Cần "khung" chính sách nâng đỡ kênh cho thuê tài chính

Nhu cầu vốn của nền kinh tế luôn ở mức rất cao nhưng gánh nặng cung ứng vốn tập trung vào hệ thống ngân hàng thương mại. Trong khi đó, cho thuê tài chính là kênh hỗ trợ vốn trung, dài hạn có nhiều ưu điểm nhưng không thể "chia lửa" với ngân hàng do chưa được khuyến khích phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
Hội thảo "Kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi phát triển cho thuê tài chính ở Việt Nam" do Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam phối hợp Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) tổ chức. (Ảnh MINH PHƯƠNG)
Hội thảo "Kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi phát triển cho thuê tài chính ở Việt Nam" do Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam phối hợp Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) tổ chức. (Ảnh MINH PHƯƠNG)

Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam cho biết, hiện cả nước có khoảng 10 công ty cho thuê tài chính còn hoạt động với tổng tài sản đạt hơn 40 nghìn tỷ đồng, tổng dư nợ cho thuê đạt gần 33 nghìn tỷ đồng, bằng 0,33% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Đây là con số quá nhỏ so với quy mô nền kinh tế hơn 400 tỷ USD của nước ta.

Kênh dẫn vốn trung và dài hạn

"30 năm qua, dư nợ cho thuê tài chính của Việt Nam mới chỉ tương đương một công ty tài chính tiêu dùng cỡ trung bình ở nước ngoài, chiếm 0,03% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế, chiếm 0,42% GDP. Con số này là quá thấp đối với một đất nước có 800 nghìn doanh nghiệp, nhu cầu vốn trung và dài hạn rất lớn như Việt Nam", Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) trăn trở. Vị chuyên gia cũng lý giải nguyên nhân của tình trạng này là do các công ty cho thuê tài chính, tổ chức tín dụng phi ngân hàng vẫn bị coi là "con nuôi", không có chính sách khuyến khích phát triển.

Nói rõ hơn về những hạn chế của khung pháp lý để phát triển thị trường cho thuê tài chính Việt Nam, ông Nguyễn Thiều Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Cho thuê tài chính TNHH BIDV SuMi TRUST Leasing chỉ ra: Luật Các tổ chức tín dụng chưa cho phép công ty cho thuê tài chính được góp vốn, mua cổ phần, thành lập công ty con, công ty liên kết dưới mọi hình thức. Công ty cho thuê tài chính cũng không được vay từ một năm trở lên tại các tổ chức tín dụng, trừ ngân hàng mẹ, nghĩa là cấp tín dụng trung dài hạn nhưng chỉ được vay ngắn hạn ở các tổ chức tín dụng khác.

Thông tin đưa ra tại hội thảo "Kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi phát triển cho thuê tài chính ở Việt Nam" do Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam phối hợp Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) tổ chức mới đây cho thấy: Cho thuê tài chính có vai trò quan trọng trong mục tiêu phát triển thị trường tài chính toàn diện. Điểm khác biệt của cho thuê tài chính là thay vì vay vốn tín dụng để đầu tư dây chuyền sản xuất, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải... cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp có thể thuê các thiết bị đó từ công ty cho thuê tài chính mà không cần thế chấp, thời gian làm thủ tục nhanh gọn. Tại châu Âu, gần 40% doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng dịch vụ cho thuê tài chính; còn tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), có tới hơn 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa thuê tài sản, máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất.

Kiến tạo chính sách phát triển

Theo đánh giá của ông Jinchang Lai, Chuyên gia trưởng Nhóm Phát triển cơ sở hạ tầng tài chính khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Nhóm tư vấn các định chế tài chính IFC), Việt Nam cần có luật cụ thể và tư duy rõ ràng cho sự phát triển của ngành cho thuê tài chính. Trường hợp gộp chung một luật, cần tách bạch rõ yêu cầu quản lý và giám sát đối với các tổ chức cho vay không nhận tiền gửi. Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, số lượng các công ty tài chính phải nhiều gấp 10 lần ngân hàng thương mại mới là con số lý tưởng. Về lâu dài, cần có Luật cho thuê tài chính riêng, hoặc có thể là một mục riêng trong Bộ luật Dân sự.

Để có hành lang pháp lý phù hợp phát triển hoạt động cho vay tài chính tại Việt Nam, các chuyên gia kinh tế cho rằng, yêu cầu đầu tiên là phải có định nghĩa phù hợp về công ty tài chính, nội dung này có thể thực hiện cùng với việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, cần có quy định cụ thể, rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên; tích hợp trong khung giao dịch bảo đảm; xử lý hiệu quả tài sản cho thuê; bảo đảm quyền mạnh mẽ của bên cho thuê theo Luật Phá sản, gồm quyền ưu tiên, tự động phong tỏa và đưa vào tài sản phá sản,...

Phía các công ty cho thuê tài chính cũng mong muốn cơ quan quản lý chức năng xây dựng các chính sách nhằm khuyến khích phát triển thị trường thuê tài chính thông qua việc khuyến khích sử dụng dịch vụ/tài sản thuê tài chính, có giải pháp tăng cường truyền thông, phổ biến về dịch vụ thuê tài chính đến thị trường. Trước mắt, cần soạn thảo Nghị định về cho thuê tài chính điều chỉnh các vấn đề liên quan.

Theo đề xuất của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), các công ty cho thuê tài chính cần chú trọng đến chất lượng tư vấn, mở ra các kênh tiếp cận để doanh nghiệp biết đến dịch vụ và chủ động tìm đến khi có nhu cầu. Cũng có thể xem xét xây dựng các mô hình hợp tác giữa công ty cho thuê tài chính và doanh nghiệp để tạo tính lan tỏa, hình thành thị trường trong tương lai. Qua đó phát triển kênh dẫn vốn trung và dài hạn, giảm sức ép cung cấp tín dụng cho hệ thống ngân hàng và trở thành đệm đỡ cho phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đến năm 2025-2030, cần đặt mục tiêu nâng dư nợ cho thuê tài chính lên 3-5% tổng dư nợ nền kinh tế. Để xây dựng một luật riêng cho vấn đề này là rất khó, biện pháp hiệu quả hơn là đề xuất đưa vào thành một mục trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp tháng 10/2023 với ba điểm chính: Mở rộng hơn cho các công ty cho thuê tài chính có thể đi vay các tổ chức tín dụng khác kể cả trung, dài hạn; các công ty phải công khai, minh bạch để phát hành trái phiếu doanh nghiệp; có cơ chế ưu đãi rõ ràng về thuế, phí và mở rộng hoạt động tư vấn cho các doanh nghiệp.

Tiến sĩ CẤN VĂN LỰC

Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV)