Các đợt nắng nóng tàn khốc đã bao trùm nhiều khu vực ở châu Âu và Mỹ vào tháng trước, buộc nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế phải đưa ra lời kêu gọi tăng cường hành động ứng phó với tình trạng nóng lên toàn cầu. Theo các nhà khoa học, đây chính là nguyên nhân khiến hiện tượng thời tiết nắng nóng cực đoan xảy ra thường xuyên hơn và có sức phá hoại lớn hơn.
Với 2/3 dân số sống dưới mực nước biển, hạn hán có thể nhanh chóng trở thành một vấn đề cấp bách ở Hà Lan, dẫn đến các dòng sông bị bồi lấp và gây cản trở giao thông đường thủy.
“Thời tiết ở Hà Lan ngày càng khô nóng hơn trong những tuần vừa qua bởi tình trạng nước bốc hơi cũng như lưu lượng dòng chảy thấp từ nước ngoài đổ vào các con sông” – bà Michele Blom, nhân viên thuộc cơ quan quản lý nước và công trình công cộng của Hà Lan cho hay.
Ở thời điểm hiện tại, các sà lan trên hạ lưu sông Rhine - tuyến đường thủy quan trọng phục vụ vận chuyển than từ nội địa Rotterdam đến các nhà máy sản xuất thép và điện của Đức - đang hoạt động với công suất chưa đầy một nửa.
Bộ cơ sở hạ tầng và giao thông vận tải Hà Lan cho biết tính đến ngày 2/8, lưu lượng nước sông Rhine đạt khoảng 850 m3/giây tại thị trấn Lobith (khu vực cửa sông chảy vào Hà Lan) – mức “đặc biệt thấp” so với các thống kê trước đây ở thời điểm này trong năm.
Trong khi đó, tình hình có phần tốt hơn trên sông Maas (hay sông Meuse) chảy vào quốc gia Tây Âu từ Pháp.
Lượng nước ở Jselmeer - hồ nước ngọt nhân tạo lớn ở phía bắc Hà Lan được duy trì hợp lý và có thể cung cấp nước cho tỉnh Groningen.
Tuy nhiên, mực nước ngầm ở khu vực phía nam lại đang xuống mức rất thấp, gây ra hiện tượng tảo nở hoa và cá chết.
Trước tình trạng trên, các đơn vị cung cấp dịch vụ nước ở Hà Lan khuyến cáo mọi người sử dụng nước tiết kiệm, trong đó một số tỉnh phía nam như Zeeland và Limburg yêu cầu người dân không dùng nước mặt để phục vụ tưới tiêu.