Chủ tịch Quốc hội:

Xem xét các vấn đề bảo đảm an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng

NDO - Nêu một số nội dung trọng tâm, trọng điểm để thực hiện giám sát, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị tập trung xem xét các vấn đề: bảo đảm an ninh năng lượng trong điều kiện hiện nay, chuyển đổi năng lượng trong mối tương quan với thích ứng biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp.

Sáng 24/9, tiếp tục chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương các báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”.

Giám sát phải gắn với trách nhiệm giải trình

Góp ý kiến vào nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Đoàn giám sát nghiên cứu kỹ, làm rõ hơn nữa căn cứ, mục đích, phạm vi thực hiện cuộc giám sát để bảo đảm tính hiệu quả, hiệu lực.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mang tầm quốc gia, liên quan đến đánh giá việc thể chế hóa chủ trương của Đảng thành pháp luật của Nhà nước. Do đó, quá trình giám sát cần tập trung xem xét việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để tổ chức triển khai thực hiện các luật; quá trình và kết quả tổ chức thực thi các văn bản quy phạm pháp luật này…

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, hoạt động giám sát phải gắn với trách nhiệm giải trình của các cấp, ngành, tổ chức, cơ quan liên quan, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.

Nêu một số nội dung trọng tâm, trọng điểm để thực hiện giám sát, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tập trung xem xét các vấn đề: bảo đảm an ninh năng lượng trong điều kiện hiện nay và chuyển đổi năng lượng trong mối tương quan với thích ứng biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Xem xét các vấn đề bảo đảm an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng ảnh 1

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận.

Chủ tịch Quốc hội nhận định, vấn đề chuyển đổi năng lượng gắn với vấn đề chuyển đổi số, nhiều cơ hội nhưng cũng không ít rủi ro, thách thức, phải làm sao để bảo đảm được cân bằng giữa cơ hội và rủi ro, từ yếu vốn cho đến công nghệ…

Bên cạnh an ninh năng lượng và chuyển đổi năng lượng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị đánh giá các chính sách phát triển năng lượng, bao gồm các chính sách phát triển, khuyến khích, thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng; điều chỉnh Quy hoạch điện VII, dự thảo Quy hoạch điện VIII và một số quy hoạch khác.

Ngoài ra, còn có các chính sách liên quan đến việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực để đầu tư phát triển các hạ tầng năng lượng. Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu chú trọng hơn nữa vào chính sách tiết kiệm năng lượng cũng như một số vấn đề trong chính sách mua bán điện trực tiếp hiện nay.

Về phương pháp, phương thức giám sát, Chủ tịch Quốc hội đề nghị trên cơ sở mục đích, căn cứ, phạm vi đã đề ra, phải phân công, phân nhiệm rất cụ thể; khai thác, phân tích, đánh giá những số liệu đã có sẵn của các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; tránh chồng chéo, trùng lặp; đồng thời cần có đề cương giám sát riêng cho mỗi địa phương đi giám sát…

Xem xét các vấn đề bảo đảm an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng ảnh 2

Phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 24/9.

Tham gia thảo luận tại phiên họp, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh nội dung bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia cần phải là một trong những trọng tâm giám sát, trong đó xem xét vấn đề giá năng lượng, chuyển dịch cơ cấu năng lượng gắn với phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Bên cạnh đó, cần xem xét nội dung tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực năng lượng, xu hướng chuyển dịch các tập đoàn năng lượng từ hoạt động đơn ngành sang đa ngành…

Giám sát 6 nhóm vấn đề nổi bật trong lĩnh vực năng lượng hiện nay

Báo cáo tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi cho biết, cuộc giám sát nhằm đánh giá khách quan, trung thực, toàn diện việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021; phát hiện những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan; kịp thời xử lý hoặc đề xuất phương án xử lý những tồn tại, hạn chế nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập.

Thông qua giám sát cũng kiến nghị, đề xuất giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật; rút ra các bài học kinh nghiệm cho việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn tiếp theo.

Nội dung giám sát tập trung vào việc ban hành chính sách, văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực năng lượng, trọng tâm là các Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Dầu khí, Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Khoáng sản; Luật Bảo vệ môi trường, Luật Quy hoạch, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Xem xét các vấn đề bảo đảm an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng ảnh 3

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi trình bày báo cáo tại phiên họp.

Bên cạnh đó, đánh giá tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021, bao gồm: cung cầu và an ninh năng lượng; quy hoạch tổng thể và quy hoạch các phân ngành năng lượng; bảo vệ môi trường, giảm phát thải; khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng; quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng; một số nội dung khác như hợp tác quốc tế, các vấn đề xã hội, quốc phòng, an ninh liên quan đến phát triển năng lượng; xử lý một số dự án năng lượng chậm tiến độ, gặp khó khăn, vướng mắc…

Về yêu cầu giám sát, ông Tạ Đình Thi cho biết, hoạt động giám sát sẽ bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng; tích cực, chủ động đổi mới cách thức, phương pháp triển khai, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, lựa chọn các vấn đề có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả; bảo đảm tính kế thừa kết quả thực hiện của các cơ quan liên quan; phân công, phối hợp, triển khai thực hiện khoa học, chặt chẽ, tránh chồng chéo, phô trương, hình thức, gây lãng phí, tốn kém.

Đối tượng giám sát là Chính phủ, các Bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan, UBND cấp tỉnh của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thời gian giám sát từ ngày 1/1/2016 đến hết ngày 31/12/2021, trong đó có xem xét những nội dung mang tính kế thừa, liên quan trong giai đoạn trước hoặc sau khung thời gian nêu trên…

Cũng trong sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương các báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.