"Chiến binh" sinh non nặng 460g

NDO - Với sự dốc sức chăm sóc của các y, bác sĩ, bé trai chào đời ở tuần thai 24, chỉ nặng vỏn vẹn 460g đã kiên cường vượt qua hành trình dài hơn 40 tuần trong phòng chăm sóc sơ sinh đặc biệt, từng ngày chiến đấu giữa lằn ranh sinh-tử, để sống sót kỳ tích. 
0:00 / 0:00
0:00
Bé trai chào đời chỉ nặng 460g.
Bé trai chào đời chỉ nặng 460g.

Gieo niềm hy vọng cho sản phụ 4 lần bị lưu thai

Suốt hành trình 5 năm sau hôn nhân với 4 lần được can thiệp thụ tinh nhân tạo, chị N.T.H (Hà Nội) đều tuột mất cơ hội làm mẹ vì bị lưu thai, thai sinh hóa. Căn bệnh dính buồng tử cung kèm tình trạng buồng trứng đa nang, rối loạn kinh nguyệt kéo dài là thách thức với các bác sĩ tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội (IVF Tâm Anh) khi đồng hành cùng sản phụ.

Ở tuổi 38, cuối cùng chị H. cũng đón nhận được tin vui sau 5 lần chuyển phôi. Thế nhưng, ở tuần thai 18, cổ tử cung của chị H. có dấu hiệu mở sớm, nguy cơ sinh non. Chị được chỉ định nhập viện theo dõi kết hợp truyền giảm co nhưng cổ tử cung tiếp tục tụt sâu, túi ối lọt trong âm đạo.

Phương án duy nhất được đặt ra là khâu vòng cổ tử cung cho sản phụ với hy vọng giữ được túi thai. Tuy nhiên, túi ối căng phồng trong ngả âm đạo có thể vỡ ngay khi chạm nhẹ, ở tuổi thai này em bé sẽ khó có thể được nuôi sống.

Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Thị Hiền Lê kết luận không thực hiện khâu vòng vì rủi ro vỡ ối quá cao. Chỉ còn cách duy nhất là tiếp tục sử dụng thuốc giảm co, chống nhiễm khuẩn. Tuy vậy, nguy cơ vỡ ối vẫn còn đó, kèm theo nguy cơ thai sinh non khó níu giữ cơ hội sống.

Đồng cảm với nỗi day dứt của người mẹ hiếm muộn nhiều năm, bác sĩ Hiền Lê cùng hội chuẩn với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoàng, Giám đốc IVF Tâm Anh, tìm cách giữ lại thai nhi non tháng trong bụng mẹ.

"Chiến binh" sinh non nặng 460g ảnh 1

Các bác sĩ cân nhắc hỗ trợ sản phụ giữ được thai lâu trong tử cung.

Phó Giáo sư Lê Hoàng phân tích, màng ối của sản phụ rất mỏng và trong tình trạng căng phồng nên chỉ có cách hút dịch ối để giảm áp, giảm thiểu nguy cơ vỡ ối đột ngột kết hợp đẩy phần túi ối trong âm đạo trở về đúng vị trí.

Tuy nhiên, mũi kim thông thường khó có thể tiếp cận buồng ối do thai nhỏ nằm xa thành bụng. Kim chọc hút noãn trong thụ tinh ống nghiệm trở thành lựa chọn tối ưu nhất lúc này, được sử dụng dưới vai trò hoàn toàn khác thường ngày.

Các bác sĩ có quyết định chưa từng có tiền lệ là di chuyển thiết bị từ khu vực vô khuẩn của Trung tâm Hỗ trợ sinh sản tới phòng mổ để thực hiện hút dịch ối.

Sau 3 tuần tính toán phương án cẩn thận, ở tuần 21, chị H. được đưa vào phòng mổ. Phó Giáo sư Lê Hoàng sử dụng kim chọc hút noãn tiếp cận màng ối qua đường bụng dưới hướng dẫn của siêu âm, thận trọng hút 120ml dịch ối ra ngoài. Thể tích nước ối giảm, túi ối bớt căng phồng, bác sĩ Hiền Lê đẩy màng ối bằng bóng sonde foley kết hợp khâu vòng cổ tử cung. Ca phẫu thuật thành công, màng ối toàn vẹn, mẹ và bé tiếp tục được theo dõi tại viện.

Sau phẫu thuật, hệ thống siêu âm và thiết bị chọc hút noãn được khử khuẩn kỹ để đưa trở lại vào khu vực vô khuẩn.

