Chiêm ngưỡng “Ánh sáng rực rỡ” từ những kiệt tác hội họa Hà Lan

NDO - Ánh sáng tỏa ra từ 69 tác phẩm kinh điển đã tái hiện thật đặc sắc dòng chảy lịch sử của hội họa Hà Lan, mang đến vô vàn cảm xúc cho công chúng thưởng lãm.
0:00 / 0:00
0:00
Triển lãm thu hút sự tham gia của đông đảo khán giả yêu hội họa. (Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam)
Triển lãm thu hút sự tham gia của đông đảo khán giả yêu hội họa. (Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam)

Kéo dài đến hết ngày 11/6, triển lãm “Ánh sáng rực rỡ” do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp cùng Đại sứ quán Hà Lan tổ chức, nhằm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Đây là lần đầu tiên có một triển lãm trưng bày các sáng tác hội họa của Hà Lan được giới thiệu tại Việt Nam.

Tái hiện một thời hoàng kim

Tham dự triển lãm, Đại sứ Hà Lan Kees Van Baar cho biết, nghệ thuật cần được tôn vinh, vì nó gợi lên nhiều cảm xúc và có khả năng kết nối chúng ta gần nhau hơn. Triển lãm “Ánh sáng rực rỡ” sẽ mang những tác phẩm tuyệt vời nhất của nghệ thuật Hà Lan đến gần hơn với khán giả Việt.

Triển lãm giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật ấn tượng của 66 danh họa nổi tiếng. Tất cả đều được tuyển chọn từ bộ sưu tập của Bảo tàng Quốc gia Rijksmuseum, tập trung vào khoảng thế kỷ 15 đến thế kỷ 19. Rijksmuseum lưu giữ, quản lý, khôi phục và nghiên cứu những dấu ấn nghệ thuật của đất nước này trong suốt 800 năm lịch sử. Nơi đây mang đến góc nhìn tổng quan về mỹ thuật Hà Lan từ thời trung cổ đến thời đương đại.

Nhìn lại tiến trình lịch sử, không khó để thấy rằng, thế kỷ 17 được xem là “giai đoạn vàng” của hội họa Hà Lan. Sau khi chiến sự với Tây Ban Nha (1568-1648) dần đi đến hồi kết, người dân Hà Lan bắt đầu ổn định cuộc sống và khôi phục kinh tế. Hầu hết các ngành công nghiệp chính yếu như dệt may và đóng tàu đều có trụ sở tại các thành phố lớn ở nước này.

Thương mại phát triển rộng rãi đã giúp quốc gia trên trở thành một trong những xã hội đô thị hóa lớn mạnh bậc nhất ở châu Âu. Nghề làm giấy cũng được chú trọng và đầu tư hơn trước. Vẽ tranh dần trở thành một công việc chính thức. Đồng thời, số lượng các họa sĩ chuyên nghiệp và bán chuyên cũng gia tăng đột biến.

Hoàn cảnh chính trị, kinh tế, tôn giáo và xã hội đã thiết lập nên môi trường sáng tạo vô hạn và cực kỳ hiệu quả cho những người làm nghệ thuật. Khởi phát bằng những bức chân dung, đến tranh phong cảnh và cả tĩnh vật, các đề tài và thể loại đều được những danh họa ở đây vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt và đa dạng. Qua đó, góp phần tạo dựng một nền văn hóa đô thị sôi nổi lúc bấy giờ tại Hà Lan.

Chiêm ngưỡng “Ánh sáng rực rỡ” từ những kiệt tác hội họa Hà Lan ảnh 1

Tác phẩm Cô gái rót sữa của Johannes Vermeer, sáng tác năm 1660.

Dạo một vòng “Ánh sáng rực rỡ”, dễ thấy, các tác phẩm được trưng bày tại triển lãm đã tái hiện thật rõ nét những điều ấy. Nhìn chung, phong cách hội họa Hà Lan tập trung vào sự tinh tế và mơ hồ. Những yếu tố đặc trưng về ánh sáng, sự thay đổi trong nhận thức con người được phản ánh trọn vẹn qua các chủ đề: Phong cảnh, Tĩnh vật, Chân dung, Đời thường và Thế giới tâm linh. Chúng được các nghệ sĩ tô đậm qua biểu cảm gương mặt, sắc thái tâm lý, cũng như những tinh chỉnh về kỹ thuật ở nét vẽ và màu sắc.

