Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, vụ đông năm 2022, toàn tỉnh gieo trồng 22.000 ha cây rau màu các loại với sản lượng đạt hơn 486 nghìn tấn, bình quân đạt 210 triệu đồng/ha, giá trị theo giá thực tế đạt 4.622 tỷ đồng, tăng 28 tỷ đồng so với năm trước.
Hứa hẹn một vụ bội thu
Những ngày này, chúng tôi về xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng, nơi được mệnh danh là “thủ phủ” cà-rốt ở Hải Dương khi người người, nhà nhà đều tham gia trồng loại cây này.
Trên những cánh đồng, bạt ngàn một màu xanh cây cà-rốt đang vươn mình đón những ánh nắng trong tiết trời đông, hứa hẹn cho một vụ bội thu nữa. Người dân không quản ngại tiết trời lạnh giá ra đồng chăm sóc để cà-rốt sinh trưởng và phát triển tốt.
Vợ chồng bác Nguyễn Văn Yên, xã Đức Chính đang chăm sóc bốn sào cà-rốt để chuẩn bị bán cho thương lái. Bác Yên chia sẻ: “Vợ chồng tôi nhiều năm qua trồng cà-rốt vụ đông, bởi hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, vụ đông năm nay thời tiết thuận lợi cho nên cây cà-rốt sinh trưởng, phát triển tốt, dự báo cho năng suất cao, giá bán tốt. Hiện nay, nhiều gia đình trong xã đã “bán non” cà-rốt cho thương lái với giá 9,5 triệu đồng/sào. Vợ chồng tôi đang chăm sóc tiếp với hy vọng giá sẽ lên 10 triệu đồng/sào. Nếu được giá như vậy, sau 3,5 đến 4 tháng trồng bốn sào cà-rốt, sẽ có thu nhập 40 triệu đồng”.
Trước đây, nhiều diện tích sản xuất của xã Đức Chính chủ yếu trồng lúa, giá trị thấp, từ khi chuyển sang trồng cà-rốt đã mang lại hiệu quả cao gấp 5 đến 6 lần so với trồng lúa.
Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính xã Đức Chính Nguyễn Đức Thuật cho biết: “Vụ đông năm 2023, xã Đức Chính trồng khoảng 360 ha cây cà-rốt. Theo đánh giá, vụ sản xuất này cơ bản thuận lợi cho nên cây cà-rốt có mẫu mã đẹp, cho năng suất, chất lượng cao, bảo đảm an toàn chất lượng sản phẩm với thu nhập đạt hơn 300 triệu đồng/ha, lãi hơn 100 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả cao, dư địa xuất khẩu còn nhiều cho nên thời gian qua nông dân tại địa phương đã đến các tỉnh như Thái Bình, Bắc Ninh, Hà Nam... để thuê đất trồng với diện tích hơn 1.000 ha. Hiện nay, tiêu thụ cà-rốt của xã tại thị trường trong nước khoảng 20 đến 25%, còn lại xuất khẩu sang Hàn Quốc, Malaysia, Lào, Nhật Bản, Thái Lan và khu vực Trung Đông… với giá bán cao hơn từ 20% đến 30%”.
Nhiều năm qua, thị xã Kinh Môn là địa phương trồng hành, tỏi có tiếng không chỉ ở Hải Dương mà nhiều địa phương khác cũng biết tới. Với kinh nghiệm trồng hành, tỏi nhiều năm qua nên người dân ở đây làu làu quy trình trồng, chăm sóc, bón phân… để cho một vụ hành, tỏi tốt tươi, năng suất.
Trưởng phòng Kinh tế thị xã Kinh Môn Nguyễn Xuân Hạ cho biết: “Cây hành, tỏi là cây trồng chiến lược trong sản xuất vụ đông ở Kinh Môn. Riêng cây hành, những năm qua đang mang lại hiệu quả cao hơn rất nhiều so với trồng lúa với mức thu nhập từ 350 triệu đến 600 triệu đồng/ha/vụ. Tuy nhiên, sản xuất cây vụ đông trên địa bàn gặp nhiều khó khăn do giá vật tư đầu vào liên tục tăng; nhân công đến thời vụ thu hoạch thiếu. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ qua xuất khẩu chưa được nhiều và chủ yếu ở các nước Đông Nam Á, nên giá cả bấp bênh. Vì vậy, người dân lo lắng với điệp khúc được mùa, giá thấp”.
Bác Mạc Thị Đan, xã Hiệp Hòa, thị xã Kinh Môn chia sẻ: “Mặc dù trồng hành vất vả vì thường xuyên phải có mặt ngoài đồng để chăm sóc nhưng bù lại hiệu quả kinh tế cao. Vụ đông năm nay thời tiết thuận lợi cho nên cây hành phát triển tốt, cho củ đều. Trong vụ đông này, gia đình tôi trồng bốn sào hành với năng suất đạt khoảng 7 đến 8 tạ/sào, giá bán bình quân khoảng 15 triệu đến 20 triệu đồng/sào, cao hơn trồng lúa rất nhiều”.
Thuận lợi trong tiêu thụ
Để có được kết quả nêu trên là nhờ thời gian qua tỉnh Hải Dương luôn sớm ban hành kế hoạch, phương án tổ chức sản xuất và các chính sách hỗ trợ phát triển cây vụ đông.
