Chính sách tài chính vượt qua thách thức, hướng tới phát triển bền vững

NDO - Ngày 30/11/2023, tại thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), diễn đàn Tài chính Việt Nam 2023 với chủ đề “Chính sách tài chính vượt qua thách thức, hướng tới phát triển bền vững” đã được Bộ Tài chính và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) được tài trợ bởi Liên minh châu Âu (EU), Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển liên bang Đức (BMZ) phối hợp tổ chức.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh diễn đàn.
Toàn cảnh diễn đàn.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, năm 2023, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, thách thức nhiều hơn so với dự báo. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột giữa Nga-Ukraina và Israel-Hamas tại Dải Gaza phức tạp, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, lạm phát vẫn ở mức cao.

Những vấn đề trên khiến các nền kinh tế lớn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao, nợ công toàn cầu tăng mạnh. Thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro; hoạt động xuất, nhập khẩu bị thu hẹp. An ninh năng lượng và lương thực toàn cầu gặp nhiều thách thức.

Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh năm 2023, bên cạnh Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Bộ Tài chính đã tham mưu các cấp thẩm quyền giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023 đối với hầu hết các mặt hàng đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%.

Đồng thời, gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023 đối với doanh nghiệp, tổ chức và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô-tô sản xuất, lắp ráp trong nước; giảm lệ phí trước bạ đối với ô-tô sản xuất, lắp ráp trong nước; giảm mức thu 36 khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tiết giảm chi phí của doanh nghiệp, người dân...

Chính sách tài chính vượt qua thách thức, hướng tới phát triển bền vững ảnh 1

Thứ trưởng Tài chính Cao Anh Tuấn phát biểu tại diễn đàn.

Trước những khó khăn, thách thức của nền kinh tế, nhiều tổ chức quốc tế đã dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 ở mức 4,5-5,8% và tăng lên mức 5,5-6,5% trong năm 2024. Lạm phát được kiểm soát ở mức 3,0-3,8% trong năm 2023 và có thể tăng lên 4,71% trong năm 2024.

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức từ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm; lạm phát vẫn ở mức cao; sự sụt giảm cầu nhập khẩu từ các nước đối tác thương mại lớn; xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ tiếp tục diễn ra; nợ công tăng cao và hỗ trợ tài khóa cho nền kinh tế ngày càng thu hẹp.

Cùng với đó, một số thách thức nội tại cũng sẽ tạo áp lực cho quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong nước nói chung. Việc triển khai các nhiệm vụ tại các nghị quyết Trung ương về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển các vùng, đổi mới mô hình tăng trưởng… đòi hỏi chính sách tài chính phải có sự điều chỉnh linh hoạt, phù hợp nhằm huy động và phân bổ hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết, thời gian qua Bình Định đã có sự phát triển mạnh mẽ, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực duyên hải miền trung. Trong nhiệm kỳ 2021-2025, đến nay quy mô nền kinh tế và tốc độ tăng trưởng GRDP của Bình Định đã có bước phát triển khá ấn tượng, dù trong thời điểm Covid-19, mức tăng trưởng GRDP năm 2021 vẫn đạt khoảng 4,31%, năm 2022 đạt 8,57%, năm 2023 ước tăng 7,61%, đây là sự nỗ lực rất lớn của Bình Định.

Chính sách tài chính vượt qua thách thức, hướng tới phát triển bền vững ảnh 2

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Anh Tuấn mong muốn thời gian tới Bình Định sẽ trở thành trung tâm lớn của cả nước trên nhiều lĩnh vực.

Trong thời gian qua, chúng tôi đã triển khai thực hiện chiến lược tài chính đến năm 2030, mục tiêu tổng quát là nâng cao hiệu quả, huy động nguồn lực ngân sách Nhà nước, phát huy tiềm năng lợi thế của tỉnh, giải quyết hài hòa các vấn đề phát triển kinh tế-xã hội và môi trường, bảo đảm an ninh quốc phòng, an ninh xã hội gắn với mục tiêu tăng trưởng bền vững, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế số.

Hiện nay, Bình Định đang hoàn thiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050, theo đó mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu trở thành tỉnh phát triển dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung. Từ đó phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp, chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa của vùng và thành trung tâm lớn của cả nước về kinh tế biển dựa trên 5 trụ cột tăng trưởng.

Trong thời gian tới, Bình Định sẽ là nơi đặt nền móng kinh doanh, đầu tư và phát triển, đặc biệt là tập trung phát triển năng lượng xanh và năng lượng tái tạo. Vì thế, chúng tôi rất mong quý vị quan tâm đến Bình Định và các tỉnh miền trung trong việc đầu tư phát triển điện gió, điện mặt trời, góp phần tăng trưởng xanh không những cho Việt Nam mà cho cả các nước trong khu vực và trên thế giới, ông Tuấn cho biết.

Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2023 được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, thu hút sự tham gia của khoảng 300 đại biểu là đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; một số cơ quan địa phương; đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính. Ngoài ra còn có các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, nhà khoa học, chuyên gia kinh tế-tài chính trong và ngoài nước; các tổ chức quốc tế (EU, GIZ, BMZ, IMF, UNICEF…)

Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2023 gồm phiên tổng thể và 2 phiên tham luận: Phiên 1: Chính sách tài chính vượt qua thách thức thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội; Phiên 2: Chính sách tài chính hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Thành công của Diễn đàn Tài chính Việt Nam năm 2023 sẽ là động lực quan trọng để Bộ Tài chính tổ chức Diễn đàn Tài chính Việt Nam các năm tiếp theo, tạo ra không gian khoa học cho những sáng kiến về các vấn đề kinh tế-tài chính đang được dư luận xã hội quan tâm.