Nguồn vốn, hỗ trợ của hai chương trình đã đưa hàng nghìn chiếc máy tính tới các em học sinh, giúp các em không bị “đứt” học trực tuyến, có điều kiện mở rộng học tập.
Cho vay mua máy tính về bản
Gia đình anh Trần Văn Huân ở xã Dương Phong (Bạch Thông) khá khó khăn. Xót ruột vì thấy con gái lớn Trần Thị Trúc Ly (học sinh Trường Tiểu học, Trung học cơ sở Đôn Phong) vất vả để duy trì việc học online bằng điện thoại hại mắt nhưng anh lại không có đủ tiền để mua máy tính. Ngay khi biết đến chương trình cho vay vốn mua máy tính và thiết bị học tập, anh Huân đã phấn khởi đăng ký.
Bên chiếc laptop, Trúc Ly và các bạn say sưa tham gia thi “Trạng nguyên nhí”. Em chia sẻ: “Có máy tính em vui lắm. Từ khi có máy tính, các chị cũng hướng dẫn em học tiếng Anh trên máy tính, tham gia thi Trạng nguyên nhí và nghe các thầy cô giáo dạy toán, dạy Tiếng Việt trên Youtube”.
Anh Đinh Công Nguyên, thôn Tổng Ngay, xã Dương Phong cho biết: “Nhờ chương trình mà tôi được vay vốn để mua máy tính cho con học. Bây giờ dịch đã ổn nhưng cũng không nói trước được, có máy tính rất thuận tiện cho việc học của con, hy vọng con sẽ có kết quả tốt hơn nữa”.
Học sinh ở xã Dương Phong, huyện Bạch Thông sử dụng máy tính để học tập. |
Tại huyện Bạch Thông, tính đến hết tháng 7, toàn huyện đã có 110 học sinh, sinh viên được vay vốn theo chương trình, với tổng dư nợ hơn 1 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đang tiếp tục phối hợp các xã, thị trấn, tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác tăng cường tuyên truyền, phổ biến chương trình để các hộ có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn tiếp cận một cách hiệu quả và nhanh chóng.
Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Na Rì Hoàng Văn Thái cho biết: Học sinh, sinh viên là thành viên của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình hoặc có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 hiện không có máy tính, thiết bị đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu học tập trực tuyến và chưa được hưởng chính sách hỗ trợ máy tính, thiết bị học tập trực tuyến dưới mọi hình thức sẽ được vay vốn.
Mức cho vay tối đa 10 triệu đồng/học sinh, sinh viên; lãi suất 1,2%/năm; thời hạn cho vay tối đa 36 tháng. Thủ tục vay vốn đơn giản, dễ dàng nên nhiều hộ dân đủ điều kiện đã được tiếp cận nguồn vốn. Đến nay, nguồn vốn của chương trình được triển khai nhanh chóng. Tính đến 14/8, toàn huyện Na Rì đã có 264 học sinh có máy tính để học tập thông qua vay vốn chương trình với tổng dư nợ hơn 2,6 tỷ đồng.
Đa dạng nguồn lực
Theo thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Kạn, tính đến ngày 14/8, doanh số cho vay của chương trình cho học sinh, sinh viên vay vốn mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến là hơn 9,2 tỷ đồng với 721 hộ vay vốn để mua máy tính cho 928 em học sinh, sinh viên. Dư nợ hiện còn hơn 9,1 tỷ đồng của 715 hộ, vay.
Để hỗ trợ học sinh, tháng 5/2022, Bắc Kạn ban hành kế hoạch triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Tháng 6/2022, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Kạn phát động ủng hộ chương trình. Bắc Kạn kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ bằng tiền, các thiết bị công nghệ mới hoặc đã qua sử dụng nhưng vẫn dùng tốt và đáp ứng khả năng dạy và học trực tuyến (máy tính để bàn, máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh...); ủng hộ bằng nền tảng công nghệ, phần mềm hỗ trợ dạy và học trực tuyến; ủng hộ bằng cơ chế, chính sách của các doanh nghiệp viễn thông…
Bắc Kạn cũng nỗ lực khắc phục hạn chế trong hạ tầng công nghệ thông tin để đáp ứng nhu cầu sử dụng máy tính cho học sinh. Hiện 96% thôn, bản của Bắc Kạn đã có sóng 2G nhưng chỉ khoảng 90% số thôn bản có thể bắt được sóng 3G. Do đó, trước khi triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em”, Sở Thông tin và truyền thông Bắc Kạn đã yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông tiếp tục rà soát, nâng cấp lên phát sóng 3G.
Số lượng học sinh, sinh viên cần máy tính để học tập trên toàn tỉnh Bắc Kạn là khá nhiều, ước tính khoảng 16 nghìn em. Tuy nhiên, đối tượng vay vốn lại khá “hẹp”, chỉ dành cho hộ nghèo, cận nghèo nên tại nhiều Tổ Tiết kiệm và vay vốn nhiều hộ dân muốn vay lại không được do không đáp ứng điều kiện. Rất nhiều hộ chỉ mới thoát nghèo, kinh tế chưa thật vững, muốn vay vốn thì không tiếp cận được. Trong khi đó, theo Sở Giáo dục và đào tạo Bắc Kạn, đến 15/8, Sở mới tiếp nhận được 101 máy tính được ủng hộ qua chương trình “Sóng và máy tính cho em”.
Bắc Kạn chỉ đạo, trong năm 2022, huy động, hỗ trợ thiết bị công nghệ cho học sinh, sinh viên thuộc đối tượng. Trước mắt tập trung ưu tiên cho các địa bàn đang tổ chức dạy và học trực tuyến. Trong năm 2023, tùy theo tình hình dịch bệnh, có thể tiếp tục phát động để huy động mọi nguồn lực trong xã hội, hướng tới mục tiêu 100% học sinh, sinh viên thuộc đối tượng hỗ trợ được trang bị thiết bị công nghệ đáp ứng việc dạy và học trực tuyến.