Dự báo, số người trên 60 tuổi lọt lưới an sinh sẽ gia tăng
Ông Lê Văn Định, 61 tuổi (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, dù số tiền hưởng lương hưu 2,5 triệu đồng/tháng không nhiều nhưng thật ý nghĩa với tuổi già. Trước khi được nhận lương hưu, ông đã cân nhắc rất nhiều, bởi khi nghỉ công tác, thời gian đóng BHXH của ông mới có 16 năm 5 tháng, còn thiếu 3 năm 7 tháng mới đủ điều kiện nhận lương hưu. Ông đã định nhận BHXH một lần với giá trị gần 100 triệu đồng.
“Nhờ có cán bộ BHXH nhiệt tình tư vấn đóng tiếp BHXH tự nguyện mà giờ tôi được nhận lương hưu hằng tháng, được cấp thẻ BHYT để chăm sóc sức khỏe, yên tâm cho tuổi già, không là gánh nặng đối với con cháu”, ông Định chia sẻ. Sau một năm đóng theo quý, vào tháng 10/2021 (đủ tuổi hưởng lương hưu), ông Định quyết định đóng một lần 30 tháng còn thiếu cho đủ 20 năm, với hơn 30 triệu đồng. Nay hằng tháng được nhận lương hưu, có thẻ BHYT để khám, chữa bệnh, ông Định vui vẻ: “Nếu sống thọ thì đây là khoản đầu tư hữu ích, nhưng quan trọng hơn là chủ động được cuộc sống”.
Bà Nguyễn Thị Mai, 54 tuổi (TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc), từng kinh doanh tự do, được tư vấn, cũng quyết định tham gia BHXH tự nguyện. “Tôi muốn có lương hưu-điểm tựa khi về già, phòng khi ốm đau có BHYT chi trả. Tôi cũng đã mua BHXH tự nguyện theo hộ gia đình cho vợ chồng con trai tôi để con cháu sớm được hưởng các chính sách an sinh”, bà Mai chia sẻ.
Có thể thấy rõ, BHXH chính là trụ cột an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước nhằm hỗ trợ người lao động yên tâm, ổn định cuộc sống. Thời gian đóng BHXH chính là thành quả của quá trình lao động, là khoản tích lũy của bản thân khi còn sức khỏe, còn thu nhập để dành khi về già. Người lao động có lương hưu đồng nghĩa sẽ có nguồn thu nhập ổn định hằng tháng bảo đảm cuộc sống khi về già, giúp tự chủ hơn trong cuộc sống, không phải lệ thuộc vào gia đình, xã hội. Mặt khác, mức hưởng lương hưu không phải mức cố định tại thời điểm nghỉ hưu mà định kỳ được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế để bảo đảm cuộc sống của người nghỉ hưu. Vì vậy, người hưởng lương hưu luôn được bảo toàn giá trị, không bị rủi ro khi đồng tiền mất giá.
Trong chuyên khảo “Già hóa dân số và người cao tuổi ở Việt Nam”, do Tổng cục Thống kê xuất bản (dựa trên dữ liệu điều tra năm 2019), có nêu kết quả đáng chú ý: Khoảng 35% người trong độ tuổi 60+ vẫn đang làm việc. Tuy nhiên, phần lớn là lao động dễ tổn thương (tự làm hoặc lao động gia đình). Ngành dân số Việt Nam đã đưa ra dự báo tới năm 2069 về số lượng người trong độ tuổi 60+, cũng như tỷ lệ so dân số. Theo đó, tới năm 2029 là 17,28 triệu người, chiếm 16,5% dân số; tới năm 2038 là 22,29 triệu người, chiếm 20,21% dân số; tới năm 2049 là 28,61 triệu người, chiếm 24,88% dân số; tới năm 2069 là 31,69 triệu người, chiếm 27,11% dân số. Theo lý giải của ngành, sự gia tăng dân số trong độ tuổi 60+ chủ yếu do sự gia tăng của nhóm 70+ và 80+. Điều này ngược với giai đoạn trước đó (2009-2019), sự gia tăng của dân số trong độ tuổi 60+ chủ yếu đến từ nhóm 60-69 tuổi.
Cuối năm 2022, số người 60+ thuộc diện “hai không” là 8,7 triệu người, áp đảo số người có lương hưu, trợ cấp xã hội là 3,3 triệu người. Dự kiến, từ nay đến các mốc trong dự báo dân số nói trên (2029, 2038, 2049, 2069), nếu chậm chân bao phủ BHXH với hai phương thức chính (BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện), số người 60+ diện “hai không” sẽ tăng lên nhanh chóng.
Một buổi sinh hoạt hội người cao tuổi tại địa bàn dân cư. Ảnh: SONG ANH |
Hưởng lương hưu linh hoạt
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2016-2021, bình quân mỗi năm có khoảng 110.000 người hưởng lương hưu mới. Thống kê sau 6 năm thực hiện Luật BHXH năm 2014 cho thấy có 661.000 người lao động nghỉ việc hưởng lương hưu hằng tháng. Trong số những người nghỉ hưu giai đoạn này, 435.000 người được hưởng trợ cấp một lần (chiếm 65,8%). Điều đó cho thấy cứ ba người nghỉ hưu thì hai người hưởng lương hưu tối đa (mức 75%).