Các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại nhằm tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông cho nông dân; kết nối doanh nghiệp với các tổ hợp tác, hợp tác xã, hộ nông dân tích tụ ruộng đất sản xuất rau hàng hóa tập trung có hợp đồng bao tiêu sản phẩm trước khi vào vụ sản xuất...
Kiểm tra độ sinh trưởng của cây hành tại thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. |
Phó Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hải Dương Lê Thái Nghiệp cho biết: “Vụ đông năm 2023, toàn tỉnh trồng 22.390 ha cây rau màu các loại, tăng 385 ha so với vụ đông trước. Trong đó, cây cà-rốt với diện tích 1.253 ha, tập trung tại các huyện: Cẩm Giàng, Nam Sách và thành phố Chí Linh. Theo đánh giá, năm nay đầu vụ thời tiết thuận lợi cho cà-rốt sinh trưởng ở giai đoạn phát triển thân lá, giai đoạn vào củ có lạnh sâu giúp tăng kích thước củ, chất lượng tốt nên sản lượng dự kiến từ 65.000 đến 70.000 tấn. Đến giữa tháng 1, nông dân đã thu hoạch được 8 đến 10% diện tích. Hiện nay, giá cà-rốt bán tại ruộng dao động từ 5.500 đến 7.000 đồng/kg, trong đó một số diện tích đã bán cho thương lái có giá từ 9 triệu đến 11 triệu đồng/sào, thu lãi 5 triệu đến 7 triệu đồng. Ngoài ra, toàn tỉnh trồng 6.573 ha hành, tỏi với năng suất khoảng 165 tạ/ha, sản lượng dự kiến 108.455 tấn. Nông dân đã thu hoạch khoảng 2.500 ha với giá đầu vụ từ 25 nghìn đến 30 nghìn đồng/kg, thu nhập 13 triệu đến 18 triệu đồng/sào, lãi 8 triệu đến 12 triệu đồng/sào”.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương Lương Thị Kiểm cho rằng: “Lý do cây vụ đông ở Hải Dương giá trị liên tục tăng cao thời gian qua bởi nhiều nơi người dân sản xuất theo hướng chuyên canh và hình thành được chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ cho nên giá bán ổn định, hiệu quả tốt. Đặc biệt, một số nông sản trong cây vụ đông được xuất khẩu đến nhiều nước, trong đó cây cà-rốt với 80% xuất khẩu. Nhằm bảo đảm yêu cầu của thị trường nhập khẩu, tỉnh luôn khuyến cáo nhân dân sản xuất gắn với cấp mã số vùng trồng, sản phẩm đạt chất lượng an toàn thực phẩm... Hiện nay, quỹ đất trồng cây vụ đông còn nhiều nhưng tỉnh cũng không khuyến khích mở rộng diện tích bằng mọi cách mà chỉ tập trung vào những sản phẩm có thị trường tiêu thụ và đất đai phù hợp như cây hành. Còn cây khoai tây, đang khuyến khích mở rộng diện tích nhưng theo hướng liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp và người dân nhằm bảo đảm đầu ra ổn định. Cùng với đó, tỉnh khuyến khích phát triển cây cà-rốt vì tiềm năng xuất khẩu còn lớn”.
Theo nhận định của ngành nông nghiệp tỉnh Hải Dương, từ nay đến cuối vụ (tập trung từ cuối tháng 1 và tháng 2) là cao điểm của thu hoạch cây vụ đông trên địa bàn, đặc biệt là nhóm rau chủ lực như: Hành, tỏi, cà-rốt, cải bắp, su hào, súp-lơ, khoai tây.
Mặc dù sản lượng lớn nhưng áp lực tiêu thụ không cao vì với cây cà-rốt chủ yếu là xuất khẩu tiêu thụ đến tháng 4; nhóm hành củ sau thu hoạch được bảo quản tại nhà tiêu thụ quanh năm. Riêng chỉ có nhóm rau cải bắp, su hào, súp-lơ từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn là thời điểm thị trường có nhu cầu cao nên việc tiêu thụ sẽ thuận lợi.
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nhân dân với diện tích rau màu chưa cho thu hoạch tiếp tục chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh; tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm tạo ra sản phẩm rau đạt chất lượng an toàn.
Cần tăng cường xúc tiến thương mại để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông, trong đó tập trung vào các sản phẩm chủ lực như: Cà-rốt, hành, tỏi, cải bắp, su hào; thu hoạch nhanh gọn diện tích cây vụ đông đã đến kỳ thu hoạch để cung cấp sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán, tranh thủ giá rau đang ở mức cao.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, đến giữa tháng 1/2024, nông dân đã thu hoạch được gần 15.000 ha rau màu vụ đông (đạt khoảng 66% diện tích).
Trong đó, cây cải bắp giá trị thu được từ 235 triệu đến 333 triệu đồng/ha/vụ, lợi nhuận từ 160 triệu đến 230 triệu đồng/ha; cây su hào, thu nhập từ 222 triệu đến 236 triệu đồng/ha, thu lãi 138 triệu đến 152 triệu đồng/ha.