Hành trình nuôi dưỡng chiến binh sinh non nặng 460g

Sau ca phẫu thuật thành công, những tưởng sản phụ sẽ giữ con lâu trong bụng. Nhưng ở tuần 24, màng ối mỏng vỡ đột ngột, bàn chân thai nhi nằm gọn trong âm đạo người mẹ.

Sản phụ được mổ lấy thai khẩn cấp, thai nhi chào đời chỉ nặng 460g, không cất tiếng khóc, tím tái toàn thân, không có phản xạ của sự sống. Trẻ được ê-kíp các bác sĩ sơ sinh hồi sức thông khí áp lực dương, kẹp và cắt dây rốn chậm, đặt nội khí quản thở máy.

Sau khi kiểm tra tình trạng hô hấp, tim mạch và thân nhiệt ổn định, bác sĩ hối hả chuyển trẻ tới phòng hồi sức sơ sinh tiếp tục điều trị và chăm sóc.

Ngay lập tức, em bé được bơm surfactant giúp hỗ trợ khả năng hô hấp. Trẻ được đặt catheter chuyên dụng qua đường động mạch để theo dõi huyết áp liên tục.

Như nhiều trẻ sinh non khác, các bác sĩ đặt catheter tĩnh mạch rốn và thiết lập đường truyền trung tâm từ tĩnh mạch ngoại biên (Longline) để nuôi dưỡng tĩnh mạch lâu dài. Kỹ thuật Longline sử dụng catheter là kỹ thuật phức tạp và quan trọng ở một đơn vị hồi sức sơ sinh.

Bác sĩ Tố Như kể lại, em bé sinh ra chỉ nhỏ bằng bàn tay người lớn, cân nặng thấp và tuần tuổi cực non tháng. Tuần đầu tiên sau sinh là giai đoạn khó khăn nhất vì trẻ gặp nhiều nguy cơ về suy hô hấp nặng, suy tuần hoàn, xuất huyết não, vàng da, viêm ruột, nhiễm khuẩn…

Tuần đầu tiên nhiều thách thức đến với các y, bác sĩ tại khoa Sơ sinh vì trẻ có thể có nguy cơ xuất huyết não trong 72 giờ đầu và tình trạng viêm ruột hoại tử. Các điều dưỡng kiểm soát chặt yếu tố ánh sáng, tiếng ồn để bảo vệ thần kinh cho trẻ. Em bé lớn lên từng ngày từ nguồn sữa mẹ thanh trùng được bệnh viện nhập về.

Các y, bác sĩ tại Khoa Sơ sinh dành thời gian 24/24 để chăm sóc, điều trị dự phòng . Các yếu tố ánh sáng, tiếng ồn được kiểm soát nhằm bảo vệ thần kinh của trẻ. Chiến binh nhỏ đáp ứng tích cực với phác đồ, ổn định sức khỏe, mạnh mẽ vượt qua tuần đầu tiên sau sinh. Trẻ tăng cân tốt, tăng trưởng khoảng 30%/tuần.

"Chiến binh" sinh non nặng 460g ảnh 3

Bé trai xuất viện sau hơn 40 tuần được chăm sóc đặc biệt, nặng 2,8kg.

Để giúp trẻ sớm có phản xạ hô hấp tự nhiên, 8 tuần sau sinh, trẻ được rút nội khí quản, thở máy không xâm nhập.

Trong hành trình đồng hành cùng em bé sinh non, các bác sĩ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Trẻ bị suy giáp bẩm sinh và được điều trị sớm bằng hormone, liều lượng tính toán tỉ mỉ theo cân nặng, giúp trẻ phát triển bình thường.

Có giai đoạn trẻ bị viêm phổi nặng do vi khuẩn kháng thuốc, đe dọa tính mạng. Nhưng chiến binh nhỏ một lần nữa lại kiên cường vượt qua thời điểm cận kề cửa tử, để hồi phục ngoạn mục.

Ở tuần 40 sau khi chào đời, đạt mốc 2,8kg, trẻ được ra viện. Các kết quả khám sàng lọc sơ sinh bệnh võng mạc của trẻ sinh non, sàng lọc thính lực, siêu âm não qua thóp các chỉ số đều trong giới hạn bình thường. Trẻ cũng được tiêm vaccine đầy đủ theo đúng lịch và được hẹn lịch tái khám định kỳ.

Đây tiếp tục là một kỳ tích mới với ngành sản khoa trong việc cứu sống trẻ sinh non ở tuổi thai và cân nặng cực kỳ thấp. Trước đó, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và Bệnh viện Bạch Mai cũng đã đều cứu sống trẻ sinh non chỉ nặng 400g.