Tính đến cuối năm 2021, Việt Nam có khoảng 14,2 triệu người trong độ tuổi nghỉ hưu. Trong số này, chỉ trên 3,2 triệu người đang được hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng. Nếu tính cả những người đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (HTXH) thì khoảng 5,1 triệu người (35%) được hưởng các khoản trợ cấp hằng tháng. Thống kê cho thấy đến nay, khoảng 9,2 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu vẫn chưa thuộc diện bao phủ của hệ thống BHXH hoặc tầng an sinh xã hội nào khác. Các chuyên gia an sinh cho rằng, lương hưu là yếu tố cần thiết bảo đảm cuộc sống cho mỗi người khi về già, tránh phụ thuộc vào con cháu và trở thành gánh nặng cho xã hội.
Tuy nhiên, hệ thống hưu trí Việt Nam hiện được thiết kế đơn tầng, độ bao phủ còn hạn chế với hai chế độ dựa trên đóng góp của người lao động và doanh nghiệp thuộc BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện; không dựa trên đóng góp (HTXH, do ngân sách nhà nước chi trả, dành cho người trên 80 tuổi không có lương hưu hoặc trợ cấp BHXH khác và cho người 60-79 tuổi dựa trên gia cảnh). Tính chung, hai chế độ hưu trí này chỉ bảo đảm cho khoảng 40% người cao tuổi, số còn lại không có lương hưu và trợ cấp.
Già hóa dân số nhanh và hệ thống hưu trí đơn tầng có thể coi là hai yếu tố cộng hưởng gây áp lực lên hệ thống an sinh xã hội. “Điều này đồng nghĩa Việt Nam không đạt được mục tiêu về tỷ lệ số người sau tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp HTXH năm 2021 đề ra trong Nghị quyết 28 của T.Ư. Đó là khoảng 45% số người độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp HTXH”, một lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận xét.
Ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng BHXH (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này, đáng chú ý nhất là hệ thống BHXH được thiết kế đa tầng, gồm: trợ cấp HTXH (được quy định trong Luật Người cao tuổi với tên gọi trợ cấp xã hội), BHXH cơ bản (BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện), bảo hiểm hưu trí bổ sung. “Đối với tầng HTXH, luật sẽ sửa theo hướng người lao động đã tham gia BHXH nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng, không nhận BHXH một lần thì sẽ được hưởng trợ cấp HTXH sớm hơn và mức trợ cấp hằng tháng cao hơn”, ông Nam nhấn mạnh.
Theo quy định hiện hành, đối tượng hưởng trợ cấp xã hội là từ 80 tuổi với mức 360.000 đồng/tháng. Đại diện Bộ cho hay, chính sách này nhằm tạo sự liên kết, hỗ trợ giữa các tầng, nhất là giữa trợ cấp HTXH với BHXH cơ bản. Qua đó, người lao động có thể bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng lương hưu hoặc hưởng ít nhất một trong các tầng của hệ thống BHXH.
Để không lọt lưới an sinh và theo kịp tốc độ già hóa dân số, PGS, TS Giang Thanh Long, Trường đại học Kinh tế quốc dân, đề xuất Việt Nam cần thiết kế hệ thống hưu trí đa tầng, linh hoạt độ tuổi hưởng lương hưu. Cả nước hiện có 12,6 triệu người cao tuổi (chiếm 12,8% tổng dân số) và dự báo đến năm 2049 sẽ có 28,6 triệu (chiếm gần 25% dân số), tức là cứ bốn người thì có một người cao tuổi. Dân số già hóa nhanh, trong khi hệ thống hưu trí Việt Nam được thiết kế đơn tầng với độ bao phủ hạn chế.
Theo PGS Giang Thanh Long, Chính phủ cần thiết kế một hệ thống hưu trí đa tầng với công thức hưởng khác nhau. “Tầng dưới cùng dành cho lao động hưởng lương hưu dựa vào những năm đóng BHXH ở mức thu nhập tối thiểu. Hưu trí tầng này do nhà nước phụ trách, nếu mức hưởng thấp hơn mức lương tối thiểu thì bù thêm. Tầng thứ hai là những người đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn làm việc, có thu nhập và tiếp tục tham gia BHXH theo nguyên tắc chia sẻ chung. Nhóm này tự chọn tuổi nghỉ hưu và mức hưởng tương xứng. Tầng thứ ba dành cho những người đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiêu như hình thức tài khoản cá nhân”, ông phân tích.
Theo dữ liệu của ngành dân số Việt Nam, tỷ lệ dân số 60+ ở Việt Nam cuối năm 2022 là 12%. Còn theo ngành BHXH Việt Nam, vào cuối năm 2022, cả nước có 3,3 triệu người đang nhận lương hưu, trợ cấp xã hội hằng tháng; có 4 triệu người đang chật vật mưu sinh kiếm sống bằng những việc được xem là dễ tổn thương; có 4,7 triệu người đang sống dựa vào gia đình, trong đó có số ít người dựa vào xã hội (các trung tâm bảo trợ xã hội). Như vậy, ở thời điểm này, cả nước có đến 8,7 triệu người trong độ tuổi 60+ lâm cảnh “hai không”: Hằng tháng không lương hưu, không trợ cấp xã hội.