Chính sự tài tình trong khâu phối màu đã làm nên kết cấu ánh sáng thú vị trong các bức họa. Thông qua tông màu, cường độ sáng, độ chói và nét, các họa sĩ đã tạo ra sự phong phú về bối cảnh, nhân vật và sự vật trong tranh.

Chiêm ngưỡng “Ánh sáng rực rỡ” từ những kiệt tác hội họa Hà Lan ảnh 2

Chân dung tự họa của Vincent Van Gogh, sáng tác năm 1887.

Có thể kể đến một số danh họa thành công trong khả năng sử dụng ánh sáng và như: Johannes Vermeer, Vincent Van Gogh, Albertus Steenbergen, Rembrandt Van Rijn, Adriaan De Lelie… Những sáng tác của họ đã dung chứa đầy đủ những biến chuyển thường nhật bằng lối phác họa hàm súc và kín đáo.

Ánh sáng và sức biểu đạt dồi dào

Ánh sáng luôn đóng vai trò quan trọng trong hội họa, cả về mặt kỹ thuật lẫn thẩm mỹ. Từ xa xưa, có không ít nghệ sĩ sử dụng ánh sáng như một công cụ để “mã hóa” ý đồ nghệ thuật. Bằng thủ thuật điêu luyện, họ khéo léo tận dụng sự tương phản giữa yếu tố sáng và tối để khắc họa vật thể một cách chân thực và sáng tạo.

Tại triển lãm “Ánh sáng rực rỡ”, các tác phẩm được trình chiếu dưới bản điện tử và bản in. Điều này đã góp phần tô đậm khả năng biểu đạt của ánh sáng, tạo ra những hiệu ứng mới mẻ về cách nhìn cho người xem.

Các bức tranh được giới thiệu tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lần này không chỉ đáp ứng những yêu cầu khắt khe về mặt thị giác, hay mô tả những trải nghiệm chân thực của người vẽ. Hơn cả, chúng còn khéo léo truyền đạt quan điểm của họa sĩ qua từng đường nét.

Mỗi “đứa con tinh thần” thường ẩn chứa nhiều tầng nghĩa, liên tục mời gọi khán giả lý giải và phân tích. Để giải mã chúng, người xem cần soi chiếu bức tranh dưới góc độ ẩn dụ và tượng trưng của việc sử dụng ánh sáng.

Một trong những tác phẩm nhận được nhiều sự quan tâm tại triển lãm là bức họa “Tuần tra đêm” của Rembrandt Van Rijn - người được ví là “bậc thầy về ánh sáng của hội họa châu Âu”. Bằng việc ngâm bản khắc trong dung dịch axit, sự tương phản giữa ánh sáng và bóng tối được thể hiện rõ nét. Trong tranh, càng xa trung tâm, ánh sáng càng yếu dần đi.

Chiêm ngưỡng “Ánh sáng rực rỡ” từ những kiệt tác hội họa Hà Lan ảnh 3

Tác phẩm Tuần tra đêm của Rembrandt Van Rijn, sáng tác năm 1642.

Rembrandt thổi hồn vào nhân vật qua những tông màu độc đáo, khiến tác phẩm sở hữu phần lớn mảng tối và chỉ có vài luồng sáng. Phương pháp này đã lập tức thu hút ánh mắt vào một điểm nhấn – nơi tập trung của ánh sáng, trước khi người xem đi vào quan sát các chi tiết khác trong tranh.

Không chỉ với tranh của Rembrandt, đa số các tác phẩm hội họa thuộc “Ánh sáng rực rỡ” đều chuộng việc dùng màu đậm, sắc nét và thường phác họa nguồn sáng vào tranh từ bên trái. Bên cạnh đó, mối liên hệ mật thiết giữa sắc độ, hình dạng và ánh sáng cũng làm nên chiều sâu cho các tác phẩm nghệ thuật.

Có thể thấy rằng, trong hội họa, ánh sáng mang nhiều ý nghĩa và sắc thái khác nhau. Nó có thể mờ, cũng có thể sáng. Nó có thể làm tổn thương, cũng có thể chữa lành. Nó có thể khắc họa một cách tập trung, cũng có thể khiến sự vật bị bóp méo. Và ánh sáng chính là chiếc chìa khóa hữu hiệu để khán giả khám phá thông điệp đằng sau tác phẩm, bước vào thế giới thẩm mỹ của người nghệ sĩ.