Quảng Bình:

Khắc phục nguy cơ sạt lở hầm đường sắt

Trên tuyến đường sắt bắc - nam đoạn qua tỉnh Quảng Bình có các hầm được xây dựng từ thời Pháp thuộc, có lịch sử hơn trăm năm, đến nay đang xuống cấp nghiêm trọng, gây nguy cơ mất an toàn giao thông. Hiện, các đơn vị liên quan đang thực hiện dự án nâng cấp, gia cố các hầm yếu để bảo đảm an toàn chạy tàu.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân gia cố khung vòm trong hầm đường sắt đoạn qua huyện Tuyên Hóa.
Công nhân gia cố khung vòm trong hầm đường sắt đoạn qua huyện Tuyên Hóa.

1/Đầu tháng 8 này, tại huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình đã xảy ra vụ sạt lở hầm đường sắt bắc - nam. Vị trí xảy ra sự cố là hầm số 2, thuộc cung cầu hầm Lạc Sơn, huyện Tuyên Hóa là một trong ba hầm đường sắt tại Quảng Bình đang được triển khai thi công gia cố, sửa chữa. Vụ sạt lở không gây thiệt hại về người nhưng đã làm hỏng một bộ khung chống tạm và nhất là làm cho năm đoàn tàu chở khách, ba đoàn tàu hàng bị ách tắc trên tuyến nhiều giờ liền. Nguyên nhân sạt lở ban đầu được xác định là mưa gió, đá vôi ngấm nước, tự rã rồi rơi xuống.

Theo Công ty cổ phần Đường sắt tỉnh Quảng Bình, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng tuyến đường sắt xuyên Việt đoạn qua tỉnh Quảng Bình dài hơn 174 km. Trên tuyến này có năm hầm đường sắt với tổng chiều dài 684 m, gồm ba hầm thuộc các cung cầu đường Lạc Sơn, hai hầm thuộc cung cầu hầm Lệ Sơn đều thuộc huyện Tuyên Hóa. Đây là các hầm được xây dựng từ thời Pháp thuộc, có lịch sử hơn trăm năm. Qua nhiều thời gian sử dụng, vỏ hầm đã hư hỏng, khi trời mưa to, liên tục, nước chảy thấm xuống đường sắt. Do khung chống trong hầm đã xuống cấp nghiêm trọng nên nguy cơ đá từ trong đỉnh hầm rơi xuống đường sắt bất cứ khi nào. Còn bên ngoài cửa hầm, các tảng đá từ trên núi có nguy cơ rơi, lăn xuống đường sắt, uy hiếp đến an toàn chạy tàu.

Bên cạnh đó, cung cầu hầm Lạc Sơn - Lệ Sơn, huyện Tuyên Hóa có độ dốc khá lớn, địa hình phức tạp do một bên là núi đá vôi cao, một bên là sông Gianh. Đoạn sông này vừa sâu, vừa chảy hình vòng cung, gây nguy cơ sạt lở, ngập lụt đường sắt mỗi khi xảy ra mưa lũ. Có những năm lũ lớn trên sông Gianh, gây ngập và sạt lở đến chân đường sắt thuộc cung cầu hầm này nên ngành Đường sắt phải khẩn cấp dừng chạy tàu một thời gian dài.

Để bảo đảm an toàn cho các hầm và cung cầu đường qua huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, đơn vị quản lý đã đề xuất với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải sớm thực hiện các dự án gia cố, xử lý các vị trí đá lăn, đá rơi khu vực hầm, gia cố các hầm từ bên trong. Đối với những vị trí có đá lớn treo lơ lửng bên trong hầm có nguy cơ rơi xuống đường sắt, đơn vị quản lý đề xuất gia cố tạm bằng khung vòm làm giá đỡ đá.

2/Giám đốc Công ty cổ phần Đường sắt Quảng Bình Trần Ngọc Sơn cho biết, dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh-Nha Trang do Ban Quản lý dự án 85 (Bộ Giao thông vận tải) được giao làm chủ đầu tư. Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, cùng với đó, mưa lũ tại các tỉnh miền trung đã ảnh hưởng nhiều đến tiến độ triển khai dự án.

Riêng tại Quảng Bình, các đơn vị liên quan đang triển khai dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu trên tuyến đường sắt bắc - nam, trong đó có ba hầm trên cung cầu đường Lạc Sơn đang trong giai đoạn thi công sửa chữa. Giám đốc Công ty cổ phần Đường sắt Quảng Bình cho biết, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra cũng như bảo đảm tuyệt đối an toàn cho công tác chạy tàu, Công ty đã xây dựng phương án ứng phó. Trong đó, cử các tổ, nhóm công nhân trực 24/24 giờ trên cung cầu hầm và các điểm xung yếu để theo dõi trạng thái các hầm, dán tem theo dõi các vết nứt vỏ hầm; khai thông mương rãnh trong và trên đỉnh hầm đường sắt; đánh dấu các cụm đá nằm chênh vênh trên sườn dốc hai đầu hầm nhằm kịp thời có biện pháp xử lý trong tình huống nguy hiểm uy hiếp an toàn chạy tàu.

Công ty thường xuyên kiểm tra các yêu cầu kỹ thuật của các ghi khóa chính tuyến, đặc biệt là ở các điểm xung yếu, các bộ ghi khu gian cung cầu hầm tại Tuyên Hóa; chẻ các tảng đá có nhiều nguy cơ ngã đổ xuống đường sắt, gia cố các móng mố trụ có nguy cơ xói lở; dự phòng vật tư, xe máy, thiết bị như: tà vẹt gỗ, rọ đá, đá hộc, dầm ở các vị trí xung yếu, bảo đảm công tác cứu hộ, cứu nạn kịp thời. Đơn vị tổ chức nhiều lượt kiểm tra để kịp thời phát hiện các vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, hư hỏng trên toàn tuyến đường sắt, bảo đảm không để bất kỳ một tình huống nguy hiểm nào gây mất an toàn chạy tàu.