Sản phụ 3 lần thai lưu, sinh non, đau đớn nhìn đứa con chào đời ở tuần 26, được hối hả cấp cứu, luồn vào cơ thể bé xíu những dây dợ duy trì sự sống chuyển lên Khu Hồi sức sơ sinh. Đứa trẻ chỉ nặng vẻn vẹn 400g, nằm bất động trong bọc ối, tím tái, nhược cơ, không cất nổi tiếng khóc. T. đã nghĩ tới tình huống xấu nhất, như 3 lần trước đây chị phải từ bỏ con.

32 tuổi, T. đã có tới 5 lần mang thai. Ở lần mang thai thứ 2, chị giữ được em bé sinh non ở tuần 34. Sau 2 lần bị thai lưu, buộc phải đình chỉ thai sớm, ở lần mang thai thứ 5, thai nhi cũng dừng phát triển trong tử cung ở tuần 26, các bác sĩ buộc phải phẫu thuật cho em bé chào đời. Gia đình đã không còn đủ lòng tin để có một chút nào đó niềm hy vọng nhỏ nhoi. 

Bé B.A chào đời chỉ nặng 400g, cơ thể suy dinh dưỡng.

Bé B.A chào đời chỉ nặng 400g, cơ thể suy dinh dưỡng.

Ở tuần thai 19, T. được chẩn đoán cạn ối. Từng bị đình chỉ thai nghén 3 năm trước vào tuần thai 19 cũng do cạn ối, lần mang thai thứ 5 này, T. đã sớm khăn gói ra Hà Nội để được quản lý thai sản tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Sim, Phụ trách Đơn vị Can thiệp bào thai là người trực tiếp 3 lần truyền ối con T. với hy vọng giữ được lâu em bé trong bụng.

Mỗi lần truyền ối, T. lại thêm một niềm hy vọng. Thế nhưng, T. tiếp tục đối mặt và chống chọi với bệnh lý tiền sản giật. Tại Đơn vị can thiệp bào thai, T. được theo dõi và điều trị hết sức tích cực, áp dụng những phác đồ cập nhật mới nhất hiện nay trên thế giới và Việt Nam. Bệnh nhi được sử dụng một số loại thuốc trước sinh để bảo vệ não, phổi cho trẻ sinh non.

Sau lần đầu tiên truyền ối, buồng ối chỉ duy trì được 10 ngày. Những lần sau đó, số lượng ối truyền vào tử cung cũng chỉ duy trì được 7 ngày và 4 ngày, em bé chậm phát triển, xuống cân. Ở tuần 26, sự sống của bé gần như không còn, các bác sĩ phải quyết định cân não “đưa” em bé ra ngoài.

Lúc này, khó khăn đối mặt là làm sao phải cứu được thai nhi cực non tháng, chậm tăng trưởng trong tử cung,  2 nguy cơ đều ở mức báo động, tiên lượng tử vong thai nhi trước, trong, sau đẻ là rất cao.
Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thị Thu Phương– Trưởng Khoa Sơ sinh

B. chào đời ở tuổi thai cực thấp, vừa qua tuần 26. Thai chậm phát triển những tháng cuối khiến cơ thể em chào đời chỉ bé như một chú chuột con, trơ bộ xương dưới làn da mỏng, tím tái, nằm nguyên trong bọc ối gần như không còn dấu hiệu sự sống.

Các y, bác sĩ  kíp đỡ đẻ tại phòng sinh mặc dù đã chuẩn bị sẵn sàng cấp cứu sơ sinh nhưng cũng không thể tin rằng em bé chỉ nặng có 400g, da tím tái, non mọng, thở yếu ớt.  Thông thường trẻ sinh non ở tuần thai 26 có cân nặng khoảng 600-700g, tuy nhiên B.A chào đời bị suy dinh dưỡng rất nặng.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Hiên không quên những ngày chăm sóc bé B.A trong Khu Hồi sức.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Hiên không quên những ngày chăm sóc bé B.A trong Khu Hồi sức.

