Chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ và canh tác khoai tây các tỉnh phía bắc

NDO - Ngày 25/10, tại tỉnh Hải Dương, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ và canh tác khoai tây các tỉnh phía bắc.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Việt Nam được đánh giá có nhiều lợi thế về sản xuất và xuất khẩu khoai tây. Theo ước tính, nhu cầu của các nhà máy chế biến khoảng 180.000 tấn nguyên liệu/năm nhưng sản lượng khoai tây sản xuất trong nước mới đáp ứng được 35 đến 40%, còn lại phải nhập khẩu.

Mặc dù còn khá nhiều dư địa tăng trưởng nhưng thực tế cho thấy nhiều nông dân chưa mặn mà với cây trồng này do những trở ngại như: Thiếu nguồn giống chất lượng, đầu ra sản phẩm bấp bênh, áp lực sâu bệnh hại rất lớn... Ngoài ra, để bảo đảm yêu cầu của nhà sản xuất, khoai tây thương phẩm phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm.

Chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ và canh tác khoai tây các tỉnh phía bắc ảnh 1

Nông dân tỉnh Hải Dương trồng khoai tây vụ đông năm 2024.

Tiến sĩ Đoàn Văn Cảnh, Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cho biết: “Năm 2022, cả nước trồng 19.889 ha khoai tây, năng suất đạt 16,74 tấn/ha, sản lượng 332.851 tấn”.

Nhu cầu của các nhà máy chế biến khoảng 180.000 tấn nguyên liệu/năm nhưng sản lượng khoai tây sản xuất trong nước mới đáp ứng được 35 đến 40%, còn lại phải nhập khẩu.

Tại các tỉnh miền bắc, nhất là vùng Đồng bằng sông Hồng việc trồng khoai tây còn gặp những khó khăn do quy mô sản xuất nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng cao; các khu vực sản xuất tập trung dần được hình thành nhưng vẫn dựa trên các nông hộ nhỏ lẻ và phân tán gây khó khăn trong việc đầu tư, quản lý chất lượng và tiêu thụ.

Thời gian tới cần có sự liên kết chặt chẽ trong việc hình thành vùng nguyên liệu khoai tây gắn với chế biến, tiêu thụ; xây dựng mô hình sản xuất khoai tây theo chuỗi giá trị sẽ tạo ra một vòng tròn liên kết sản xuất khép kín.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh

Hơn nữa, diện tích trồng khoai tây chưa có quy hoạch do phải cạnh tranh với các cây rau màu khác; tổ chức liên kết sản xuất còn yếu, năng suất và chất lượng chưa cao. Chi phí sản xuất đầu vào còn cao, công tác quản lý chất lượng giống chưa được kiểm soát chặt chẽ…

Để phát triển nhanh và bền vững ngành hàng khoai tây, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh cho rằng: “Thời gian tới cần có sự liên kết chặt chẽ trong việc hình thành vùng nguyên liệu khoai tây gắn với chế biến, tiêu thụ; xây dựng mô hình sản xuất khoai tây theo chuỗi giá trị sẽ tạo ra một vòng tròn liên kết sản xuất khép kín. Ở đó, người nông dân có được nguồn giống bảo đảm, được hướng dẫn áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật tiên tiến để canh tác khoai tây hiệu quả, an toàn, chất lượng đi đôi với thích ứng biến đổi khí hậu và giảm phát thải, bảo vệ môi trường. Để thực hiện thành công mô hình này, cần có sự phối hợp giữa nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học và cơ quan quản lý nhà nước”.

Còn theo Tiến sĩ Đoàn Văn Cảnh, Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực và cây thực phẩm, cần nghiên cứu hoàn thiện ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa sản xuất từ lên luống, trồng, vun và thu hoạch; ứng dụng các công nghệ mới về phân bón đặc biệt sử dụng phân vi sinh; nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật trồng khoai vụ đông xuân hoặc xuân góp phần rải vụ trên chân đất thích hợp, vừa phục vụ mục tiêu nhân giống đồng thời cũng kết hợp sản xuất củ thương phẩm cho ăn tươi hoặc chế biến, giảm thiểu thời gian bảo quản kho lạnh…