Chính phủ Lào: Tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Lào sẽ đạt 4,4%

NDO - Tờ Vientiane Times ngày 26/10 đưa tin, mặc dù gặp khó khăn tài chính nhưng Chính phủ Lào vẫn đưa ra dự báo nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 4,4% trong năm 2022, thấp hơn mục tiêu đề ra 4,5%.
0:00 / 0:00
0:00
Chính phủ Lào nhận định nền kinh tế nước này tăng trưởng ở mức 4,4%. (Ảnh: Trịnh Quốc Dũng)
Chính phủ Lào nhận định nền kinh tế nước này tăng trưởng ở mức 4,4%. (Ảnh: Trịnh Quốc Dũng)

Tờ báo dẫn lời ông Oula Somchanmavong, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Kế hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào mới đây đã nêu rõ các chỉ số quan trọng trong hoạt động kinh tế năm 2022. Theo đó, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Lào tăng trưởng 4,5% trong quý I năm 2022, trước khi giảm xuống lần lượt còn 4,2% và 3,8% trong quý II và quý III.

Một số động lực tăng trưởng kinh tế chính của Lào đến từ các lĩnh vực nông nghiệp và du lịch, là những lĩnh vực phục hồi mạnh mẽ sau khi Lào dỡ bỏ các lệnh hạn chế trong thời kỳ dịch Covid-19 bùng phát.

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực công nghiệp cũng ghi nhận những đóng góp đáng kể từ các ngành khai khoáng và xuất khẩu năng lượng trong vòng 9 tháng qua.

Ông Oula cũng thông tin cho biết, số thu ngân sách cũng đạt chỉ tiêu trong vòng 9 tháng qua, đặc biệt là nguồn thu từ các dự án thí điểm và những dự án đang triển khai, từ chi phí vốn và phí môi trường liên quan tới lĩnh vực điện và các nguồn thu khác.

Cụ thể, trong 9 tháng qua, Lào đã thu ngân sách được 24.240 tỷ kíp (đơn vị tiền tệ của Lào) trên tổng số mục tiêu cả năm là là 31.590 tỷ kíp, đạt tỷ lệ khoảng 76,7%. Trong khi đó, Lào chi ngân sách 9 tháng đạt 21.090 tỷ kíp trên tổng số mục tiêu đề ra là 34.690 tỷ kíp, đạt tỷ lệ khoảng 60,8%.

Tuy nhiên, Lào tiếp tục phải chịu ảnh hưởng những tác động từ bên ngoài, bao gồm suy thoái kinh tế toàn cầu, xung đột tại Ukraine, đại dịch Covid-19 và thiên tai.

Cục Thống kê Lào cho biết, tỷ lệ lạm phát hằng năm của nước này đã tăng từ 30,01% trong tháng 8, lên 34% vào tháng 9/2022. Đây là mức lạm phát cao nhất Lào từng ghi nhận trong 22 năm qua, nguyên nhân chủ yếu do sự tăng giá của các mặt hàng lương thực, thực phẩm, thuốc men, nhiên liệu xăng dầu và các mặt hàng tiêu dùng khác.