Các y, bác sĩ hối hả làm tất cả mọi thao tác để kích thích đứa trẻ mới chào đời cựa quậy, cất tiếng khóc. 20 phút trôi qua trong lặng lẽ. Đôi mắt người mẹ nhòe đi vì đau xót, cơ thể yếu ớt đang phải chịu đựng một cú sốc nữa, có thể tuột mất đứa con này.

Nhưng phép màu đã đến sau 20 phút tích cực bóp bóng hồi sức của y, bác sĩ. B.A có phản xạ tay chân, mở mắt. 20 phút trôi qua, T. nghe tiếng các y, bác sĩ báo em bé có dấu hiệu sự sống, cơ thể hồng hào trở lại, có thể tự thở được. Kíp mổ hỏi T. “Gia đình giờ có nguyện vọng thế nào?”, T. yếu ớt nói lặng đi trong nước mắt: “Cháu còn thở, em mong các bác sĩ cứu bằng được con em”.

KHÔNG AI nghĩ, bào thai nặng 400g kia có thể TỒN TẠI sự sống.

Kíp y, bác sĩ hồi sức sơ sinh tại phòng sinh đã hỗ trợ thở cho bé bằng máy thở CPAP và vận chuyển bé lên Khoa Hồi sức sơ sinh. B.A được giữ ấm, được cắt rốn chậm để phòng tránh nguy cơ thiếu máu, giảm thiểu nguy cơ xuất huyết não. Tất cả được tính bằng giây, bằng phút, vì cơ hội sống của em chỉ vài phần trăm, nguy cơ ngạt tại phòng sinh, suy hô hấp sau sinh.

Nghe tiền sử sản khoa của mẹ bệnh nhi, các bác sĩ nhủ trong lòng cần phải quyết định để giành giật sự sống cho em, để người mẹ đã 3 lần sinh non, sảy thai… có thêm cơ hội được làm mẹ.

Vừa thương, vừa thông cảm, vừa áp lực, nhưng đó cũng là động lực để chúng tôi dồn tổng lực làm những gì tốt nhất cho bé”, bác sĩ Phương kể.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Hiên tiếp nhận em bé, nhanh chóng làm các thủ thuật để hỗ trợ mọi mặt cho bé về dinh dưỡng, hô hấp… B.A được nhanh chóng kiểm tra đường huyết vì ngoài nguy cơ suy hô hấp sau sinh, trẻ có thể rối loạn thân nhiệt, hạ đường huyết. Tất cả hành trình kỳ tích nuôi sống đứa trẻ sinh non giờ mới bắt đầu…

Cuộc chiến giành giật sự sống cho B.A với các y, bác sĩ tại Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội như một kỳ tích. Bác sĩ Phương cảm nhận “sức mạnh nội sinh của em bé vô cùng đặc biệt”, còn điều dưỡng Hiên – người trực tiếp chăm sóc bé suốt 2 tháng nằm Khu Hồi sức thì không quên giây phút đầu tiên tiếp nhận bé: “Tiếng khóc của trẻ sinh non này quá đặc biệt. Lúc ấy, chúng tôi đã nghĩ đến em bé có một hy vọng sống”. Trong hành trình nối dài sự sống cho em bé, có rất nhiều thời điểm, mọi người tưởng chừng phải buông tay.

Những bé sinh non được nuôi sống hoàn toàn qua tĩnh mạch. Nếu không có đường truyền thuốc, dinh dưỡng từ ngoài vào thì đứa trẻ bị cắt đường sống. Thách thức lớn nhất với ê-kíp chăm sóc sơ sinh đối với B.A là phải tìm được đường truyền tĩnh mạch cho bé.

“Chúng tôi phải thực hiện đường truyền trung tâm qua tĩnh mạch rốn để lấy máu dễ dàng hơn. Đường truyền này chỉ tận dụng trong sơ sinh và thường để tránh nguy cơ nhiễm trùng, cố gắng dùng trong 7 ngày”, bác sĩ Phương nhớ lại lúc ra y lệnh.

6 năm kinh nghiệm chăm sóc trẻ sinh non, điều dưỡng Nguyễn Thị Hiên chưa bao giờ nhìn thấy đứa trẻ sinh non, suy dinh dưỡng như vậy. Họ biết, cuộc đối mặt lần này khó khăn gấp trăm lần các ca sinh non khác.

B.A khác với những trẻ sinh non khác, suy dinh dưỡng rất nặng, bế lọt thỏm trên tay. Nhưng bạn này khóc được và tiếng khóc khá thanh. Đây quả là cô bé có sức mạnh phi thường so với cơ thể.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Hiên

Các kíp trực đều cố gắng cùng thực hiện nhiều kỹ thuật tiêm, truyền, hút dịch, cho ăn cùng 1 lần để tránh việc tiếp cận nhiều lần với bé. Mọi người đều đồng cảm, em bé đã có thời gian dài bị stress trong bụng mẹ, bé cần nhiều thời gian hơn để được nghỉ ngơi, giúp sức khỏe hồi phục tốt hơn.

Ngày thứ nhất, Hiên chỉ dám cho ăn 0,5ml/lần để kích thích nhu động ruột của trẻ. Sang ngày thứ 2, thấy trẻ ăn tiêu được, Hiên báo bác sĩ điều chỉnh dịch truyền, tăng lượng ăn lên 1ml/lần. “May quá, bé hấp thu được”, Hiên báo bác sĩ.

“Chúng tôi phải cho ăn sớm kích thích đường tiêu hóa phát triển nhưng nếu cho ăn nhiều sẽ không dung nạp được dễ viêm ruột hoại tử, là những vòng luẩn quẩn, được mặt này có thể có phản ứng ngược lại. Lúc điều trị là cả nghệ thuật chứ không thể áp dụng đúng phác đồ là được. Khi điều trị phải cân nhắc từ chi tiết nhỏ mới có tổng thể để em bé có sức chống chọi với bệnh tật và phát triển được”, bác sĩ Phương kể lại.

Việc chăm sóc các em bé sinh non đòi hỏi các y, bác sĩ phải rất tận tâm, theo dõi các bé 24/24.

Việc chăm sóc các em bé sinh non đòi hỏi các y, bác sĩ phải rất tận tâm, theo dõi các bé 24/24.

Ngày thứ 2 lên Khu Hồi sức, bố B.A được vào thăm. Người đàn ông bần thần nhìn cơ thể yếu ớt của con, không khóc được. Người mẹ vì cơ thể suy kiệt, cũng không có được nổi mấy giọt sữa. “Sữa vợ em ít lắm, vắt ra chắc chỉ được một giọt”, bố B.A tâm sự. “Một giọt cũng quý, cũng giúp cho bé có được sức đề kháng tốt nhất lúc này”, Hiên động viên bố bé B.A. 

Bé được theo dõi sát 24/24. Do phải thở CPAP, dịch tiết nhiều nên các điều dưỡng phải theo dõi sát đường thở của bé. Niềm hy vọng cứ thế tăng dần trong đội ngũ làm hồi sức. Khi thấy bé đáp ứng về hô hấp, điều trị kháng sinh, đáp ứng với nạp dinh dưỡng, mọi người mới thực sự tin có kỳ tích trên đời.

Một tuần trôi qua, tĩnh mạch đường rốn không còn an toàn cho bé. “Nếu không rút đường truyền, nguy cơ trẻ bị nhiễm trùng huyết. Nếu rút đường truyền tĩnh mạch rốn, sẽ không có đường truyền vào cho em bé, sẽ cắt đứt sự sống. Chúng tôi phải huy động kíp điều dưỡng chắc tay thực hiện kỹ thuật đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm từ ngoại biên (longline) để nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn. Đây là kỹ thuật khó, phải có tay nghề cao, may mắn thay việc lấy longline cho em bé tưởng khó có hy vọng nhưng đã thành công..”, bác sĩ Phương xúc động kể lại giây phút căng thẳng của cả ê-kíp.

7 ngày sau rời khỏi bệnh viện, T. được lên thăm con. Cô đứng chết lặng, khóc không thành tiếng khi nhìn thấy con gái đang phải truyền máu. Cơ thể bé xíu bị lấp kín bởi các trang thiết bị hỗ trợ sự sống, bé suy hô hấp phải hỗ trợ bằng máy thở CPAP qua gọng mũi, máy theo dõi bão hòa oxy và nhịp tim, trên mình “gánh” các đường dây truyền qua tĩnh mạch rốn, động mạch rốn, sonde dạ dày để nuôi ăn đường miệng nhỏ giọt.

Chứng kiến biết bao gia đình có tiền sử sản khoa nặng nề, sinh non tháng nhẹ cân, điều dưỡng Nguyễn Thị Hiên vỗ về, an ủi sản phụ T.: “Cố gắng giữ gìn sức khỏe để có sữa cho con hằng ngày, chúng tôi sẽ chăm sóc bé như con gái mình, thay mẹ vỗ về con, chăm sóc con, giúp con vượt qua  những giai đoạn khó khăn  nhất này”.

Ở tuần thứ 2 tại Khu Hồi sức, B.A bị chướng bụng, chậm tiêu. Kết quả khám cho thấy B.A bị nhiễm trùng đường ruột. Điều lo ngại cũng đã tới, nguy cơ viêm ruột hoại tử có thể đến bất kỳ lúc nào. Nhưng sức mạnh phi thường của bé đã khiến cho cơn nhiễm trùng qua nhanh trong một tuần.

B.A là cô con gái đặc biệt trong Khu Hồi sức. B.A rất may mắn không phải thở máy xâm nhập. 2 tháng nằm tại Khu Hồi sức, trẻ có 25 ngày nuôi dưỡng hoàn toàn từ tĩnh mạch trung tâm,45 ngày thở CPAP, 10 ngày thở ô-xy và cai dần ô-xy, tự thở, B.A  bị thiếu máu phải truyền máu 3 lần.

Bên  cạnh đó em bé còn được các y bác sĩ sơ sinh chú trọng đến chăm sóc phát triển: trẻ được nằm yên ổn trong ổ cuốn, giảm ánh sáng, giảm tiếng ồn, chăm sóc vỗ về, trẻ được nghe nhạc.

B.A bước sang tháng thứ 2 khỏe mạnh, các y, bác sĩ mới dám thở phào nhẹ nhõm, mới nhìn thấy hy vọng sự sống đến gần hơn. Trong hành trình ấy, thai nhi đã thực sự là một chiến binh. “Chúng tôi nghĩ, em bé đã trải qua giai đoạn đầy khó khăn và có sức đề kháng chống chọi với nguy cơ sống còn trong bụng mẹ nên bản thân bé sản xuất kháng thể chống lại bệnh tật”, bác sĩ Phương nói về sự kiên cường của trẻ.

Sau gần 2 tháng, B.A nhích lên được 1.500g, được ghép mẹ để chăm sóc bé theo phương pháp: Chăm sóc bà mẹ Kangaroo tại Khoa Sơ sinh. Bác sĩ Tuấn Anh, Phó Khoa Sơ sinh gọi T. nhưng cô không dám chắc mình có khả năng nuôi bé.

Em xin bác sĩ cho em vài ngày chuẩn bị tâm lý. Nhưng bác sĩ động viên, có mẹ vào chăm con, em bé sẽ cải thiện tốt hơn về hô hấp và phát triển tốt hơn. Trăm ngàn mối lo vì con quá bé, nhưng em cũng cố gắng vượt qua để được ghép con sớm.
Sản phụ T.

Ngày mẹ lên đón con, không một ai chứng kiến khoảnh khắc ấy giấu được nước mắt hạnh phúc. T. òa khóc vì không nghĩ số phận chị lại gặp được một phép màu như vậy. Nhưng bàn tay của người làm mẹ lần 2 vẫn vô cùng lóng ngóng khi cơ thể B.A vẫn còn quá nhỏ.  

T. tiếp tục những chuỗi ngày lo lắng, sợ hãi khi chăm con. Bé B.A khóc rất nhiều, không hợp tác ấp kangaroo. Cùng đồng hành với T, các cô điều dưỡng luôn hỗ trợ động viên, hướng dẫn cách cho bé ăn từng ml sữa qua sonde. Dần dần bé làm quen được với việc tập bú dù còn yếu ớt. Nhìn thấy con được lớn lên, khỏe mạnh từng ngày, chân tay vận động nhiều hơn T mới dám tin mình đã có cô con gái thứ 2.

Trước khi ra viện B.A được sàng lọc siêu âm thóp, siêu âm tim, sàng lọc thính lực, sàng lọc bệnh võng mạc ở trẻ sinh non, sàng lọc lấy máu gót chân. Ngày ra viện, B.A nặng 2.600g, hồng hào, bú tốt.

Ra viện, trẻ được hẹn tái khám tại Phòng khám Sơ sinh theo dõi phát triển tinh thần vận động.

“Con em giờ nặng khoảng 3,1 kg. Bé cũng ăn tốt hơn trước, nhưng cũng phải theo dõi kỹ vì có những cơn sặc tím tái. Khóc bớt hơn trước nhiều và đã biết hóng chuyện”, T. hạnh phúc kể.

Đến giờ, sản phụ T. cũng không biết vì sao cứ đến kỳ thai sản, mình lại bị thiếu ối, cạn ối. Những xét nghiệm hiện đại nhất, cô cũng đã làm test. Kể cả ngay sau khi sinh bé B.A, các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng làm xét nghiệm miễn phí bánh rau để tìm nguyên nhân cạn ối nhưng cũng không tìm ra.

Từ sự lóng ngóng ban đầu, giờ cả nhà T. đều đã quen với cách chăm sóc một trẻ sinh non để làm sao trẻ không bị tim tái khi bú, tránh cơn ngừng thở đột ngột. May mắn cho con ra viện rồi, nhà ở xa, đôi lúc có những điều cần tư vấn về cách chăm sóc con đều được các y bác sĩ  sơ sinh tư vấn từ xa.

Bé B.A ngày được xuất viện nặng khoảng 2.600g.

Bé B.A ngày được xuất viện nặng khoảng 2.600g.

“Ông trời cho em 2 con là em mãn nguyện rồi. Giờ cả gia đình vẫn ngỡ như trong mơ, em cũng không tin mình đang được bế con trên tay. Chắc phải vài tháng nữa, con sẽ ổn định sức khỏe hơn. Những hạnh phúc này có được từ sự chăm sóc, điều trị của các y, bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội nói chung và khoa hồi  sức sơ sinh nói riêng. Các y, bác sĩ nơi đây như người mẹ thứ 2 sinh ra con. Gia đình em sẽ không bao giờ quên công ơn các y, bác sĩ sơ sinh , từ những cuộc gọi điện thoại động viên tinh thần, đến những vỗ về an ủi khi vào thăm con tại Khoa Sơ sinh,cho đến những chăm sóc, điều trị  bé, nơi con em đã trải qua 120 ngày trường kỳ chiến đấu chống chọi với bệnh tật”, T. tâm sự.

B.A là thai nhi non tháng nhất tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội được nuôi sống kỳ tích. Và theo y văn Việt Nam, đây là thai nhi non tháng nhất được nuôi sống thành công. Từ một bào thai thoi thóp thở, chỉ nặng 400g, giờ đây, bé đã có da, có thịt, hồng hào, khỏe mạnh. Sức mạnh nội sinh cùng bàn tay chăm sóc tuyệt vời của đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã giúp chiến binh B.A vượt qua 4 tháng "cân não" để bé thành hình, thành hài, đến với cuộc sống còn rất nhiều điều kỳ diệu ở phía trước.