Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture: Công nghệ mạng toàn cầu sẽ “tái định hình” thế giới hậu đại dịch

NDO - Theo Giáo sư Sir Richard Henry Friend, VinFuture vinh danh các nhà nghiên cứu đã tạo ra Công nghệ mạng toàn cầu không chỉ bởi những gì phát minh vĩ đại này mang lại cho nhân loại trong hiện tại, mà còn bởi vì Công nghệ mạng toàn cầu có tiềm năng khổng lồ trong việc thay đổi tương lai của thế giới hậu đại dịch.
0:00 / 0:00
0:00
Giải thưởng Chính VinFuture 2022 vinh danh các tầng phát minh đột phá trong việc kết nối công nghệ mạng toàn cầu.
Giải thưởng Chính VinFuture 2022 vinh danh các tầng phát minh đột phá trong việc kết nối công nghệ mạng toàn cầu.

Mới đây, trong bài trả lời phỏng vấn tờ Technode Global sau Lễ trao Giải thưởng VinFuture 2022, Giáo sư Sir Richard Henry Friend, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture đã lý giải nguyên nhân Công nghệ mạng toàn cầu đạt Giải thưởng Chính của VinFuture mùa 2.

Đỉnh cao của Công nghệ mạng toàn cầu vẫn ở phía trước

Theo Giáo sư, những đề cử mà VinFuture mùa 2 nhận được không chỉ lớn về số lượng mà còn vượt trội về chất lượng so với mùa thứ nhất. Các Hội đồng đã phải làm việc rất vất vả mới có thể chọn ra được công trình xuất sắc nhất để trao giải.

Tiêu chí của VinFuture là vinh danh các nghiên cứu, phát minh đột phá đã hoặc có tiềm năng tạo ra sự thay đổi ý nghĩa trong cuộc sống của hàng triệu người. Mặc dù là một tổ hợp phát minh đã được công bố và đi vào cuộc sống nhiều năm trước, song Giải thưởng Chính năm nay hoàn toàn đáp ứng được tiêu chí đó, thậm chí còn vượt xa mong đợi khi mang tới “tác động kép” cho nhân loại, không chỉ trong quá khứ, hiện tại mà còn thấy rõ ở tương lai của con người.

Làm rõ tác động của Công nghệ mạng toàn cầu đến nhân loại, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture cho biết, những người trẻ ngày nay không thể tưởng tượng được cuộc sống sẽ ra sao nếu không có Công nghệ mạng toàn cầu. Thậm chí ngay cả những điều vẫn được xem là sự kỳ diệu và phi thường của Công nghệ mạng toàn cầu thì cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

“Hiểu biết của chúng ta về nó còn rất khiêm tốn. Nên cũng không bất ngờ khi nhiều người cảm thấy ngạc nhiên lúc mới nghe về giải thưởng này” – Giáo sư Sir Richard Henry Friend nói.

Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture: Công nghệ mạng toàn cầu sẽ “tái định hình” thế giới hậu đại dịch ảnh 1

Giáo sư Sir Richard Henry Friend, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture phát biểu tại Lễ trao giải VinFuture 2022.

Giáo sư nhấn mạnh, thế giới đang chứng kiến sự phát triển đáng kinh ngạc của hàng loạt công nghệ mới như: Internet vạn vật (IoT), Dữ liệu lớn (Big Data), Trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain, Mạng 5G, 6G… Nhiều thứ chỉ vài năm trước thôi vẫn còn được xem là không tưởng. Song, tất cả những công nghệ nhảy vọt này đều không thể thành hiện thực nếu không có Công nghệ mạng toàn cầu.

Công nghệ mạng toàn cầu đã thay đổi thế giới. Hàng tỷ người đang hưởng lợi từ Công nghệ mạng toàn cầu. Thậm chí, vai trò của Công nghệ mạng toàn cầu còn nhân lên nhiều lần trong đại dịch khi lượng dữ liệu được nhân loại chia sẻ riêng trong 2 năm này đã chiếm tới 50% tổng dữ liệu từ khi phát minh này ra đời. Tuy nhiên, theo Giáo sư, những tác động đột phá và đỉnh cao phát triển của công nghệ này vẫn ở phía trước. Nhân loại mới chỉ đang ở giai đoạn “bình minh” của Công nghệ mạng toàn cầu và lịch sử của nó chỉ vừa mới bắt đầu.

Về mối tương quan giữa Công nghệ mạng toàn cầu và chủ điểm của Giải thưởng năm nay là “Hồi sinh và Tái thiết”, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng nêu rõ: Covid-19 là một trong những biến cố lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt trong nhiều thập kỷ trở lại đây. Riêng năm 2020, kinh tế thế giới suy giảm tới 4,3% - con số chỉ từng được ghi nhận trong cuộc Đại suy thoái những năm 1930 và trong 2 cuộc chiến tranh thế giới.

