Theo báo cáo mới đây của IMF, tốc độ tăng trưởng của Lào trong tháng 10/2022 không có nhiều thay đổi, chỉ đạt ở mức 2,2% và sẽ kéo dài đến hết năm 2022, thấp hơn so mức 3,2% được dự báo vào tháng 4/2022.
IMF cho rằng, tốc độ tăng trưởng của Lào trong năm 2022 bị sụt giảm là do tác động bởi yếu tố cả bên trong và bên ngoài, nhất là do tăng trưởng kinh tế toàn cầu bị giảm từ 6,0% trong năm 2021 xuống còn 3,2% vào năm 2022 và 2,7% vào năm 2023. Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển châu Á cũng đã hạ triển vọng tăng trưởng trong năm 2022 của Lào từ 3,4% xuống còn 2,5%, và từ 3,7% xuống 3,5% vào năm 2023.
Theo IMF, đây là mức tăng trưởng yếu nhất của Lào nói riêng và thế giới nói chung kể từ năm 2001 đến nay, nguyên nhân là do khủng hoảng tài chính toàn cầu; sự tác động bởi đại dịch Covid-19 và ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga-Ukraine. Khoảng một phần ba các nền kinh tế trên thế giới phải đối mặt với hai quý tăng trưởng âm liên tiếp.
Theo số liệu, lạm phát toàn cầu năm 2021 là 4,7%, dự kiến sẽ tăng lên 8,8% trong năm 2022, nhưng IMF dự báo lạm phát sẽ giảm xuống 6,5% vào năm 2023 và 4,1% vào năm 2024. Tình trạng lạm phát tăng cao xảy ra phổ biến ở các nền kinh tế phát triển, nhưng tác động lớn nhất vẫn là tại các nước nền kinh tế mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển.
Tốc độ tăng trưởng của Lào sụt giảm là do tình trạng thiếu hụt nhiên liệu trầm trọng thời gian qua. Việc này đã ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động kinh tế, đặc biệt là nông nghiệp và sản xuất của Lào.
Việc IMF hạ dự báo mức tăng trưởng xuất phát từ gián đoạn nguồn cung hàng hóa và giá hàng hóa tăng cao ở Lào, điều này cũng đã làm cho tình trạng lạm phát ở Lào ngày càng tăng cao.
Trước đó, vào tháng 9/2022, Viện Kinh tế và Xã hội Lào (LASES) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Lào trong năm nay từ mức 4% xuống còn 3%, giảm 1% so dự báo trước đây.
Theo LASES, việc điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Lào là do tốc độ phục hồi nền kinh tế của Lào chậm hơn so dự kiến, nhất là trong các lĩnh vực có liên quan đến tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư tư nhân và đầu tư nhà nước.
Báo cáo của IMF cũng chỉ ra rằng, môi trường đầu tư kinh tế thế giới đang tạo ra nhiều thách thức đối với các thị trường mới nổi, các nền kinh tế đang phát triển. Bên cạnh đó, việc đồng USD tăng giá cũng đã làm gia tăng đáng kể áp lực giá cả trong nước và giá sinh hoạt ở các thị trường này.