Chủ đề đất nước luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo cho nhiều loại hình nghệ thuật như văn học, âm nhạc, điện ảnh, sân khấu... và đã có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật kinh điển thành công về chủ đề này. Đối với mỹ thuật, đất nước là tiếng gọi thiêng liêng, là nguồn cảm xúc vô tận mà mỗi người nghệ sĩ luôn muốn thể hiện sự trân trọng bằng tất cả tình cảm và tài năng của mình. Đó là những chia sẻ của Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh tới các đại biểu, họa sĩ, khách tham quan trong và ngoài nước tại buổi lễ khai mạc triển lãm.
Vẻ đẹp đặc trưng và đa sắc của các vùng miền Việt Nam được khắc họa rõ nét, sống động qua tác phẩm của các danh họa Việt Nam sáng tác trong khoảng thời gian từ năm 1930 đến 2007. Trong bảy thập kỷ đó, mỗi thời kỳ và cá nhân lại mang đến một phong cách tạo hình đất nước riêng, phong phú và đa dạng. Hầu hết họ đã ghi danh trong nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, từ thế hệ Mỹ thuật Đông Dương như Lương Xuân Nhị, Nguyễn Văn Tỵ, Trần Đình Thọ, Huỳnh Văn Thuận, Phan Kế An..., cho đến Mỹ thuật kháng chiến như Lưu Công Nhân, Đào Đức... và các thế hệ hoạ sĩ sau này như Đường Ngọc Cảnh, Trần Thanh Ngọc, Nguyễn Thanh Châu, Đỗ Đức, Lê Vân Hải, Đỗ Thị Ninh...
Ao bèo dâu. Trần Đình Thọ. Lụa. 1973. Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam |
Người xem như được bước vào hành trình du ngoạn, khám phá đất nước Việt Nam qua loạt tranh trải rộng từ bắc vào nam, từ miền núi đến đồng bằng và duyên hải, từ vùng Tây Nguyên đến những hòn đảo giữa trùng khơi, bao gồm cả cảnh thiên nhiên và cảnh sinh hoạt của con người.
Qua những đường nét tài tình, khán giả có thể nhận ra ngay những danh lam thắng cảnh nổi tiếng như vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), sông Hương (Thừa Thiên Huế), thác Bản Giốc (Cao Bằng), Đền Hùng (Phú Thọ), chợ nổi Cần Thơ… Bên cạnh đó, một số tác phẩm không có tên địa danh cụ thể song vẫn làm nổi bật những chi tiết độc đáo, gợi cảm xúc thân quen và hoài niệm chung như cánh đồng làng, con đường phố cổ, rặng dừa, ao bèo, ruộng bậc thang, nhà sàn...
Dịp này, công chúng có cơ hội tiếp cận, chiêm ngưỡng, tìm hiểu nhiều bức tranh có giá trị cao về lịch sử và nghệ thuật. Chẳng hạn như các tác phẩm: "Làng Hà Nội trên vùng kinh tế Lâm Đồng" (Phạm Đức Phong, Sơn dầu, 1978); "Bến thuyền ở Cần Thơ" (Đặng Chung, Sơn dầu, 1981); "Bình minh trên núi rừng Tây Nguyên" (Xu Man, Sơn mài, 1975); "Buổi sáng trên sông Hương" (Lương Xuân Nhị, Sơn dầu, 1980); "Núi Các Mác" (Trần Đình Thọ, Lụa, 1976); "Xóm biển Phú Quốc" (Đỗ Sơn, Lụa, 1980)…
Là một tác giả có tranh trưng bày tại triển lãm, họa sĩ Đỗ Đức (78 tuổi) bày tỏ sự xúc động khi thấy triển lãm được đông đảo khán giả nhiều lứa tuổi quan tâm, tán thưởng. Người họa sĩ quê Thái Nguyên cũng đồng thời là một nhà nghiên cứu văn hóa, sở hữu kho tư liệu đồ sộ về trang phục và phong tục của các dân tộc thiểu số miền núi phía bắc. Ông cho rằng triển lãm đặc biệt đáng quý bởi khơi gợi nhiều ký ức về thời kỳ gian khổ nhưng vinh quang, mỗi tác phẩm đều thấm đẫm tình yêu dành cho quê hương, cho Tổ quốc của nhiều thế hệ họa sĩ Việt Nam.
Làng Hà Nội trên vùng kinh tế Lâm Đồng. Phạm Đức Phong. Sơn dầu. 1978. Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam |
Sau khi thưởng lãm các tác phẩm gốc theo cách truyền thống, căn phòng tiếp theo là một không gian mới mẻ, độc đáo dành cho khán giả.
Tám tác phẩm được trình chiếu kỹ thuật số khổ lớn, áp dụng đồ hoạ chuyển động tiên tiến khiến người xem như được "sống" trong bối cảnh bức tranh.
Những tiếng trầm trồ, những tràng pháo tay vang lên không ngớt khi tác phẩm sơn mài "Nhớ một chiều Tây Bắc" (năm 1950) của danh họa Phan Kế An hiện ra với gió thổi khiến cây rừng nhẹ lay, áng mây bay trong nắng chiều rực rỡ, hình bóng các anh bộ đội hành quân vừa dũng mãnh vừa nên thơ.
Tương tự, bức tranh màu nước "Thác Bản Giốc" của danh hoạ Nguyễn Văn Tỵ trở thành thước phim tuyệt đẹp về thiên nhiên khi dòng thác hùng vĩ tuôn trào từ ghềnh đá…
Tiến sĩ Đặng Thị Phong Lan (Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam) cho rằng tác phẩm số không bao giờ thay thế được tác phẩm nguyên bản, song vẫn có nhiều giá trị riêng như biến hình ảnh kích thước nhỏ thành một không gian rộng lớn, mầu sắc lung linh hơn, chủ thể sinh động hơn… Việc ứng dụng công nghệ cho thấy những giá trị truyền thống luôn là nền tảng, nguồn cảm hứng dồi dào cho sự phát triển, tiếp biến và hội nhập của văn hóa Việt Nam.
Kiến trúc sư Đinh Việt Phương, đại diện đơn vị phối hợp bảo tàng để thực hiện hiệu ứng cho biết, đội ngũ làm 3D đã mất nhiều tháng để nghiên cứu và lựa chọn chi tiết phù hợp chuyển động. Việc số hóa nhằm mục đích lôi cuốn nhiều khán giả hơn, đặc biệt là truyền cho thế hệ trẻ niềm yêu thích và trân trọng các di sản mỹ thuật.
Nhấn mạnh thêm tính ưu việt của công nghệ số, ông Nguyễn Anh Minh nhận định đây là giải pháp và hướng đi mới trong việc trưng bày, quảng bá tác phẩm mỹ thuật mà không bị hạn chế bởi không gian, thời gian, điều kiện bảo quản tác phẩm.
"Cơ hội mở ra rộng hơn cho công tác phát huy giá trị các tác phẩm mỹ thuật, đặc biệt là các tác phẩm quý, bảo vật quốc gia sẽ thường xuyên xuất hiện hơn, tiếp cận nhiều hơn với công chúng yêu nghệ thuật trong nước và quốc tế", ông Minh nói.
Triển lãm "Đất nước tôi" mở cửa phục vụ công chúng tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (số 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) đến hết ngày 10/9.