế lịch trình du lịch phù hợp theo hướng giãn thời gian tham quan, tăng thời gian nghỉ ngơi, tìm hiểu trước về thời tiết, khí hậu, ngôn ngữ, văn hóa tại điểm đến để có những tư vấn hợp lý cho người cao tuổi.

Nhóm nghiên cứu cũng khuyến cáo nên lựa chọn phòng lưu trú ở tầng thấp, tránh việc để du khách cao tuổi lên xuống bằng cầu thang hoặc đi lại nhiều bằng thang máy, không tốt cho tim mạch và huyết áp. Bên cạnh đó, công ty du lịch cần chú ý tới chế độ ăn uống của khách cao tuổi sao cho luôn bảo đảm vệ sinh, hạn chế dầu mỡ, gia vị, cung cấp đầy đủ dưỡng chất.

Công ty du lịch cũng có thể chuẩn bị thêm một số đồ ăn dinh dưỡng để kịp thời bổ sung năng lượng cho người cao tuổi trong quá trình du lịch. Ngoài kiến thức về văn hóa, lịch sử điểm đến, hướng dẫn viên cũng cần được trang bị thêm kiến thức về tâm lý người cao tuổi, về xử lý y tế để giải quyết các tình huống, sự cố phát sinh.

Rõ ràng, càng hướng đến những đối tượng đặc thù, tính chuyên nghiệp trong xây dựng, tổ chức tour càng đòi hỏi cao. Hiện nay, không ít người cao tuổi Việt Nam đã tiếp cận và sử dụng các thiết bị di động thông minh, tương tác trên mạng xã hội. Vì thế, bên cạnh cách quảng bá du lịch truyền thống qua báo, đài, truyền hình, các tổ chức, hội, nhóm, câu lạc bộ người cao tuổi..., có thể tiếp cận đối tượng du khách này thông qua các kênh mạng xã hội.

Ngoài ra, có thể tiếp cận gián tiếp qua con cháu, người thân của người cao tuổi. Ngành du lịch và y tế nên "bắt tay" nhau thực hiện chương trình phối hợp gắn kết hoạt động du lịch với liệu trình phục hồi sức khỏe cho người cao tuổi để nâng cao giá trị trải nghiệm du lịch cho du khách.