Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng

NDO - Ngày 28/9, tại Nha Trang, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) tổ chức Hội thảo “Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với nhóm mặt hàng: dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng - Thực trạng và giải pháp”.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh buổi hội thảo.
Toàn cảnh buổi hội thảo.

Hội thảo có sự tham dự của các đơn vị trực thuộc bộ, ngành là thành viên của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia như: Cục Quản lý Dược, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế); Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương); Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an); Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính); Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ); Vụ I-Văn phòng Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 của 30 tỉnh, thành phố.

Buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả nói chung và đối với nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng nói riêng là một trong những vấn nạn của xã hội, ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến kinh tế, sức khỏe, tính mạng của người dân, cũng như lợi ích người tiêu dùng.

Đối với các doanh nghiệp, hoạt động này có thể tác động đến uy tín thương hiệu của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chính đáng; gây thất thu ngân sách, tác động tiêu cực đến sự phát triển ổn định, lành mạnh của môi trường kinh doanh và an ninh trật tự.

Trong 4 năm thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và lực lượng chức năng đã vào cuộc quyết liệt, tích cực phối hợp và triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, đấu tranh. Cùng với sự ủng hộ của người tiêu dùng, sự lên án, tẩy chay, tố giác các hành vi vi phạm của cộng đồng doanh nghiệp, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã phát hiện và xử lý hàng chục nghìn vụ việc vi phạm.

Theo số liệu tổng hợp của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, trong năm 2022, trên cả nước phát hiện và xử lý 3.527 vụ vi phạm, gồm: 807 vụ kinh doanh hàng lậu; 2491 vụ gian lận thương mại và 229 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ. Xét về nhóm mặt hàng, có 1.009 vụ dược phẩm, 1.618 vụ mỹ phẩm và 822 vụ thực phẩm chức năng vi phạm. Số vụ vi phạm về thực phẩm chức năng tăng 147,5% so với năm 2021.

Kết quả này cho thấy, hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng tuy giảm dần trong những năm gần đây nhưng còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Nguyên nhân bởi xu hướng cạnh tranh và bảo hộ mậu dịch giữa các quốc gia, áp lực lạm phát gia tăng, nhu cầu phát triển sản xuất, tiêu dùng tăng cao.

Ngoài ra, biến động chênh lệch giá hàng hóa giữa các khu vực, vùng miền ở trong và ngoài nước còn lớn. Đặc biệt là sự khan hiếm cục bộ và tăng giá đột biến của một số mặt hàng trọng điểm thiết yếu là động cơ dẫn đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Tại hội thảo, đại diện các cấp, ngành, cơ quan và lực lượng chức năng đã trao đổi, thảo luận và đánh giá đúng thực trạng, dự báo đúng tình hình, đưa ra các giải pháp căn cơ và hiệu quả nhất cho công tác này.