Điều trị thành công cho trẻ Kenya sinh cực non, nhiễm khuẩn sơ sinh nặng

NDO - Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương đã điều trị thành công em bé người Kenya chỉ nặng 800gr, sinh non lúc 26 tuần tuổi (thai IVF) có suy hô hấp, viêm ruột, nhiễm khuẩn sơ sinh nặng. Hiện tại, trẻ có thể tự bú mẹ, sức khỏe ổn định và được ra viện.
0:00 / 0:00
0:00
Trẻ được nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch, kết hợp chăm sóc theo phương pháp ấp kangaroo.
Trẻ được nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch, kết hợp chăm sóc theo phương pháp ấp kangaroo.

Với tiền sử 2 lần bị tắc vòi trứng, chị Lydia Nanja N. (34 tuổi, Kenya) đã chọn phương pháp IVF để mang thai, nhưng do cổ tử cung ngắn nên chị phải khâu cổ tử cung ở tuần 24 để giữ thai.

Đến khi thai được 26 tuần tuổi, chị có dấu hiệu chuyển dạ phải nhập viện tỉnh để cấp cứu và sinh được bé gái L.W.D nặng 800gr. Sau khi sinh, trẻ có tình trạng suy hô hấp, viêm ruột, nhiễm khuẩn sơ sinh nặng nên ngày 27/1 trẻ được chuyển tuyến lên Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục điều trị, chăm sóc.

Tại Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ được thở máy, kiểm soát thân nhiệt, kiểm soát nhiễm trùng và chăm sóc đặc biệt. Trẻ được nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch, kết hợp chăm sóc theo phương pháp ấp kangaroo (chăm sóc trẻ đẻ non/nhẹ cân bằng cách đặt trẻ nằm tiếp xúc da kề da trên ngực mẹ hoặc người chăm sóc trẻ).

Sau khi sinh non, chị Lydia Nanja N (mẹ bé L.W.D vì quá lo lắng và căng thẳng) nên gần như mất sữa không cung cấp đủ sữa cho con.

Trẻ được nuôi bằng sữa từ Ngân hàng sữa mẹ, Bệnh viện Nhi Trung ương. Các bé sinh cực non phải đối mặt với nhiều nguy cơ nặng như: viêm ruột hoại tử, nhiễm trùng,.. Việc sử dụng sữa mẹ thanh trùng khi sữa mẹ đẻ không đủ giúp giảm 19% nguy cơ nhiễm trùng ở nhóm trẻ dễ bị tổn thương này.

Chính vì vậy, với các trẻ sinh non, như bé L.W.D, việc nuôi dưỡng trẻ bằng sữa mẹ luôn được bác sĩ Trung tâm Sơ sinh đặc biệt quan tâm, xem như “liều thuốc” đặc biệt giúp tăng cường khả năng sống sót cho trẻ.

Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có thể tiếp cận nguồn sữa từ ngân hàng do giá thành cao. Chị Lydia cũng trong hoàn cảnh khó khăn, không đủ khả năng chi trả viện phí. Trung tâm Sơ sinh vừa điều trị vừa tìm các nguồn hỗ trợ kinh phí để cho trẻ có thể được ăn sữa mẹ từ ngân hàng.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Hoa chia sẻ, mỗi ca sinh non là một “cuộc chiến” với các bác sĩ và nhân viên y tế tại Trung tâm Sơ sinh, bởi trẻ sinh non có nguy cơ đe dọa tính mạng ngay từ khi lọt lòng.

Bằng những nỗ lực, tình yêu thương dành cho trẻ và nhờ sự chỉ đạo sát sao của ban lãnh đạo Trung tâm Sơ sinh, cùng như sự phối hợp tốt giữa các khoa trong trung tâm là Khoa Điều trị tích cực Kangaroo, Ngân hàng sữa mẹ, Khoa Điều trị và chăm sóc đặc biệt, thật mừng là em bé đã vượt qua những khó khăn đầu đời, tăng cân, sức khỏe ổn định.

Sau 62 ngày điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bé gái L.W.D đã được 1,6kg và được xuất viện trong niềm hạnh phúc vỡ òa của gia đình và các y, bác sĩ.

Ôm con trong tay, vừa rưng rưng xúc động, chị Lydia Nanja N vừa tâm sự: “Đây là lần đầu tiên tôi được làm mẹ, lại sinh non, em bé nhỏ xíu và rất nhiều bệnh, tôi còn tưởng không giữ được con, nên buồn và lo lắng vô cùng. Thật may mắn khi con được các bác sĩ Trung tâm Sơ sinh chăm sóc, điều trị. Các bác sĩ giỏi và nhiệt tình, luôn động viên tôi rất nhiều để tôi thoải mái tinh thần, có sữa cho con và chăm sóc con tốt nhất.

Biết gia đình khó khăn, các bác sĩ và Phòng Công tác xã hội của bệnh viện còn kêu gọi xin tài trợ để hỗ trợ viện phí cho con. Gia đình chúng tôi biết ơn bác sĩ chuyên khoa II Lê Thị Hà, Giám đốc Trung tâm Sơ sinh, toàn thể y, bác sĩ Trung tâm Sơ sinh và Bệnh viện Nhi Trung ương. Họ là những ân nhân của chúng tôi”.

Mỗi năm, Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị và nuôi dưỡng thành công hàng nghìn trẻ sinh non, mở ra cánh cửa tương lai cho nhiều mầm sống non nớt.