GS Pamela Ronald: “Cần nhiều bộ óc cùng tham gia tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề cấp bách”

NDO - GS Pamela Christine Ronald (Mỹ) cho rằng, các nhà khoa học Việt Nam cần mạnh dạn mang những vấn đề cấp bách của nước mình đến với cộng đồng quốc tế, để có nhiều bộ óc cùng tham gia tìm kiếm giải pháp phù hợp.
0:00 / 0:00
0:00
GS Pamela Christine Ronald chia sẻ về chặng đường nghiên cứu khoa học của mình. (Ảnh: VĂN TOẢN)
GS Pamela Christine Ronald chia sẻ về chặng đường nghiên cứu khoa học của mình. (Ảnh: VĂN TOẢN)

Ngày 21/12, GS Pamela Ronald - chủ nhân Giải Đặc biệt VinFuture 2022 dành cho Nhà khoa học nữ đã có những chia sẻ thú vị với phóng viên chung quanh chặng đường nghiên cứu khoa học của mình cũng như công trình nghiên cứu của bà vừa được VinFuture 2022 vinh danh.

Tại Lễ trao giải tối 20/12, GS Pamela Ronald nhận giải Đặc biệt dành cho Nhà khoa học nữ nhờ công trình nghiên cứu đột phá giúp phân lập một gene để tạo ra giống lúa chịu ngập hoàn toàn (Sub1A), góp phần giải quyết nhu cầu lương thực cho hàng trăm triệu người trên thế giới.

Chia sẻ về việc lựa chọn nghiên cứu các giống lúa, GS Pamela Ronald cho biết trước đây bà từng nghiên cứu về thực vật. Nhưng khi bắt đầu sự nghiệp sau này, bà quyết định nghiên cứu về giống lúa với hy vọng giúp ích cho những người nông dân và gia đình họ, đôi khi là những người có mức sống dưới 3 USD/ngày, vì đây là nguồn thực phẩm của một nửa dân số thế giới.

Theo nữ giáo sư, người nông dân trồng lúa đối mặt với nhiều thách thức lớn, trong đó có lũ lụt, xâm nhập mặn do tình trạng nước biển dâng. Việc kết hợp những đặc điểm gồm khả năng chịu mặn, chịu ngập, thậm chí là chịu hạn trong cùng một loại cây trồng là cần thiết bởi khó có thể đoán được điều gì sẽ xảy ra trong tương lai.

Tuy nhiên, GS Pamela Ronald cho rằng cái khó ở đây là thay đổi nhận thức, quan niệm và cải thiện mức độ tiếp nhận của người dân về giống cây trồng biến đổi gene.

“Chúng ta đều muốn hướng tới giống cây phát triển tốt trong các điều kiện để thúc đẩy một nền nông nghiệp sử dụng đất, nước hiệu quả, bảo đảm an ninh lương thực. Quan trọng là phải giải quyết vấn đề bền vững như thế nào. Với tư cách là nhà nghiên cứu gene, chúng tôi không quan tâm là cải tiến gene, hay lai ghép, nhân giống, mà điều mấu chốt là khi kết quả nghiên cứu tới tay người nông dân thì mang lại lợi ích gì cho họ” – GS Pamela Ronald chia sẻ.

GS Pamela Ronald: “Cần nhiều bộ óc cùng tham gia tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề cấp bách” ảnh 1
GS Pamela Christine Ronald chia sẻ cảm xúc của mình sau khi nhận giải Đặc biệt VinFuture 2022 dành cho Nhà khoa học nữ.

Phụ nữ cần tham gia nhiều hơn vào nghiên cứu khoa học

Trước đó, phát biểu trong đêm trao giải VinFuture 2022, GS Pamela Ronald nhấn mạnh Giải thưởng khẳng định tầm quan trọng của công nghệ sinh học trong nông nghiệp khi giúp giải quyết một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là làm sao nuôi sống số người ngày càng gia tăng với loại lúa có thể thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính.

Bày tỏ hy vọng giải thưởng sẽ góp phần thúc đẩy nhiềm đam mê nghiên cứu và truyền cảm hứng cho các nhà khoa học nữ, bà cho biết con đường làm khoa học vô cùng khó khăn và không ai thực sự biết mình đang đi đâu, đôi lúc gặp may mắn nhưng cũng có đôi khi bỏ qua các vấn đề.

“Chúng ta thực sự cần nhiều bộ óc hơn, nhiều người hơn cùng suy nghĩ về cách giải quyết những thách thức to lớn của xã hội” - GS Pamela Ronald nói, đồng thời cho rằng cả phụ nữ lẫn đàn ông đều cần tham gia vào khoa học, nhất là những phụ nữ trẻ tuổi; nhiều người cùng nỗ lực giải quyết một vấn đề thì khả năng thành công sẽ cao hơn.

