Từ trưa 12/4, sau khi xảy ra sự cố sạt trượt trong hầm đường sắt Bãi Gió gây ách tắc giao thông trên toàn tuyến qua Đèo Cả, ngành đường sắt đã huy động các lực lượng liên tục thi công khắc phục.
Nhà thầu đưa ra 3 giải pháp để khắc phục nhưng đều thất bại, vì tình trạng sạt lở đất đá trong hầm chưa dừng lại, việc khắc phục bên trong hầm để thông tàu trở nên khó khăn hơn.
Ông Nguyễn Hữu Khánh Nguyên, Phó Tổng Giám đốc Công ty Công trình 3 cho biết cụ thể: từ chiều tối 13/4 đến sáng 14/4 , tình trạng sạt lở tại hầm đường sắt Bãi Gió tiếp tục xảy ra với khối lượng đất đá sạt lở khoảng 150m3. Hiện lượng đất đá trong hầm là khoảng 200m3, trong khi 2 ngày trước đó, khối lượng đất, đá đã xử lý là gần 180m3.
"Vụ sạt lở này chưa có tiền lệ trong ngành đường sắt. Nhà thầu đã cố gắng rất nhiều nhưng chiều cao đá quá lớn. Tất cả các giải pháp đều không khả thi...", ông Nguyễn Hữu Khánh Nguyên nói.
Hôm nay, chủ đầu tư dự án, nhà thầu, các kỹ sư của Bộ Giao thông Vận tải cùng Tổng công ty đường sắt Việt Nam đã tiến hành khảo sát tổng thể khu vực sạt lở trên, trong hầm và bên ngoài, sau đó thống nhất đưa ra phương án: chuyển vật tư lên trên hầm và khoan xuống điểm sạt lở rồi đổ bê-tông xuống ngăn sạt lở từ trên xuống và công việc này đang được triển khai.
Công tác trung chuyển khách đi tàu giữa ga Tuy Hòa và ga Giã tiếp tục được triển khai trong khi chờ thông tuyến đường sắt qua hầm Bãi Gió. |
Cụ thể, các đơn vị thi công sẽ khoan từ trên núi xuống vị trí hầm Bãi Gió, rồi đổ bê-tông vào phía trên nắp hầm để ổn định, sau khi bê-tông đông kết thì công nhân sẽ vào bên trong hầm tiến hành thu dọn đất đá, vận chuyển ra bên ngoài. Sau đó đưa dầm gia cố theo thiết kế để gia cố phía bên trong hầm, rồi sẽ tiếp tục các bước tiếp theo.
Lãnh đạo Chi nhánh Khai thác đường sắt Phú Khánh - chủ đầu tư dự án cho biết: các đơn vị liên quan đang nỗ lực hết sức để đưa hầm đường sắt Bãi Gió hoạt động trở lại sớm nhất.
Trong đêm 13/4 và ngày 14/4 , các đơn vị vận tải đường sắt vẫn tiếp tục triển khai chuyển tải hành khách các đoàn tàu Thống Nhất giữa ga Tuy Hòa, Phú Yên và ga Giã, tỉnh Khánh Hòa. Ngành đường sắt cử nhân viên hỗ trợ hành khách chuyển hành lý lên xe trung chuyển.
Hầm Bãi Gió dài hơn 400m, cao 5m, rộng 4m, vỏ hầm làm bằng bê-tông, nằm trên địa bàn huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, được xây dựng cách đây hơn 100 năm và đưa vào sử dụng năm 1936. Hầm đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa.
Hiện ngành đường sắt huy động hơn 200 công nhân, 2 đoàn tàu, 4 máy loại nhỏ đưa vào hầm nhằm khắc phục sự cố sạt lở.
Cơ quan chức năng ghi nhận đợt sạt lở đầu tiên vào trưa 12/4, khoảng 180m3 đất đá đổ xuống đường ray, kéo dài khoảng 20m, cách cửa phía bắc hầm chừng 85m. Thời điểm này không có tàu nào đi qua.
Ngành chức năng nhanh chóng triển khai lực lượng khắc phục sự cố, đến 4 giờ sáng 13/4, khi công việc gần hoàn thành thì bất ngờ xuất hiện đợt sạt lở thứ 2 với khối lượng ước tính khoảng 50m3. Từ đêm 13/4 đến nay, lượng lớn đất đá từ trên trần hầm tiếp tục rơi xuống khiến công tác khắc phục gặp nhiều khó khăn.
Công tác khắc phục sự cố sụt lở hầm Bãi Gió gặp khó khăn. |
Liên quan đến công tác sửa chữa khắc phục sự cố hầm đường sắt, Khu quản lý đường bộ 3 cho biết, hầm đường sắt Bãi Gió giao chéo bên dưới với Quốc lộ 1A khu vực Đèo Cả, ảnh hưởng đến an toàn công trình đường sắt, đường bộ và an toàn giao thông tại khu vực. Đơn vị quản lý đường sắt đang triển khai phương án khắc phục sự cố sụt lún trong hầm.
Trong thời gian chờ khắc phục, để bảo đảm an toàn công trình đường sắt, đường bộ và an toàn giao thông cho phương tiện giao thông đường bộ, Khu Quản lý đường bộ III, Cục Đường bộ Việt Nam tổ chức phân luồng, không cho các xe ô-tô qua đèo Cả. Các phương tiện chọn 1 trong 3 lộ trình để lưu hành theo hướng bắc-nam và ngược lại. Thời gian phân luồng từ chiều 14/4 đến khi khắc phục xong sự cố, bảo đảm điều kiện an toàn để lưu thông trên Quốc lộ 1A khu vực Đèo Cả.
Các lực lượng chức năng đã ngăn tất cả các phương tiện (trừ xe 2 bánh) lưu thông trên Quốc lộ 1A đoạn qua Đèo Cả, ô-tô các loại phải lưu thông qua hầm đường bộ Đèo Cả.
Tuy nhiên một số phương tiện như xe chở nhiên liệu, xe chở hàng độc hại, dễ cháy, chất nổ, hàng hóa nguy hiểm, xe quá khổ... không được qua hầm đường bộ đèo Cả.
Khu Quản lý đường bộ III thông báo phương án tổ chức phân luồng, cho các phương tiện giao thông đường bộ không được lưu thông qua hầm đường bộ Đèo Cả. Các phương tiện này chọn 1 trong 3 lộ trình. 3 lộ trình có điểm chung là các phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 1A khi đến các điểm giao cắt với các tuyến Quốc lộ trục ngang sẽ rẽ phải theo hướng tây-nam.