Lào công bố các chính sách nhằm tăng tốc phát triển kinh tế

NDO -

Lào vừa công bố các công tác trọng tâm và chính sách trong 6 tháng cuối năm nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 4,5% trong năm 2022. Trong 6 tháng đầu năm nay, kinh tế Lào tăng trưởng 4,3%.

Bộ trưởng Khamjane Vongphosy khẳng định, mặc dù bị ảnh hưởng tiêu cực từ những nguyên nhân khách quan nhưng kinh tế Lào vẫn tăng trưởng cao. (Ảnh: Cộng tác viên)
Bộ trưởng Khamjane Vongphosy khẳng định, mặc dù bị ảnh hưởng tiêu cực từ những nguyên nhân khách quan nhưng kinh tế Lào vẫn tăng trưởng cao. (Ảnh: Cộng tác viên)

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Lào Khamjane Vongphosy khẳng định, GDP 6 tháng đầu năm 2022 của nước này đạt 95.212 tỷ kíp Lào, tăng trưởng mức 4,3%. Những lĩnh vực chủ yếu đóng góp tăng trưởng GDP gồm: sản xuất thịt, cá, trứng (đạt 50% kế hoạch); xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp (66,05%); xuất khẩu thực vật (67,8%); xuất khẩu vật nuôi (46,74%) và đặc biệt là sản xuất điện (55,86%). Một lĩnh vực khác giúp kinh tế Lào phục hồi trong 6 tháng đầu năm nay là du lịch nội địa, với 463.907 lượt du khách.

Tốc độ phát triển kinh tế trong 6 tháng đầu năm của Lào được đánh giá là tương đối cao, trong bối cảnh Lào chịu ảnh hưởng nặng nề do tình hình thế giới, khu vực, giá xăng, dầu tăng mạnh. Tuy nhiên, một thách thức đối với nền kinh tế Lào hiện nay là lạm phát ở mức cao, trung bình 5 tháng đầu năm là 9%.

Chính phủ Lào xác định 11 công việc trọng tâm, cần tập trung giải quyết trong 6 tháng cuối năm 2022, gồm: tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội gắn liền 2 chương trình quốc gia; khẩn trương giải quyết để kinh tế vĩ mô sớm trở lại tình trạng bình thường thông qua tập trung quản lý tỷ giá trao đổi tiền tệ, giá cả hàng hóa, tỷ lệ lạm phát ở mức độ có thể kiểm soát được; tập trung giải quyết vấn đề cung ứng đầy đủ xăng dầu bằng nhiều biện pháp; tiếp tục thực hiện Chỉ thị về tăng cường quản lý, chống thất thoát ngân sách, Nghị định về tiết kiệm, chống lãng phí, Nghị định về quản lý xe công và các văn bản dưới luật liên quan một cách nghiêm ngặt; tiếp tục cải thiện hiệu quả đầu tư nhà nước, dừng việc phân bổ nguồn vốn cho các dự án mới không có hiệu quả; tiếp tục khẩn trương giải quyết nợ công, đặc biệt là vấn đề nợ của các doanh nghiệp nhà nước; tiếp tục hiện thực hóa việc cải tổ doanh nghiệp nhà nước; khẩn trương điều chỉnh cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho tiến hành kinh doanh, kiểm tra, giám sát các dự án đầu tư có hợp đồng thanh toán nợ nước ngoài sắp hết hạn; tiếp tục chuẩn bị các vấn đề để đáp ứng việc mở cửa quốc gia. Ngoài ra, còn một số vấn đề như tăng cường giáo dục và dạy nghề, giải quyết tình trạng thất nghiệp…