Đề cập tới những khó khăn của một người phụ nữ làm khoa học, bà cho rằng ngành nghề nào cũng có những bận rộn riêng, khoa học cũng không quá khác biệt. Khi có con, nhà khoa học nữ cũng phải thu xếp đưa con đến trường, đôi khi các sinh viên cũng cần sự hỗ trợ từ họ. Cùng với đó là giảm bớt thời gian gặp bạn bè hoặc đi dự các buổi tiệc vì quá bận rộn gia đình và công việc.

Tuy nhiên, bà quan niệm những thứ đó không phải là sự hy sinh, mà chỉ là những nhiệm vụ phải làm, và sẽ rất tuyệt vời nếu một nhà khoa học nữ được các thành viên trong gia đình ủng hộ.

Đầu tư vào khoa học là cần thiết và phải liên tục

Mặc dù đây là lần đầu tiên đến Việt Nam song GS Pamela Ronald cho biết bà đã gặp gỡ nhiều nhà khoa học từ Việt Nam trong khoảng 30 năm nghiên cứu lĩnh vực công nghệ sinh học chuyên về lúa gạo. Theo bà, các nhà khoa học Việt Nam đã tạo ra được nguồn gene tốt cho các giống lúa khác nhau.

GS Pamela Ronald: “Cần nhiều bộ óc cùng tham gia tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề cấp bách” ảnh 2
GS Pamela Christine Ronald trả lời phỏng vấn báo chí ngày 21/12. (Ảnh: VĂN TOẢN)

Để nâng cao năng lực khoa học công nghệ trong nước, nữ giáo sư người Mỹ gợi ý chính phủ Việt Nam có thể cung cấp học bổng cho sinh viên sang nước khác với tư cách nghiên cứu sinh, đồng thời cung cấp nguồn lực lập phòng thí nghiệm để họ tập trung nghiên cứu sau khi về nước.

Bên cạnh đó, các nguồn lực, hỗ trợ và mức lương cần bảo đảm khiến khoa học trở nên hấp dẫn, không chỉ về mặt trí tuệ mà còn cho phép các nhà khoa học sống tốt, hỗ trợ gia đình và trở thành cố vấn cho các sinh viên. “Việc chính phủ đầu tư vào khoa học là rất quan trọng, và cần phải liên tục bởi đạt được hiệu quả thương mại từ khoa học cần nhiều thời gian”.

Nhắn nhủ tới các nhà khoa học Việt Nam, GS Pamela Ronald nhấn mạnh trong khoa học cần thiết phải có sự chung tay, góp sức mới có thể đạt được thành công. Các nhà khoa học Việt Nam cần mạnh dạn mang những vấn đề cấp bách của nước mình đến với cộng đồng quốc tế, để có nhiều bộ óc cùng tham gia tìm kiếm giải pháp phù hợp.

Giáo sư Pamela C. Ronald là Giáo sư trong Khoa Bệnh học Thực vật và Trung tâm Bộ gene tại Đại học California, Davis; Giảng viên-Nhà khoa học trong Phòng Sinh học hệ thống và Bộ gene môi trường tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Berkeley, Viện nghiên cứu bộ gene đổi mới tại Đại học California, Berkeley; Nhà nghiên cứu chủ chốt tại Viện Năng lượng Sinh học liên hiệp; và Giảng viên của Trung tâm An ninh Lương thực và Môi trường tại Đại học Stanford.


Tại Lễ trao giải VinFuture 2022 tối 20/12, GS Pamela Ronald đã được vinh danh với giải Đặc biệt dành cho Nhà khoa học nữ nhờ công trình nghiên cứu đột phá giúp phân lập một gene để tạo ra giống lúa chịu ngập hoàn toàn (Sub1A), góp phần giải quyết nhu cầu lương thực cho hàng trăm triệu người trên thế giới. Giống lúa Sub 1A có thể chịu được ngập nước trong 2 tuần và cho năng suất lên tới 60% trên cánh đồng lúa ngập lụt.


Công trình tiên phong nghiên cứu phân lập gene lúa (Sub1A) để phát triển các giống lúa năng suất cao, chịu ngập vượt trội, đặc biệt phù hợp với điều kiện trồng trọt ở Lào, Bangladesh, Ấn Độ và có thể được áp dụng thêm trong việc trồng lúa của các quốc gia khác. Đây là một phát hiện đột phá trong lĩnh vực trồng và thu hoạch lúa.