Nhưng ngay sau khi dịch bệnh được khống chế, thế giới đã nhanh chóng phục hồi. Đó chính là nhờ trong suốt 2 năm đại dịch, dù các quốc gia phải cách ly, phong tỏa kéo dài nhưng kết nối toàn cầu vẫn được duy trì thông qua Công nghệ mạng toàn cầu. Con người vẫn làm việc, học tập, giao tiếp, giao dịch… với nhau, chỉ là theo cách thức hoàn toàn khác.

Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture: Công nghệ mạng toàn cầu sẽ “tái định hình” thế giới hậu đại dịch ảnh 2

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao Giải thưởng Chính (VinFuture Grand Prize) 2022 cho các nhà khoa học đạt giải.

“Chỉ cần Covid-19 xảy ra khoảng 20 năm về trước thì mọi chuyện đã khác. Khi đó, tổn thất chắc chắc sẽ khủng khiếp hơn. Nhân loại có lẽ sẽ phải mất cả chục năm để phục hồi trở lại. Do đó, có thể khẳng định Công nghệ mạng toàn cầu chính là nền tảng giúp thế giới kiên cường hơn trước cú sốc đại dịch, đồng thời phục hồi nhanh chóng hơn và mạnh mẽ hơn khi “cơn bão” Covid-19 đi qua” – Giáo sư Sir Richard Henry Friend nhấn mạnh.

Theo Giáo sư, Công nghệ mạng toàn cầu đang “tái định hình” thế giới theo cách bền vững hơn. Cụ thể, trong 2 năm qua, Công nghệ mạng toàn cầu đã thay đổi sâu sắc cách thức con người giao tiếp, làm việc, di chuyển… theo hướng giảm tiêu thụ năng lượng, giảm phát thải, góp phần cải thiện môi trường.

Tìm kiếm các công trình đột phá bằng “lăng kính” khác biệt

Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture cho biết, trong quá trình chấm giải, cũng có những quan điểm khác nhau giữa các thành viên Hội đồng về Giải thưởng Chính này. Khá nhiều cuộc tranh luận đã diễn ra.

Tuy nhiên, nhờ quy tụ nhiều nhà khoa học hàng đầu trong các lĩnh vực khác nhau, Hội đồng Giải thưởng có được góc nhìn đa chiều và đánh giá đầy đủ về từng đề cử. Và cuối cùng, Hội đồng đã đạt được đồng thuận cao trong việc trao giải thưởng cao nhất cho phát minh về Công nghệ mạng toàn cầu.

Trong số các chủ nhân của giải thưởng VinFuture 2022, nhiều nhà nghiên cứu cũng từng chiến thắng ở nhiều giải thưởng quốc tế khác, thậm chí còn được vinh danh từ nhiều năm trước. Song, Giáo sư Sir Richard Henry Friend khẳng định VinFuture không phải chỉ là nơi tôn vinh các phát minh vĩ đại mà bỏ qua những dự án mới.

Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture: Công nghệ mạng toàn cầu sẽ “tái định hình” thế giới hậu đại dịch ảnh 3

Giáo sư Sir Richard Henry Friend, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture trao Giải Đặc biệt Dành cho nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới.

Giáo sư nêu rõ, VinFuture mới bước qua mùa giải thứ 2 nhưng số lượng đề cử gửi về Ban tổ chức thậm chí vượt xa nhiều giải thưởng lâu đời khác, với chất lượng không hề thua kém.

Ở mùa giải đầu tiên, công trình giành Giải thưởng Chính, vaccine mRNA, ra đời từ 2 nghiên cứu là công nghệ mRNA và hạt nano lipid. Trong khi đó, Công nghệ mạng toàn cầu - công trình đạt giải thưởng cao nhất năm nay là kết quả của nhiều phát minh, gồm: giao thức điều khiển truyền dẫn và giao thức Công nghệ mạng toàn cầu, công nghệ mạng toàn cầu World Wide Web và bộ khuếch đại sợi quang pha tạp Erbium.

“VinFuture đánh giá các nghiên cứu một cách toàn diện, trong mối quan hệ đa chiều. Nhiều nghiên cứu có thể mãi mãi không đi đến đích hoặc ít được ứng dụng khi nằm riêng lẻ nhưng nếu kết nối chúng lại với nhau, đột phá có thể xảy ra” - Giáo sư Sir Richard Henry Friend cho hay.

Theo Giáo sư, “lăng kính” khác biệt giúp VinFuture tìm kiếm được các công trình có thể mang lại lợi ích cho hàng triệu người trên khắp thế giới. Điều này làm nên sự đặc biệt của Giải thưởng VinFuture so với bất kỳ giải thưởng nào khác.